Cộng dồn đến hết tháng 11, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 440,04 tỷ USD, tăng 13,3%, tương ứng tăng 51,76 tỷ USD về số tuyệt đối, so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa cuối tháng 11 đạt hơn 21,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng lên hơn 440 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ 2017.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 288,5 tỷ USD, tăng 33,7 tỷ USD (tương đương 13,2%), khối doanh nghiệp trong nước đạt 151,5 tỷ USD, tăng 18 tỷ USD (tương đương 13,5%) so với cùng kỳ năm 2017.
Về xuất khẩu, tính đến hết tháng 11/2018, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 223,72 tỷ USD, tăng 14,5% (tương ứng 28,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Điện thoại và linh kiện tăng 11,5%; hàng dệt may tăng 17,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 28,6%; giày dép tăng 9,9%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá như thủy sản, rau quả, cà phê, gạo.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU, Trung Quốc, ASEAN…
Về nhập khẩu, tính đến hết tháng 11/2018, tổng trị giá nhập khẩu đạt 216,31 tỷ USD, tăng 12,1% (tương ứng 23,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 38,7 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 30,7 tỷ USD, giảm 0,7%; điện thoại và linh kiện đạt 14,4 tỷ USD, giảm 0,8%; vải đạt 11,8 tỷ USD, tăng 13,6%…
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 59,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, ASEAN.
Việt Nam xuất siêu 0,64 tỷ USD trong nửa sau của tháng 11, đưa mức thặng dư trong 11 tháng đầu năm 2018 lên 7,41 tỷ USD.
Thu Nguyễn