Theo Nikkei, các doanh nghiệp nông nghiệp Nhật Bản đang thâm nhập vào các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, để sản xuất loại gạo nổi tiếng của xứ mặt trời mọc ngay tại địa phương.

Một số công ty Nhật Bản nhận ra tiềm năng của việc sản xuất gạo ngay tại các quốc gia khác thay vì xuất khẩu. Xu hướng này được hỗ trợ nhờ số lượng các nhà hàng Nhật trong khu vực ngày càng gia tăng.

Vào giữa tháng 11/2017, nhà hàng Nhật Ofukuro Tei ở Hà Nội bắt đầu bán gạo được nhà sản xuất gạo Ajichi trồng ở Việt Nam.

Ba loại gạo Akisakari, Koshihikari và Hanaechizen có giá bán khoảng 500 Yên, tức hơn 100.000 đồng cho mỗi túi 2kg, chưa bằng một nửa giá nhập khẩu.

Ajichi Farm thành lập công ty liên doanh Inakaya với một tập đoàn nông nghiệp Việt Nam vào mùa thu 2017 và đã bắt đầu trồng lúa ở Nam Định. CEO Takenori Ito gần như tháng nào cũng sang thăm để đảm bảo việc quản lý đất đai và các công nghệ canh tác được thực hiện đúng chuẩn. Công ty cũng đưa nhà quản lý Việt Nam đi thăm các cánh đồng lúa ở Fukui.

Tuy phải đối mặt với một số thách thức, như hạt gạo không phát triển đúng do sự khác biệt về thời tiết giữa 2 nước, nhưng theo ông Ito, đây không phải là một vấn đề lớn khi “nông dân Việt biết cách trồng lúa, vì vậy chúng tôi có thể [giúp họ] phát triển các giống Nhật Bản”.

Từ mùa hè năm ngoái, Ajichi tăng diện tích trồng lúa ở Nam Định từ 1,5 ha lên 10 ha và đã bắt đầu bán sản phẩm. Công ty đặt mục tiêu sản xuất 10.000 tấn và doanh thu là 2 tỷ Yên (hơn 400 tỷ đồng) mỗi năm.

Trong bối cảnh món ăn Nhật ngày càng được ưa chuộng, các tập đoàn nông nghiệp và các công ty chế biến thực phẩm nước này liên tục tăng sản xuất gạo ở các nước châu Á khác, khu vực có khoảng 69.300 nhà hàng Nhật vào 2017, tăng 50% so với 2015, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản.

Quang Minh