Song song với việc bán tháo trái phiếu Mỹ, Nga lại dồn dập mua thêm rất nhiều vàng tích trữ nhằm đối phó với những đòn trừng phạt mới của Washington.

Bloomberg dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết Ngân hàng trung ương Nga đã mua 26,1 tấn vàng trong tháng 7, đợt giao dịch lớn nhất kể từ cuối năm 2017, nâng tổng dự trữ vàng của Nga lên 2.170 tấn.

Trước đó, Nga đã mua 20 tấn vàng cho dự trữ quốc gia trong tháng 5 và mua thêm 17 tấn trong tháng 6.

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, tổng dự trữ vàng của Nga đã tăng 37% và hiện đạt trị giá khoảng 76 tỷ USD.

Dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy Nga đã thăng hạng nhanh chóng trong danh sách các quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Thậm chí, ngay từ đầu năm nay, Nga đã vượt qua Trung Quốc trong danh sách này.

Hiện tại, Mỹ vẫn là nước dự trữ nhiều vàng nhất, ở mức khoảng 9.000 tấn.

Việc Nga đẩy mạnh hoạt động mua vàng diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow.

Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Dmitry Tulin cho biết Moscow xem vàng là “vật bảo đảm 100% trước các rủi ro về pháp lý và chính trị”.

Việc tích trữ vàng diễn ra song song với hoạt động bán trái phiếu Mỹ, tạo ra đồn đoán Nga có thể dùng nguồn tiền từ đây để mua vàng.

Số liệu cho thấy Nga đã giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ từ 96,1 tỷ USD trong tháng 3 xuống còn 14,9 tỷ USD vào tháng 5, tương đương mức giảm 84%. Trái phiếu kho bạc Mỹ hiện chỉ chiếm 17% dự trữ ngoại hối mà Ngân hàng trung ương Nga quản lý.

Lo ngại Mỹ gia tăng trừng phạt, Nga tăng tích trữ vàng kỷ lục
Biểu đồ về tốc độ bán tháo trái phiếu Mỹ của Nga. (Ảnh: CNN)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết nước này sẽ tiếp tục bán trái phiếu Mỹ để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Washington.

Chia sẻ trên CNN, chuyên gia phân tích Eugene Chausovsky của công ty tư vấn địa chính trị Stratfor cho rằng việc Nga gom vàng là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong bối cảnh mối quan hệ Nga – Mỹ vẫn còn căng thẳng.

Ngoài ra, Moscow có thể lo ngại rằng đòn trừng phạt của Mỹ có thể khiến Nga khó bán trái phiếu kho bạc Mỹ trong tương lai hoặc khiến các ngân hàng của Nga không thể sử dụng đồng USD trong các giao dịch.

Trong khi đó, William Jackson, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi của Capital Economcis, nhấn mạnh tới nguy cơ Nga có thể sẽ tiếp tục phải chịu đựng những đòn trừng phạt khắc nghiệt hơn từ phương Tây.

“Điều này cho thấy Nga ngày càng lo ngại về khả năng leo thang trừng phạt. Những biện pháp trừng phạt áp lên Nga, dù nhẹ, cũng có thể gây ảnh hưởng gián tiếp to lớn bởi các tổ chức và nhà đầu tư sẽ bắt đầu lo sợ những bước trừng phạt tiếp theo có thể đến”, ông William Jackson nhận định.

Sức ép kinh tế đối với Nga gia tăng từ năm 2015 khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt tiếp tục được tăng cường trong năm nay sau khi Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ mưu sát bất thành một cựu điệp viên hai mang người Nga đang sống tại Anh. Trong đó, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên nhiều cá nhân và tổ chức của Nga, đồng thời đánh thuế bổ sung đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Nga.

Vỹ An