Việc nhiều ngân hàng đột ngột tăng lãi suất huy động trở lại đang làm dấy lên lo ngại rằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm có thể sẽ tăng theo, gây áp lực tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mùa cao điểm.

Nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, khiến mặt bằng lãi suất trên thị trường có xu hướng nhích dần lên.

Trong số các ngân hàng tăng lãi suất đợt này, Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) tăng lãi suất huy động mạnh nhất, với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng tăng từ 7,2% lên 8,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi ngân hàng dài hạn cao nhất trên thị trường hiện nay.

Ngoài ra, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 8-11 tháng tại ngân hàng này là 7,8%/năm, tăng 0,6-1,4% so với trước đó.

VietCapital Bank là một trong những ngân hàng thường xuyên đưa ra mức lãi suất huy động đầu vào cao hơn so với mức bình quân của hệ thống.

Tương tự, SHB cũng đưa ra biểu lãi suất áp dụng từ ngày 6/8, trong đó nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng thêm 0,2% lên khoảng 6,8-6,9%/năm, cũng là mức cao nhất từ đầu năm của ngân hàng này.

Techcombank mới đây công bố điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn. Biểu lãi suất mới của ngân hàng này theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao.

Cụ thể, Techcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1% lên 4,6%/năm đối với tài khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng; lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng cũng tăng 0,1% lên 6,5%. Riêng khách hàng gửi tiết kiệm online có thể được hưởng lãi suất 6,8%.

Không chịu đứng ngoài lề, VPBank cũng điều chỉnh lãi suất huy động trung bình tăng thêm 0,1-0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này đang nằm ở kỳ hạn trên 24 tháng, với 7,4%/năm.

Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tập trung tại các kỳ hạn ngắn, như Sacombank, VietBank, ACB…

Trong khi đó, dù đã điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ nhưng nhóm 4 ngân hàng đầu ngành là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank hiện vẫn duy trì mức lãi suất huy động thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, chỉ trong khoảng 4,1-7%/năm tùy hạn mức.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần đầu tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng phổ biến ở mức 4,3-5,5%/năm; với kỳ hạn 6-12 tháng quanh mức 5,3-6,5% và với các khoản tiền gửi trên 12 tháng dao động từ 6,5-7,3%.

Lý giải về việc nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Ngân hàng Nhà nước hiện nay vẫn cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 45% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm về còn 40% nên nhiều ngân hàng cần tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài để đẩy mạnh huy động nguồn vốn dài hạn.

Mặt khác, hiện đồng USD đang trong xu hướng tăng giá nên nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động để tránh việc khách hàng rút tiền đồng ra để đầu cơ vào đồng USD.

Lãi suất cho vay có tăng theo?

Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng lên, nhiều người lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ sớm chuyển động cùng hướng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, bất cứ khi nào lãi suất huy động tăng cũng đều tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Nguyên nhân là bởi để giữ được biên độ lợi nhuận kỳ vọng giữa mặt bằng chung của lãi suất cho vay với lãi suất huy động, các ngân hàng cần tranh thủ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, trong đó có cộng thêm biên độ lãi suất tiền gửi.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng hiện nay chưa có dấu hiệu tăng lãi suất cho vay một cách đồng loạt. Song, để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm là một nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng. Lý do là những biến động thị trường tài chính thế giới những tháng cuối năm có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam. Đơn cử như nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, lãi suất huy động trong nước sẽ tăng, từ đó kéo theo lãi suất cho vay có thể tăng theo.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng lãi suất đầu vào chỉ là một trong rất nhiều biến số để quyết định lãi suất cho vay.

Vị chuyên gia này phân tích, trong điều kiện lãi suất huy động tăng nhưng mức độ rủi ro của phương án kinh doanh có mức độ rủi ro thấp, tính pháp lý của tài sản thế chấp an toàn hơn, khả năng trả nợ của khách hàng ngày càng tốt thì lãi suất cho vay vẫn sẽ giữ ổn định.

Chia sẻ trên Vietnamfinance, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo rằng để đảm bảo tăng trưởng sản xuất ổn định, cả ngân hàng và doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn. Đặc biệt với doanh nghiệp, về lâu dài cần đa dạng hóa nguồn vốn của mình để giảm bớt lệ thuộc vốn vào ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.

Vỹ An