Nhiều năm trở lại đây, thuật ngữ vintage và retro đã trở nên quen thuộc và thường xuyên được các tín đồ thời trang nhắc đến. Điểm chung là các thiết kế của hai xu hướng này đều mang dáng dấp xưa cũ, gợi nhắc về một thời kỳ đã qua trong lịch sử. Đây là sự lựa chọn lý tưởng cho ai đam mê hình ảnh cổ điển, nhẹ nhàng và thanh lịch.

Vintage – thời trang của những thập kỷ trước

Vintage ban đầu, nghĩa nguyên thủy là chỉ rượu hoặc dầu, sau đó người ta dùng để chỉ một chiếc xe cũ, có tuổi đời ít nhất 50 năm (vintage car), cuối cùng, những người buôn quần áo second-hand (quần áo đã qua sử dụng) đã dùng từ vintage để chỉ những bộ quần áo cũ từ thời kỳ trước mà mình đang bán. Từ đó, thuật ngữ này được mặc định có nghĩa là “cổ – cũ” cho nhiều sản phẩm từ thời trang đến kiến trúc…

Trong bất kỳ thời đại nào, vẻ đẹp cổ điển, thanh lịch chưa bao giờ là “lỗi mốt”.

Thông thường quần áo vintage được sản xuất từ thập niên 20 cho đến 60, có thể dao dộng đến những năm 80. Như vậy, đúng nghĩa của từ vintage, quần áo, trang sức, giày và các phụ kiện phải là đồ sản xuất từ những năm 1920 đến 1980. Đồ vintage luôn có đường kim mũi chỉ sắc sảo, mẫu mã cực độc vì những thứ đồ cổ đó hiện tại đã ngưng sản xuất, có những món chỉ còn 1-2 chiếc, nên rất được giới hâm mộ thời trang ưa chuộng.

Người mặc thường bị “say mê” vì vẻ đẹp thanh lịch kinh điển đi cùng năm tháng của những sản phẩm vintage

Các thiết kế vintage điển hình là chân váy có phần chiết eo nhỏ, phần dưới xòe bồng rộng, áo sơ mi ngắn tay hoặc không tay suông rộng, đi kèm găng tay và những sợi dây chuyền hay kiểu kính râm dáng tròn như “huyền thoại” John Lennon đã sử dụng…

Một thiết kế vintage điển hình.

Vì số lượng hàng có rất ít và đa số đã bị hư hỏng theo thời gian, hoặc có thể bị các lỗi như sứt chỉ, rách, phai màu… nên thông thường người mặc cần phải sửa lại một chút trước khi mix đồ. Ngoài ra, vòng eo của phụ nữ thời xưa khá nhỏ (chỉ 40-50cm như Scarlet O’Hara trong phim Cuốn theo chiều gió) nên người dùng sẽ gặp nhiều khó khăn khi mặc lại những sản phẩm đó.

Nhẹ nhàng, lãng mạn là những cảm xúc mà vitage mang lại cho nhịp sống hiện đại.

Tuy nhiên một khi đã dùng đồ vintage, người mặc thường bị “say mê” vì vẻ đẹp thanh lịch kinh điển đi cùng năm tháng của những sản phẩm này. Ví dụ như kính mát thường dùng chất liệu tốt, bền đẹp, gọng được gia công ở Pháp, Italy, Đức, Mỹ. Nhãn hiệu thì đa số là đồ chính hãng như Christian Dior, Guy Laroche, Lolita Lempicka, Alpina, Rayban…

Retro – thời trang cổ điển giao thoa cùng nhịp sống hiện đại

Bản thân thuật ngữ retro có nghĩa là “quay trở lại”. Nó là từ rút gọn của “Retrospective” (hồi tưởng quá khứ) hoặc “Retrospection” hay có nguồn gốc từ tiếng Latin “Retrospectus” có nghĩa là “ngược trở lại”.Nếu như trong các thiết kế Vintage, hơi thở hoài cổ hoàn toàn được giữ nguyên từ phom dáng cho đến đường kim mũi chỉ thì Retro lại chỉ sự “mượn tạm”, sao chép ý tưởng của các mẫu mã từng có.

Xu hướng “lội ngược dòng” Retro như một tấm vé cho những ai đang sống trong thời đại mới được một lần bắt nhịp với kho tàng thời trang đồ sộ của một thời quá khứ vàng son.

Nói đến retro thập niên 60, ta có thể nhận ra bởi chiếc kính gọng nhựa dành cho các chàng trai, hay ấn tượng cùng phong cách bohemian với những cô gái váy hoa xoè, hoặc phong cách hippie nổi bật. Trong khi đó, sự trở lại của thời trang thập niên 70 là sự xuất hiện của họa tiết hoa, bao gồm cả họa tiết hoa nhí nhã nhặn, nhẹ nhàng cho tới họa tiết hoa to, màu sắc nổi bật mà các tín đồ thời trang luôn “mê mệt”.

Trang phục điển hình của những quý cô thời kỳ những năm 40 của thế kỷ trước đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các thiết kế Retro.

Phong cách Retro là sự hòa trộn giữa những điều mới mẻ của hiện tại và hoài cổ của quá khứ. Phong cách Retro biểu hiện cho sự chân thành, đơn giản, nhưng mới mẻ và cá tính cho cuộc sống hiện đại. Có thể nói rằng, Retro là một phong cách hoài cổ nhưng cũng không kém phần hiện đại.

Sự kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và sự năng động trong nhịp sống hiện đại

Đơn cử là loạt hoạ tiết hoa lá hẹ nở rộ trong những thiết kế nổi bật của Dolce&Gabbana cách đây không lâu, ai cũng trầm trồ khen ngợi mà không biết hơn nửa thế kỷ trước từng là biểu tượng phản chiến. Quả thật, còn gì có thể làm lu mờ sự tàn khốc của chiến tranh bằng những bông hoa xinh đẹp. Những tín đồ của trào lưu hippie thời ấy mặc quần áo thêu hoa cùng gam màu tươi sáng, cài hoa lên tóc và mang hoa phân phát đến cảnh sát, báo giới, chính trị gia và người xem biểu tình như một cách thể hiện lòng yêu hòa bình.

Phong cách Retro là sự hòa trộn giữa những điều mới mẻ của hiện tại và hoài cổ của quá khứ

Phải nói rằng, nếu những xu hướng thời trang khác chỉ mang tính tạm thời ở một thời điểm nào đó thì với chuỗi xoay vòng của thời trang, giá trị cổ điển vẫn luôn tồn tại cùng năm tháng. Dù chẳng quá nổi trội như một làn sóng nhưng thời trang cổ điển lại rất “ngấm” với những tâm hồn đang tìm kiếm sự giản dị, nét xưa. Dù không quá cầu kì, trang trọng nhưng lại đậm nét khó phai. 

Vali cói và chiếc đầm khiến cô ấy mang dáng dấp như một tiểu thư trong các tác phẩm cổ điển.

Bất kỳ hoài niệm nào cũng phảng phất một câu chuyện, một nỗi niềm riêng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ. Thời trang cũng vậy. Khi bạn vận trên mình chiếc đầm hoa xoè bồng rộng hay chiếc chân váy có phần chiết eo nhỏ như các quý cô thời kỳ những năm 40 của thế kỷ trước, đó không chỉ đơn giản là tái hiện một style xưa cũ, mà còn là sự trân trọng lịch sử cùng những ký ức đã từng rất lãng mạn và ngọt ngào.

(Ảnh sưu tầm từ internet)

Hải Dương (TH)

Xem thêm: