Đây là 3 thí nghiệm mô phỏng núi lửa phun trào mà bạn có thể làm với những vật dụng có sẵn trong gia đình.
1) Thí nghiệm núi lửa phun trào (cấp độ nhẹ) với dấm ăn và bột nở
Để làm thí nghiệm này, các bạn cần:
- Dấm ăn (thành phần chính Axit axetic, công thức hóa học CH3COOH),
- Baking soda (thành phần chính natri hidrocacbonat, công thức hóa học NaHCO3, hoặc bột nở dùng để làm bánh),
- Nước rửa bát (tạo bọt xà phòng, tạo hiệu ứng dòng dung nham sôi sục, dâng trào)
- Phẩm màu các loại (đỏ, xanh, vàng, …). Có thể chọn màu đỏ để tạo hiệu ứng màu sắc giống dung nham.
Xem video:
Phản ứng hóa học trong thí nghiệm:
CH3COOH (dấm ăn) + NaHCO3 (baking soda) -> CH3COONa + CO2 (khí cacbonic) + H2O (nước)
Trong thí nghiệm, khí CO2 là tác nhân chính tạo ra bọt khí, gây hiệu ứng núi lửa phun trào. Đồng thời bọt xà phòng càng khiến dòng dung nham sôi sục trở nên thật hơn.
2) Thí nghiệm núi lửa phun trào (cấp độ nặng) với dung dịch ôxy già
Để làm thí nghiệm này, các bạn cần:
- Dung dịch ôxy già (Hydro peroxide, có công thức hóa học H₂O₂). Bên cạnh cồn, đây là một chất sát trùng phổ biến, có thể mua ở hiệu thuốc.
- Muối Kali iođua (hay kali iotua, công thức hóa học KI)
- Phẩm màu các loại (đỏ, xanh, vàng, …)
Xem video:
Dung dịch ôxy già đã phân hủy thành nước (H2O) và khí ôxy, đồng thời giải phóng nhiệt lượng. Quá trình này có thể xảy ra trong môi trường điều kiện ánh sáng bình thường. Nhưng trong thí nghiệm trên, quá trình đã được đẩy nhanh bởi chất xúc tác là muối Kali iođua.
Phương trình hóa học:
2 H2O2 -> 2 H2O + O2 (khí) + nhiệt
3) Thí nghiệm tạo đèn dung nham phun trào (lava lamp)
Để làm thí nghiệm này, các bạn cần:
- Dầu ăn
- Nước
- Viên sủi vitamin C (hoặc bất kỳ loại viên sủi nào)
- Phẩm màu các loại (đỏ, xanh, vàng, …).
Xem video:
Trong thí nghiệm trên, dầu ăn không hòa tan trong nước mà bị phân tách độc lập khi được đổ vào trong cùng một cốc thủy tinh. Nguyên nhân là bởi dầu ăn và nước có mật độ phân tử và độ âm điện khác nhau. Nói một cách đơn giản, chúng không có cùng tính chất, do đó không thể kết hợp.
Những thí nghiệm trên hoàn toàn có thể làm tại nhà, với những vật dụng rất dễ kiếm. Đây là một cách học môn hóa, vừa thú vị mà lại rất thiết thực. Nếu ở trường có nhiều hơn những thí nghiệm vui như vậy, các bộ môn khoa học tự nhiên “nặng gánh số má và công thức” như toán, lý, hóa sẽ trở nên hấp dẫn hơn biết chừng nào. Việc dạy ở trường cần và nên phải gần gũi hơn với đời sống, không chỉ nên dừng lại ở lý thuyết đơn thuần.
Quý Khải