Trên mạng xã hội gần đây có lưu truyền một clip rất ngắn về tình anh em. Chỉ dài 30 giây nhưng sự dễ thương, trong sáng và đặc biệt là tình cảm mà hai anh em dành cho nhau đã khiến rất nhiều người dùng mạng cảm động.
Trong đoạn clip ngắn, hai em nhỏ ở độ tuổi tiểu học và mẫu giáo đang phải vượt qua một chiếc rãnh. Cậu bé trai lớn hơn nên có thể bước qua rãnh lớn mà không gặp chút khó khăn nào. Nhưng còn cô bé gái, em nhỏ hơn nên chiếc rãnh trước mặt không dễ qua chút nào. Đối với trẻ thơ, thế giới dường như rộng lớn hơn, vì thế nên những khó khăn dường như cũng lớn hơn nhiều lần.
Cô bé nao núng không muốn bước qua, mặc dù anh trai đã đưa bàn tay nhỏ ra, nắm lấy tay em; anh đã sẵn sàng đỡ cô bé không để cho em ngã. Nhưng với cô công chúa nhỏ, chiếc rãnh này vẫn thật nguy hiểm và không dễ vượt qua.
Không một giây chần chừ, cậu bé đã tìm ra cách để giúp em qua bờ bên này an toàn. Em sẽ trở thành chiếc cầu cho em gái. Nghĩ là làm, cậu bé cúi sấp người, nhoài đôi chân sang phía bên kia rãnh. Cô công chúa nhỏ hiểu ngay ý của anh trai, ngay khi anh bắt đầu nằm xuống làm cầu, em đã giơ bàn chân nhỏ bé ra sẵn sàng bước đi.
Khi chiếc cầu được bắc xong, em gái nhỏ đã men theo lưng anh mà bước qua cầu. Không để anh bị đau, em bé cố gắng trèo qua nhẹ nhàng và nhanh nhất có thể.
Còn cậu bé, em đã làm xuất sắc nhiệm vụ là một “chiếc cầu vững chãi”. Cậu bé không vội vàng đứng dậy mà kiên nhẫn đợi em qua được bờ bên kia, đứng dậy an toàn rồi mới tự mình đứng lên. Em biết, em gái mình cần thời gian để đứng vững, để đi ra nơi an toàn, vì bờ hè hai anh em đang đứng cũng rất nhỏ, không cẩn thận sẽ rất dễ bị ngã xuống và bị đau.
Khi xem video ngắn xúc động này, bạn có chợt nhớ tới bài thơ đã trở thành một phần của tuổi thơ – “Làm anh”
“Làm anh khó lắm
Phải đâu chuyện đùa
Với em gái bé
Phải người lớn cơ”
Đúng là với người làm anh, làm chị, việc có một đứa em nhỏ không phải là một chuyện nhỏ hay một chuyện “tất nhiên”, mà đó là cả một thử thách lớn. Đang là người được cả gia đình thương quý, khi có em, người anh, người chị sẽ phải san sẻ tất cả những yêu thương, chiều chuộng ấy; đối với một đứa trẻ, điều ấy thật khó lắm thay! Vậy phải làm sao để vượt qua? Muốn làm người anh tốt thì “phải người lớn cơ”.
Vậy ra làm anh, làm chị cũng là một quá trình cần thật nhiều sự học hỏi và lòng nhẫn nại. Khi muốn trở thành người lớn, trẻ thơ sẽ cần học cách quan tâm và chia sẻ, bắt đầu từ những việc nhỏ, đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Mỗi việc nhỏ ấy nếu chúng ta chịu làm, chịu rèn luyện với tấm lòng kiên nhẫn, chúng sẽ dần bồi đắp cho mỗi người thói quen “nghĩ tới người kia”, “mong cho người kia luôn được đủ đầy, được hạnh phúc”. Khi những thói quen nhỏ được dưỡng thành, khi được chứng kiến những việc mình làm mang lại nụ cười và sự yên tâm cho người khác, tấm lòng ta cũng sẽ theo đó mà rộng mở hơn và luôn sẵn sàng để trao đi.
Trong clip trên, cậu bé anh trai hiểu rất rõ “trọng trách làm anh”. Mình lớn hơn em, có thể làm mọi thứ dễ dàng hơn em, vậy nên, mình sẽ giúp em vượt qua nỗi sợ hãi này. Để giúp em, có hy sinh một chút, chịu khổ một chút cũng không phải là một vấn đề gì lớn lao.
Làm anh khó vậy đấy, nhưng mà thật vui. Nhìn cách bé trai không ngại ngùng làm chiếc cầu cho em gái nhỏ, ai cũng có thể cảm nhận được niềm vui nho nhỏ ấy. Không vui sao được khi em gái được an toàn và mỉm cười hạnh phúc…
Khi ta mang tặng một điều tốt đẹp cho ai đó, đặc biệt là cho những người thân thiết nhất trong gia đình – những người mà ta luôn vô tình “đòi hỏi” tình thương từ họ, ta sẽ nhận lại được một niềm vui, một niềm hạnh phúc không chỉ sâu sắc mà còn chứa đầy sự bình yên. Bạn lại nghĩ tại sao cùng là vui, mà niềm vui vì mình lại khác niềm vui khi có thể vì người khác nhiều đến vậy? Phải chăng câu trả lời là bởi “vì người khác” chính là ngọn nguồn sức mạnh của mọi yêu thương?
Hy Văn