Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/10 đã thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình.

Trong thông cáo của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam đã minh chứng cho chính sách thương mại của châu Âu. Hai hiệp định này mang lại những lợi thế và lợi ích chưa từng có trong tiền lệ cho các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng ở châu Âu và Việt Nam.

Cụ thể, EVFTA sẽ xóa bỏ trên 99% thuế quan với hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận cũng sẽ giải quyết hàng rào phi thuế quan trong ngành ô tô và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 169 sản phẩm của châu Âu, tạo điều kiện cho các công ty EU tham gia đấu thầu bình đẳng với công ty Việt Nam trong hợp đồng công.

Ngoài ra, EVFTA còn có những cam kết mạnh mẽ có tính ràng buộc pháp lý về phát triển bền vững, bao gồm cả việc tôn trọng quyền con người, quyền lao động, bảo vệ môi trường và đấu tranh với biến đổi khí hậu, với tham chiếu rõ ràng tới Hiệp ước Paris.

Trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư bao gồm quy định hiện đại và có tính thực thi cao thông qua Hệ thống Toà án Đầu tư mới. Thỏa thuận này được cho là sẽ giúp tạo bước tiến xa hơn về hợp tác ở tầm khu vực giữa Đông Nam Á và châu Âu.

Ông Juncker nhận định việc thông qua đệ trình ký kết 2 hiệp định vài giờ trước khi chào đón đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEM – EU thể hiện cam kết của Ủy ban châu Âu về thương mại cởi mở với châu Á.

Theo Cao ủy về Thương mại, bà Cecilia Malmström, EC đã có 2 hiệp định tiến bộ và rất giá trị với Việt Nam.

Bà Malmström đánh giá Việt Nam có những tiềm năng to lớn về làm ăn cho các nhà đầu tư và xuất khẩu EU trong cả hiện tại và tương lai nhờ sở hữu thị trường sôi động và lực lượng lao động trẻ.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU tại Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ Euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ Euro một năm.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU các mặt hàng thiết bị viễn thông, hàng may mặc và thực phẩm. Ngược lại, EU xuất khẩu sang Việt Nam máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản.

Theo kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý II/2018 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây, các doanh nghiệp châu Âu rất lạc quan khi đánh giá tình hình kinh doanh tại Việt Nam. Sự lạc quan này được thể hiện qua chỉ số BCI quý II tăng 6 điểm so với quý trước. Đây cũng là đánh giá tích cực nhất từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong 18 tháng qua và chỉ thấp hơn 2 điểm so với mức cao nhất từng đạt trong quý III/2016.

(Tổng hợp)