150 căn hộ chung cư thuộc 3 tòa nhà tái định cư tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội, đã được chủ đầu tư đề nghị phá bỏ.
Trước khi dự án được khởi công xây dựng, 3 khối nhà này đều được đánh giá là đắt giá bởi có vị trí đẹp, giao thông thuận tiện. Song, sau 10 năm hoành thành, vẫn không có người dọn đến ở, các căn nhà trở nên hoang tàng, cây cối mọc cao đầu.
Mới đây, chủ đầu tư có văn bản đề nghị thành phố cho phép phá dỡ toàn bộ dự án để xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố, theo Dân Việt.
Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư lập hai phương án: Một là cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội; hai là phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới.
Không chỉ 3 tòa nhà ở Long Biên, tình trạng này diễn ra ở nhiều khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khoảng 1.000 căn hộ tái định cư còn đang bị bỏ trống. Trong đó có cả những tòa nhà ở ngay khu trung tâm nội thành sầm uất.
Đơn cử như khu chung cư 20 tầng ở phố Tạ Quang Bửu (Hai Bà trưng), với khoảng 154 căn hộ, được xây dựng từ những năm 1995 nhưng đến nay, tòa nhà này vẫn không một bóng người.
Tiếp đến là khu tái định cư Hoàng Cầu (Đống Đa) gồm 4 tòa nhà, đã hoàn thiện từ lâu nhưng số hộ chuyển đến ở chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi căn nhà này có giá từ 14-16 triệu đồng/m2, nhưng trên các trang mua bán bất động sản đều được rao bán với giá 29-30 triệu đồng/m2. Có lẽ giá cao cũng là lý do khiến những căn hộ ở đây bị ế ẩm.
Tương tự, 3 tòa CT1 tái định cư tại Bắc Linh Đàm (Bắc Từ Liêm) được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay, vẫn thưa thớt người ở. Khoảng 50% số căn hộ trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong. Có những tầng không một bóng người, nhiều tầng chỉ có 1, 2 căn hộ được sử dụng. Chủ yếu là người thuê nhà.
Trong khi đó, các tòa nhà bắt đầu xuất hiện tình trạng xuống cấp như liên tục xảy ra thấm dột, thậm chí vỡ đường ống nước, khi xuống tầng hầm thì phải “đeo khẩu trang” vì mùi hôi thối, thậm chí phải đi giày, đi ủng vì nước và chất thải lênh láng. Thật khó ai có thể dũng cảm bỏ tiền tỷ ra tậu nhà ở trong tình trạng như vậy.
Những khu tái định cư ở vùng ven hay ngoại ô dường như cũng trong tình trạng bị hoang hóa như khu tái định cư Vĩnh Hoàng nằm trong KĐT Vĩnh Hoàng (Hoàng Mai) với 3 tòa, hàng trăm căn hộ.
Khu nhà tái định cư Sống Hoàng (ngõ 13 Lĩnh Nam, Hoàng Mai) đã xây dựng xong nhiều năm nay với hàng trăm căn hộ nhưng hiện tại không có nhiều người sinh sống. Nhiều căn hộ đươc cho thuê lại nhưng không quá nhiều khiến quanh dự án cỏ mọc um tùm, rác thải không được thu gom đúng quy định gây nên cảnh nhếch nhác.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối với những nhà tái định cư còn bỏ trống, thành phố chỉ đạo sau 1 năm không sử dụng thì sẽ thu hồi để cân đối bố trí cho dự án khác. Đối với quỹ nhà đã bố trí cho các dự án, Sở Xây dựng sẽ đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sử dụng, trường hợp nếu chưa cần sẽ thu hồi lại, lúc nào cần sẽ bố trí tiếp.
Xây nhà tái định cư cho người dân thuộc diện bị đền bù giải tỏa khi thực hiện dự án công là một chính sách an sinh cần thiết. Thế nhưng, nhà tái định cư không có người đến ở là sự lãng phí lớn, đồng thời cho thấy những bất cập trong chính sách đền bù tái định cư hiện nay. Trong khi đó, rất nhiều người có nhu cầu mua nhà để ở thì lại không đủ khả năng vì giá nhà đất tại Hà Nội thuộc diện đắt nhất thế giới.
Khôi Minh