Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings của Mỹ vừa nâng bậc xếp hạng đối với Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt về các chính sách kinh tế, tình hình nợ công và cải cách.  

Trong thông báo phát đi ngày 15/5, Fitch nâng mức hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc, từ BB- lên BB với triển vọng “Ổn định”. Trong khi đó, xếp hạng nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ và nội tệ ngắn hạn được giữ nguyên ở mức B.

Fitch cho biết việc nâng bậc xếp hạng đối với Việt Nam phản ánh sự cải thiện của việc hoạch định chính sách hướng tới việc củng cố kinh tế vĩ mô.

Tổ chức này cho biết tốc độ tăng trưởng GDP thực của Việt Nam trong 5 năm qua (tính đến 2017) đạt bình quân 6,2%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 3,4% của các nước được xếp hạng BB. Fitch dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% đã đề ra nhờ sự thúc đẩy của khu vực FDI, sản xuất và đầu tư của khu vực tư nhân.

Việt Nam sẽ “tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhanh nhất trong số các nước được xếp hạng BB,” Fitch đánh giá.

Hãng định mức tín nhiệm này nhận định khả năng chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài của Việt Nam đã được cải thiện khi dự trữ ngoại hối tăng từ 37 tỷ USD vào cuối năm 2016 lên 49 tỷ USD năm 2017 (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu) khi dòng vốn nước ngoài đổ vào mạnh và tài khoản vãng lai thặng dư. Dự báo dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục tăng lên 66 tỷ USD vào cuối năm 2018, tương đương 3,1 tháng nhập nhẩu.

Được Fitch nâng hạng xếp hạng tín nhiệm, Việt Nam sẽ hưởng lợi gì?
Dự trữ ngoại tệ tăng giúp Việt Nam chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài

Cũng theo Fitch, dòng vốn nước ngoài vào mạnh và khả năng tích lũy đã giúp cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam, thể hiện qua việc lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm khoảng 150 điểm cơ bản kể từ cuối năm 2017 xuống mức 2,6% hiện nay.

Vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng cao trong năm 2017, trong đó ngành chế biến chế tạo ghi nhận mức tăng tới 40% lên 21,3 tỷ USD.

Trong khi đó, nợ công đã được kiểm soát. Fitch ước tính tổng nợ chính phủ của Việt Nam đã từ mức 53,4% năm 2016 xuống 52,4% GDP năm 2017, còn nợ chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,3% cuối năm 2016 còn 9% GDP vào cuối năm 2017.

Nhờ đó, nợ công của Việt Nam giảm từ mức 63,6% cuối năm 2016 xuống 61,4% GDP vào cuối năm 2017, một phần nhờ phần vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Theo dự báo của Fitch, nợ chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm về dưới 50% GDP vào năm 2019, còn thâm hụt ngân sách giảm về 4,6% trong năm 2018 từ mức 4,7% năm 2017.

Về nợ xấu, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tháng này công bố nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã giảm xuống dưới 3%, nhưng Fitch cho rằng chất lượng tài sản thực có thể thấp hơn số liệu công bố.

Đo dó, Fitch cho rằng mức xếp hạng “BB” vẫn phản ánh cấu trúc của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn yếu, nhu cầu tái cấp vốn của ngành này vẫn là một rủi ro đối với bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Đánh giá về hành động của Fitch, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters cho rằng việc nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam là một động thái rất tích cực, thể hiện sự ổn định vĩ mô tiếp tục được cải thiện.

Chuyên gia này cho rằng việc được Fitch nâng hạng tín nhiệm sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài và Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp hơn.

Minh Tuệ