Sau 2 năm thí điểm, phố đi bộ Hồ Gươm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của Hà Nội. Tuy vậy, vẫn có những nghi ngại trước đề xuất để dự án này được thực hiện chính thức bởi nơi đây vẫn xảy ra tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng đến môi trường văn minh của khu vực.

Mới đây, quận Hoàn Kiếm đã đề xuất để tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm trở thành hoạt động chính thức. Báo Lao Động chia sẻ ý kiến đồng tình của PGS.TS Nguyễn Ngọc Chung – nguyên Trưởng khoa Văn hóa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Theo ông Chung, bất cứ thành phố lâu đời nào trên thế giới cũng đều tổ chức không gian đi bộ. Vì vậy, việc đưa phố đi bộ Hồ Gươm vào hoạt động chính thức là hợp lý.

Bởi 2 năm thí điểm, phố đi bộ đã trở thành không gian văn hóa đường phố thú vị. Đây cũng là nơi giao lưu của nhiều loại hình văn học, nghệ thuật góp phần giới thiệu đời sống người Việt đến với du khách quốc tế, tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội lại cho rằng, việc đưa phố đi bộ vào hoạt động ở thời điểm này là chưa hợp lý vì mật độ dân cư quá đông cũng như tình hình giao thông phức tạp. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân sống gần Hồ Gươm.

Ông Tiến đưa ra phương án hoặc là tiếp tục thí điểm thêm 1 năm nữa hoặc là dừng hẳn. Bởi, khi chưa giải quyết được vấn nạn về trông giữ xe, phân luồng giao thông, chưa có những trò chơi thực sự gây ấn tượng với du khách thì phố đi bộ sẽ không mang lại ý nghĩa tích cực, không có hiệu quả kinh tế.

Từ thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Tại một số nút giao thông gần sát khu vực ra vào phố đi bộ luôn ở tình trạng quá tải. Các điểm trông giữ xe gần trung tâm cũng không thể đáp ứng trong khi những điểm khác ở xa hơn thì lại vắng người gửi. Vì vậy đã phát sinh một số hộ dân tự ý trông giữ xe trái phép, thu giá cao.

Cùng với đó là hoạt động thiếu trật tự an ninh như: bán hàng rong, dắt chó không rọ mõm; trượt patanh, đi xe điện cân bằng, ô tô xe máy điện chưa được giải quyết triệt để. Một số hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tự phát; tập thể dục buổi tối mở nhạc quá to, trang phục không phù hợp cũng ảnh hưởng đến văn minh chung của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, sắp tới sẽ cấm tuyệt đối việc mang thú nuôi vào phố đi bộ để tránh gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và những người xung quanh.

tranh cai xung quanh viec dua pho di bo ho guom vao hoat dong chinh thuc
Phố đi bộ Hồ Gươm chật kín người trong một sự kiện. (Ảnh: Lao Động)

Theo Báo Hà Nội Mới, ngày 11/9, ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất sẽ đưa không gian đi bộ Hồ Gươm vào hoạt động chính thức với 2 phương án.

Phương án 1, tổ chức thực hiện vào thời điểm ngày 10/10/2018 hoặc ngày 1/1/2019. Phương án 2, triển khai sau khi đã hoàn thành dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Cùng với đó, quận sẽ mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm để giảm áp lực đông người, cụ thể triển khai ngay trên tuyến phố Đinh Liệt từ ngày 10/10/2018. Đồng thời, kết nối thêm với các khu vực Nhà hát lớn, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Theo ông Phong, sau 2 năm thí điểm, phố đi bộ Hồ Gươm đã tổ chức hàng trăm sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Trong đó có 185 sự kiện văn hóa được tổ chức với quy mô lớn, thu hút 8 tỉnh, thành phố trong nước và 17 quốc gia tham gia.

Trung bình lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm ban ngày từ 3.000 đến 5.000 người, buổi tối từ 1,5 đến 2 vạn người.

Vũ Loan (Tổng hợp)