Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng chậm hơn là những yếu tố chính khiến chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 9 đạt mức thấp nhất trong 10 tháng trở lại đây.

Theo báo cáo hàng tháng được hãng Nikkei và IHS Markit công bố ngày 1/10, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam đã giảm từ mức 53,7 điểm trong tháng 8 còn 51,5 điểm trong tháng 9.

“Tốc độ cải thiện của lĩnh vực sản xuất đã chậm lại trong ba tháng liên tiếp, với mức cải thiện điều kiện kinh doanh gần đây nhất là yếu nhất kể từ tháng 11/2017”, Nikkei cho biết.

Tuy nhiên, đơn vị này đánh giá hoạt động sản xuất vẫn tăng trưởng trong suốt 34 tháng qua.

Yếu tố chính làm giảm chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 9 là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng chậm lại. Sản lượng ngành sản xuất tăng với tốc độ yếu nhất kể từ tháng 3.

Tình trạng này cũng xảy ra với đơn đặt hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng ở mức vừa phải và ghi nhận mức tăng chậm nhất trong 16 tháng.

Bên cạnh đó, việc làm trong lĩnh vực sản xuất vẫn tăng trong tháng 9, nhưng tốc độ tạo việc làm yếu và ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017.

nikkei pmi viet nam thang 9 cham day 10 thang
Chỉ số PMI của Việt Nam tháng 9 giảm. (Nguồn: Nikkei)

Về giá cả đầu vào, Nikkei cho biết dù giá tiếp tục tăng trong cuối quý III/2018, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và thấp hơn so với mức trung bình của lịch sử chỉ số.

Mức tăng chi phí chậm lại đã giúp các công ty giảm giá cả đầu ra, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài một năm vừa qua.

Một khía cạnh tích cực là mức độ tự tin trong kinh doanh đã tăng trở lại từ mức thấp kỷ lục của tháng 8. Các kế hoạch phát triển của doanh nghiệp và kỳ vọng tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã hỗ trợ cho tinh thần lạc quan về sản lượng tăng trong năm tới.

nikkei pmi viet nam thang 9 cham day 10 thang
Việt Nam đứng thứ 2 khu vực về chỉ số PMI tháng 9.

Đáng chú ý, chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 9 có sự giảm sút nhưng vẫn xếp vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Philippines vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN nhờ các điều kiện hoạt động cải thiện nhanh hơn.

Với các nền kinh tế khác, Indonesia lùi về vị trí thứ 4, sau khi có các điều kiện hoạt động cải thiện chậm hơn, trong khi Thái Lan có lĩnh vực sản xuất đình trệ trong tháng 9. Singapore và Myanmar tiếp tục có dấu hiệu giảm sút về sức khỏe lĩnh vực sản xuất.

(Tổng hợp)