Giá điện trong năm 2019 có thể tăng do nguồn nước phục cho thuỷ điện thiếu, giá than phục vụ cho nhiệt điện tăng cao.
VnExpress đưa tin, tại cuộc họp về chi phí sản xuất điện của EVN ngày 30/11, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết cơ quan này đang xây dựng phương án cung cấp điện năm 2019, trong đó có 4 kịch bản vận hành tương ứng với 2 tốc độ tăng trưởng phụ tải và lượng nước về. Trong các kịch bản, tổng nhiệt điện than đều tăng 116 triệu kWh, gây áp lực tăng giá điện.
Ngoài ra, dự báo năm 2019 nước về các hồ thủy điện kém hơn nhiều, các mỏ khí suy giảm nguồn cung, nên ông Tuấn nhấn mạnh sẽ chỉ đạo cho các đơn vị cấp than chuẩn bị nguồn nhiên liệu trên cơ sở tính đến nguồn nhập khẩu.
Trong khi đó, báo Lao động dẫn lời ông Đinh Quang Tri, quyền Tổng giám đốc EVN, cho biết giá điện sẽ được điều chỉnh tăng do giá than phục vụ cho nhiệt điện tăng và nguồn nước để phục vụ thủy điện lại thiếu.
“Nếu sản lượng điện từ thủy điện hụt thì dùng nhiệt điện than, thậm chí là dầu. Nếu dùng dầu thì giá thành có thể lên đến trên 5.000 đồng/kwh. Nhưng tôi khẳng định 2019-2020 đảm bảo đủ điện, vấn đề là chạy với giá thành và giá điện thế nào thôi”, ông Đinh Quang Tri nói.
Theo chỉ thị 21 của Thủ tướng chính phủ, EVN chỉ mua than của 2 đơn vị là Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) và than Đông Bắc .
Kế hoạch sản xuất điện năm 2019 sẽ tiêu tốn khoảng 54 triệu tấn than, trong đó 10 triệu tấn than nhập khẩu và 44 triệu tấn than trong nước. Hiện tại, TKV và than Đông Bắc không cung cấp đủ và dự kiến thiếu 8 triệu tấn.
EVN đã đề xuất chính phủ cho nhập khẩu trực tiếp than để bù vào phần thiếu mà TKV và than Đông Bắc không cung cấp được và đã nhận được sự đồng ý.
“Chúng tôi đã nhận được bản chào giá than của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, dự kiến tăng 5%. Khi tăng giá than thì giá điện tăng tương ứng,” vị đại diện EVN cho hay.
Thách thức nữa với giá điện năm 2019 là tăng trưởng nhu cầu điện vẫn trên 10% và tăng vọt tại một số khu vực. Giải pháp được ông Tri đề cập là điện mặt trời áp mái tại hộ gia đình.
Ông tính toán, mỗi hộ gia đình lắp 3-5 MW sẽ đủ phục vụ cho sinh hoạt. Với 30 triệu hộ gia đình, nếu chỉ 1 triệu hộ lắp đặt thì con số này tương đương 3.000 MW.
“Đẩy mạnh điện mặt trời áp mái tại hộ gia đình sẽ giải quyết được phần nào thiếu điện ở miền Nam”, ông Tri nói.
Theo công bố, năm 2017, EVN lãi hơn 2.730 tỷ đồng từ sản xuất, kinh doanh điện. Lượng điện thương phẩm ghi nhận gần 175 tỷ kWh. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667 đồng một kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Ngoài ra, vẫn còn trên 5.000 tỷ đồng chi phí chưa được đưa vào giá thành sản xuất điện năm 2017. |
(Tổng hợp)