Củ cải, su hào và trước đó là thịt lợn, dưa hấu, thanh long, tỏi mồ côi… không năm nào không có đôi ba vụ giải cứu. Giờ thành lệ được mùa tất có giải cứu, nông dân cứ trồng cứ nuôi, bán được thì tốt, không tiêu thụ thì ắt sẽ… được cứu.
Từ một cuộc “giải cứu” mang tính tình thế, nhưng chỉ trong vòng 3-4 năm trở lại đây, đã có hàng loạt nông sản rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa và cần đến sự cứu giúp. Đầu năm 2018 cũng có những đợt giải cứu rải rác từ Bắc chí Nam, nào là giải cứu thịt lợn, giải cứu hoa và giờ là cứu củ cải, su hào.
Phải nói cuộc giải cứu nào cũng thành công, thành công đến độ giờ cứ khó khăn là nông dân than khóc, thay vì kêu cứu với chính quyền với ban ngành thì họ cứ nhờ người hoặc lên mạng xã hội lan truyền những cơ cực, những nỗi ám ảnh hàng thừa, hàng ế chờ ngày đổ bỏ, nguy cơ nợ nần chồng chất, nhà mất ruộng không còn vì lỗ nặng… Người Việt có văn hóa lá lành đùm lá rách nên cứ đâu khó là lại mách nhau cứu. Thế nên nền kinh tế quen phụ thuộc, ỉ lại vào sự bảo hộ nên cứ thích kiểu làm “nóng”, đâu ngon thì ta tới, chẳng tính đến đầu ra, hay những bước đi dài lâu mà bền vững.
Sau mỗi đợt giải cứu là gì?
Hàng được giải tỏa khỏi “kho” nhưng tiền thu về chẳng được bao nhiêu vì nông sản vẫn chỉ bán được với giá rẻ ở mức hòa vốn hoặc đủ cắt lỗ. Sang năm, nông dân vẫn tiếp tục sản xuất và mở rộng sản xuất, chẳng cần biết đến quy hoạch, cũng chẳng cần đo nhu cầu của thị trường. Kịch bản cũ lại tái diễn, thời tiết không thuận lời thì mất mùa mất vốn, nhưng “được mùa thì rớt giá”. Hàng hóa mua tại vườn với giá rẻ mạt, nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì giá cao, phần “béo nhất” lại thuộc về thương lái. Việc mua bán cũng phụ thuộc vào thương lái nên đôi khi bị ép giá, “bỏ bom”. Thậm chí trong vụ mùa giải cứu hoa hồi Tết, nông dân vườn hoa còn chua xót thốt lên rằng “chúng tôi không cần giải cứu”, bởi chính vì báo chí lan truyền tin hoa ế mà thương lái về ép giá, nên nhiều gia đình chấp nhận phá vườn, vứt hoa chứ không bán giá rẻ vì không muốn “xúc phạm sức lao động”.
Giải cứu chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu phương thuốc giải cứu cứ lặp lại sẽ là bài thuốc đắng vì nông nghiệp sẽ không theo kịp thị trường, không đủ sức cạnh tranh để vươn ra thế giới. Hơn nữa, giải cứu nhiều người tiêu dùng cũng nản, trong khi đó, bản thân họ lại không được “cứu” khi không may bị lợi dụng lòng tốt mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, giá cao.
Giải cứu từ trang trại
Người nông dân Việt Nam có thể rất thạo việc trồng trọt, chăn nuôi, nhìn trời đoán thời tiết nhưng họ lại chưa đủ sức để làm chủ “nghiệp” của mình và họ luôn phải loay hoay để tìm lối đi cho nghiệp của mình. Lẽ ra lúc này các chuyên kinh tế, chuyên gia nông nghiệp sẽ cho họ một cái nhìn dài hạn nên nuôi trồng gì cho phù hợp, và làm ở quy mô nào để đảm bảo cung hợp với cầu. Bởi nếu nông dân không làm chủ được nghiệp của mình thì sẽ không có cuộc giải cứu cuối cùng.
Bấy lâu nay, chính vì để nông dân “tự đi” mà việc phát triển nuôi trồng các loại nông sản đều “quá nóng” tạo nên sự mất cân đối cung cầu, gây hệ lụy không nhỏ với ngành nông nghiệp nước nhà. Chỉ cần năm nào được giá là năm sau nông dân lại bảo nhau tăng quy mô, nhìn địa phương khác thành công là các xã viên lại bảo nhau làm giống thế, chẳng cần nghiên cứu đến địa hình địa chất, kinh tế mỗi nơi một khác. Một phần cũng do lỗi các cơ quan quản lý đã quá chậm trễ trong việc cảnh báo về quy mô sản xuất, biến động thị trường và việc quy hoạch đầu tư nông nghiệp lẫn thị trường tiêu thụ.
Yêu cầu sản xuất phải kết nối với thị trường là vấn đề khó “vượt tầm” của nông dân. Sản xuất cái gì, bán cho thị trường nào, bán khi nào, thị trường đó yêu cầu và có quy định thế nào đối với sản phẩm… là những điều nông dân sản xuất nhỏ lẻ, đi lên từ sản xuất nhỏ không thể trả lời. Vì vậy, việc trồng cây gì, nuôi con gì cần có giải pháp tổng thể từ cơ quan chức năng, thậm chí “cầm tay chỉ việc” của chính quyền địa phương, nhất là ngành nông nghiệp. Phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất để tránh phụ thuộc vào một số thị trường như cách làm lâu nay.
Ngoài ra, khâu phân phối nội địa yếu kém, nhiều tầng nấc và chi phí cao khiến người tiêu dùng đầu cuối vẫn mua giá cao, kém chất lượng; trong khi nông dân bán quá thấp, phải đổ bỏ.
Do vậy, cần phải tổ chức lại khâu phân phối để giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí. Hiện thương lái đi gom thu mua nông sản rồi bán cho nhà phân phối, nhà phân phối lại cung c ấp cho người bán lẻ, người bán lẻ bán cho người tiêu dùng. Như vậy là phải qua ba bốn khâu trung gian, chi phí cũng từ đó mà đội lên cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nông dân cần phải tham gia “chuỗi giá trị”, ký kết thoả thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm, khi đó, họ mới nắm rõ việc nuôi bao nhiêu con, quy trình nuôi thế nào và giá bao nhiêu… Có như vậy mới thoát khỏi cảnh lao đao, mất ăn mất ngủ vì giá cả tuột dốc như hiện nay.
Song, việc tạo chuỗi và tham gia vào chuỗi giá trị lại không đơn giản, bởi thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai người ấy làm đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người. Họ ngại thay đổi, làm việc theo quy trình, có sự ghi chép, truy xuất nguồn gốc rõ ràng…
Và giải cứu cả tầm nhìn
Cũng phải nói rằng, một nền kinh tế thị trường mà luôn phải “giải cứu” người sản xuất bằng những giải pháp thủ công mang tính phong trào, tình thế, ưu tiên “từ thiện, hỗ trợ” của cộng đồng là một nền kinh tế thiếu chuyên nghiệp, một xã hội phát triển thiếu vững chắc. Quy luật kinh tế thị trường tuy hấp dẫn và là động lực kích thích xã hội phát triển nhưng đầy khắc nghiệt, đòi hỏi mỗi thành phần trong đó có nhà nông phải tương thích bằng vai trò của mình. Đó là sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp và hiểu biết thị trường đầy tỉnh táo, có tầm tư duy, quy mô, cơ cấu chăn nuôi hợp lý, biết cung cái gì thị trường cầu, chứ không chỉ cung cái mình có.
Thời gian qua Chính phủ nói rất nhiều về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, công nghệ cao với những cam kết dành hàng trăm ngàn tỷ đồng cho các mô hình này. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đã chỉ ra rằng, bên cạnh phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tự nhiên cũng đang phát triển nhanh chóng và trở thành xu hướng chủ đạo trên quy mô toàn cầu.
Vì vậy Việt Nam cần phát triển cả bốn mô hình nông nghiệp này, nhưng căn cứ vào đặc điểm riêng và thế mạnh của mình để có những chiến lược phù hợp. Đối với nông nghiệp quy mô lớn, Việt Nam tập trung vào các nông sản cơ bản như lúa, cà phê, hạt tiêu, hạt điều… vì đây là nguyên liệu đầu vào cho các ngành chế biến nên dễ tiêu thụ.
Bên cạnh đó là việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để phát triển thị trường rau quả có giá trị lớn gấp 7 lần so với thị trường gạo.
Ở những vùng địa lý khác có những lợi thế về cây trồng hay vật nuôi đặc sản, sự khác biệt về địa lý khí hậu và môi trường còn tương đối sạch, chính quyền không nên thu hút nông nghiệp quy mô lớn mà đẩy mạnh sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tự nhiên.
Với sự hội nhập sâu, giao thương toàn cầu, phát triển của hệ thống kinh doanh dựa trên Internet sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam có khả năng thành công trong việc phát triển nông nghiệp đa dạng, ở quy mô nhỏ hơn hoặc liên kết nhiều trang trại nhỏ theo kiểu hợp tác xã hoặc chuỗi cung ứng nhỏ sẽ có nhiều triển vọng trong giai đoạn tới.
Cần sớm chấm dứt hệ sản xuất nông nghiệp kiểu “mì ăn liền”, thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào nếu không cuộc giải cứu củ cải chưa phải cuộc giải cứu cuối cùng.
Hà Vũ