Việc một loạt các ngân hàng gần đây “rủ nhau” tăng các khoản phí dịch vụ, trong đó có thẻ ATM, đã vấp phải phản ứng của nhiều khác hàng. Trong khi đó, ở  một góc độ khác,  doanh thu và lợi nhuận từ các khoản phí dịch vụ trong năm 2017 và quý I/2018 tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, doanh thu và lợi nhuận lớn từ phí dịch vụ đến từ rất nhiều hoạt động dịch vụ của ngân hàng như thẻ tín dụng, dịch vụ trung gian thanh toán giao dịch bất động sản, thanh toán quốc tế và các khoản phí liên quan đến ATM, Internet Banking, Mobile Banking…

Tuy nhiên, riêng các khoản đầu tư cho hệ thống ATM đến giờ phần lớn các ngân hàng vẫn đang lỗ, do tỷ lệ giao dịch trên máy ATM của khách hàng chủ yếu là rút tiền mặt.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính năm 2017 và quý I/2018 của nhiều ngân hàng cho thấy tỷ trọng lãi từ phí dịch vụ không ngừng tăng lên, thậm chí tỷ suất lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng ở mức rất cao.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2018 của Vietcombank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt gần 1.580 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, doanh thu dịch vụ của Vietcombank đạt tới hơn 5.370 tỷ đồng và lãi từ hoạt động này lên đến gần 2.540 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước đó.

Nhiều ngân hàng khác như BIDV, VietinBank, Sacombank, Techcombank… cũng đều báo lãi từ hoạt động dịch vụ trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỷ đồng từ phí dịch vụ
Vietcombank vừa công bố tăng phí rút tiền nội mạng 1.650 đồng/giao dịch từ 16/5. (Ảnh: Tri thức trực tuyến)

Kết thúc quý I/2018, hoạt động dịch vụ tiếp tục là mảng kinh doanh “hái ra tiền” cho nhiều ngân hàng. Đơn cử, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của Sacombank trong quý đầu năm 2018 đạt 752 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Sau khi trừ chi phí, ngân hàng này còn lãi 544 tỷ đồng từ dịch vụ. Năm 2017, Sacombank cũng lãi tới 2.623 tỷ đồng từ hoạt động này.

Theo chuyên gia tài chính, TS. Huỳnh Trung Minh, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay đều tập trung vào mảng bán lẻ, trong đó nguồn thu từ phí dịch vụ là đáng kể và tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng doanh thu. Trong phí dịch vụ sẽ có các khoản phí liên quan đến giao dịch trên ATM, Internet Banking và Mobile Banking.

Theo Người lao động, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng đầu tư vào hệ thống ATM đang lỗ nặng khi chi phí cho một giao dịch tại ATM mà các ngân hàng đang phải chi trả, gồm cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng từ 7.000-10.000 đồng, cao hơn mức thu từ khách hàng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế phân tích, không thể tính “cố định” mỗi lần khách hàng rút tiền tại ATM là ngân hàng tốn chi phí 10.000 đồng, bởi khi đầu tư mạng lưới máy ATM cũng giúp ngân hàng gia tăng hình ảnh nhận diện thương hiệu, quảng bá sản phẩm và thu hút thêm khách hàng mới. Đồng thời, khách hàng sau khi mở thẻ ATM có thể sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ khác, giúp ngân hàng có thể bán chéo sản phẩm…

Chia sẻ trên Dân Việt, luật sư – TS. Bùi Quang Tín cho rằng các ngân hàng lập luận phải tăng phí là để bù đắp chi phí, giúp ngân hàng duy trì đầu tư hệ thống ATM… Hơn nữa, ATM là “tiện ích” nên khách hàng phải trả phí khi sử dụng tiện ích đó. Tuy nhiên, thực tế, ngân hàng cũng được hưởng “lợi đơn, lợi kép” chứ không phải chỉ bù lỗ với đầu tư hệ thống ATM.

Đơn cử như với việc đầu tư hệ thống ATM, các ngân hàng giảm được chi phí hoạt động do giảm giao dịch trực tiếp với khách hàng, hạn chế phải mở phòng giao dịch, giảm bớt nhân viên giao dịch với khách, giấy tờ in và hàng loạt chi phí khác… Thêm vào đó, chủ thẻ luôn duy trì số dư nhất định trong tài khoản, các ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn này để kinh doanh.

Chính vì vậy, ông Tín cho rằng thay vì tăng đại trà như phí rút tiền nội mạng, phí Internet Banking… rất dễ vấp phải sự phản ứng, ngân hàng nên cung cấp gói sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính để từ đó thu phí thì hợp lý hơn.

Nguyễn Trang