Cơ quan quản lý cạnh tranh của Singapore vừa quyết định phạt Uber và Grab 13 triệu Đôla Singapore (SGD), tương đương 9,5 triệu USD, do thương vụ sáp nhập của 2 công ty này.

Theo Channel News Asia, mức phạt với Uber là 6,58 triệu SGD (hơn 4,8 triệu USD), trong khi Grab bị phạt 6,42 triệu SGD (gần 4,7 triệu USD).

Trong một thông báo đưa ra ngày 24/9, Cơ quan quản lý cạnh tranh Singapore (CCCS) cho biết việc xử phạt nhằm ngăn những vụ sáp nhập đã hoàn thành, không thể đảo ngược, nhưng gây tổn hại đến cạnh tranh.

Mức phạt được đưa ra dựa vào các yếu tố về doanh thu của công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm, có xét các tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.

Kết quả điều tra của CCCS cho thấy Grab đã tăng giá 10-15% sau khi mua lại đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Uber. Cơ quan này cũng cho biết họ đã nhận được rất nhiều khiếu nại từ cả khách hàng và tài xế về giá cước và hoa hồng của Grab.

Cũng theo CCCS, Grab hiện nắm khoảng 80% thị phần khiến các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khó mở rộng quy mô và thị trường, đặc biệt khi Grab áp đặt các nghĩa vụ độc quyền đối với các công ty taxi, đối tác cho thuê xe và một số tài xế.

Ngoài tiền phạt, cơ quan quản lý cạnh tranh của Singapore cũng yêu cầu Grab xóa bỏ các quy định mang tính áp đặt một chiều đối với tài xế, duy trì thuật toán định giá và tỷ lệ hoa hồng trước thời điểm sáp nhập. Trong khi đó, Uber được yêu cầu xem xét bán đội xe của công ty Lion City Rentals thuộc hãng cho bất kỳ đối tác tiềm năng nào, ngoại trừ Grab.

Giám đốc điều hành CCCS Toh Han Li cho biết: “CCCS hành động để chống lại vụ sáp nhập của Grab và Uber vì nó đã loại bỏ đối thủ lớn nhất của Grab, gây thiệt hại cho hành khách và tài xế Singapore”.

Phản hồi sau khi CCCS đưa ra phán quyết, Grab cho biết hãng không cố tình hoặc vi phạm luật cạnh tranh một cách tùy tiện. Bên cạnh đó, Grab còn khẳng định chưa tăng giá cước kể từ sau vụ sáp nhập. Tuy nhiên, Grab cam kết sẽ tuân thủ các biện pháp khắc phục do CCCS đặt ra.

Trước đó, trong tháng 3/2018, Grab đã công bố hoàn tất việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á. Ngay sau đó, CCCS đã tiến hành một cuộc điều tra về việc liệu giao dịch có vi phạm luật chống độc quyền hay không.

Tại Việt Nam, sau khi kết thúc quá trình điều tra sơ bộ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hồi tháng 5/2018 đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-CT điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại Việt Nam vì có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế tại Luật Cạnh tranh 2004.

Cụ thể, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc sáp nhập giữa Grab và Uber tại Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Trong khi đó, theo quy định Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Nguyễn Trang (Tổng hợp)