Hai ngày trước, bờ biển Đà Nẵng bất ngờ xuất hiện cá chết la liệt khiến nhiều khách du lịch sợ không dám xuống tắm. Sau khi quan trắc môi trường, Sở TN&MT kết luận mẫu nước biển đạt chuẩn và yêu cầu kiểm tra việc nổ mìn để làm rõ nguyên nhân.
Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 11/11, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng đã có kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước khu vực bãi biển Liên Chiểu, sau khi có hiện tượng cá chết hàng loạt.
Kết quả cho thấy, các thông số về pH, ôxy hòa tan, amoni, xyanua, phosphate so với giá trị giới hạn vùng bãi tắm… đều nằm trong giới hạn cho phép. Các mẫu nước được lấy tại khu vực cách bờ khoảng 20 m ở 3 vị trí đối diện đường Hồ Quý Ly, Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Chánh.
Theo VnExpress, đến sáng nay 12/11, bờ biển từ cửa xả Phú Lộc lên bãi tắm Xuân Thiều không còn tình trạng cá chết dạt vào bờ.
Về tình trạng cá chết 2 hôm trước, nhà chức trách Đà Nẵng nghiêng về nguyên nhân đánh mìn ngoài khơi của ngư dân khi trúng luồng cá mòi.
Tiến sĩ Võ Văn Phú – Khoa Sinh học (Đại học Khoa học Huế) cũng nhận định, đây là lượng cá mòi cờ chấm sống gần bờ và theo đàn nên có thể chết hàng loạt do đánh mìn.
Tương tự, một số người dân địa phương cho rằng, hiện tượng cá chết này có thể do có người nổ mìn đánh cá.
Sở TN&MT Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu nước trong ngày 12/11 để theo dõi và yêu cầu kiểm tra thực trạng nổ mìn đánh bắt cá trên biển.
Trước đó, VOV đưa tin, ngày 10/11, cá chết hàng loạt đã trôi vào khu vực bãi biển, đoạn từ cửa sông Phú Lộc đến khu du lịch Xuân Thiều, quận Liên Chiểu. Hiện tượng này đã khiến cả khu vực bãi biển dài hơn 1 km bốc mùi hôi tanh. Công nhân môi trường đã phải thu gom toàn bộ số cá chết nói trên với khối lượng khoảng 1,5 tấn.
Tháng 11 năm ngoái, hiện tượng cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển Đà Nẵng cũng từng xảy ra, gây ô nhiễm biển ven bờ nghiêm trọng, ngư dân gặp khó khi giăng lưới ở gần bờ.
Bảo Hà (Tổng hợp)