“Chồng của chúng tôi cũng là giáo viên”, đồng nghiệp vừa kể tôi nghe vừa húp tô súp sì sụp. Cô ngồi cạnh một đồng nghiệp khác cũng đang sì sụp với tô súp. Tôi hơi lúng túng. Liệu tôi có nghe nhầm không? Không lẽ hai phụ nữ này cưới cùng một người đàn ông?

“Cô ấy kể về chồng cô ấy thôi”, đồng nghiệp thứ hai giải thích, có lẽ vì thấy ánh nhìn chằm chằm đầy khó hiểu của tôi lúc đó. “Ở Hàn Quốc, chúng tôi thường nói ‘chúng tôi’ thay vì ‘tôi’”, cô tiếp lời.

Ba chúng tôi ngồi chen chúc trong phòng ăn trưa ở nơi làm việc mới của tôi – Trường Trung học Nữ Mae-hyang.

Tôi vụng về gắp miếng kim chi lên bằng đôi đũa kim loại trơn trượt, và có vẻ cũng còn vụng về như vậy với tiếng Hàn.

Đó là tuần đầu tiên tôi ở Suwon, Hàn Quốc, làm giáo viên dạy tiếng Anh. Tôi là sinh viên mới tốt nghiệp từ tiểu bang Wisconsin ở Hoa Kỳ, bắt đầu hợp đồng công việc quốc tế đầu tiên với sự hào hứng khó tả. Lúc đó, tôi không ngờ Hàn Quốc sẽ là nhà mình suốt 4 năm tiếp theo.

Suốt những năm đó, tôi rất tò mò với từ ‘uri’, tức là ‘chúng tôi’ trong tiếng Hàn, xuất hiện lặp đi lặp lại. Sau tất cả tôi đã trải qua, đó là điều để lại ấn tượng lớn nhất và dấu ấn sâu đậm nhất. Bởi vì ‘uri’ không chỉ là một từ vựng, đó là một văn hóa. Nó chi phối mọi yếu tố tại quốc gia này.

“Người Hàn Quốc sử dụng từ ‘uri’ khi có gì đó được cả nhóm hay cộng đồng chia sẻ cho nhau, hoặc khi rất nhiều thành viên trong nhóm hay cộng đồng sở hữu một thứ giống nhau hoặc tương tự nhau”, Beom Lee, giáo sư tiếng Hàn tại Đại học Columbia giải thích cho tôi trong một cuộc phỏng vấn. “Điều đó dựa trên văn hóa tập thể của chúng tôi”.

Ảnh: melatec.vn.

Ở đây, một ngôi nhà, dù bạn đã trả tiền mua – nó vẫn không phải là của bạn, mà gọi là ‘của chúng tôi’.

Tương tự như thế, công ty tôi là công ty của chúng tôi, trường tôi là trường của chúng tôi, và gia đình tôi là gia đình của chúng tôi.

Dù tôi có sở hữu hoặc thuộc về điều gì đó cá nhân, điều đó vẫn không có nghĩa là người khác không có sở hữu hoặc trải nghiệm tương tự. Nói “của tôi” có nghĩa là quá đề cao cái tôi của bản thân.

“Người Hàn luôn sử dụng từ uri nara (tổ quốc chúng tôi), thay vì nói nae nara (tổ quốc của tôi). Nae nara nghe rất kỳ. Nó có vẻ như người đó sở hữu cả quốc gia”.

“Từ nae anae (vợ tôi) thì nghe cứ như thể anh chàng ấy là người duy nhất có vợ ở Hàn Quốc vậy”.

Trên tất cả, văn hóa tập thể của quốc gia này là di sản của thời kỳ lịch sử dài gắn liền với Khổng giáo. Tuy Hàn Quốc cũng giống như những quốc gia khác, đi theo con đường hiện đại hoá, nhưng xã hội vẫn gắn liền với đạo đức Khổng giáo. Nó giống như một cái neo để con người sống và phát triển mà không lạc mất nguồn cội. 

Ảnh: BBC.

Từ việc gọi thức ăn đồ uống với bạn bè cho đến việc di chuyển trên phương tiện công cộng với người lạ, tất cả đều gắn liền với tinh thần tập thể. Không có ranh giới rõ ràng giữa từ ‘tôi’ và từ ‘chúng tôi’. Vì cách dùng từ ‘chúng tôi’ và ‘tôi’ thường thay thế nhau được, nên danh tính ‘chúng tôi’ cũng có thể được dùng thay cho danh tính ‘tôi’. Ý nghĩa chỉ ‘chúng tôi’ và ‘tôi’ cũng dễ dàng hiểu thay nhau không chỉ trong cách dùng tiếng Hàn thông dụng mà còn ẩn chứa trong tâm thức và vô thức của người Hàn.

Không lâu sau khi tôi đến dạy ở trường Mae-hang và là giáo viên bản ngữ tiếng Anh duy nhất, tôi cũng đồng thời trở thành học trò tiếng Hàn không phải dân bản xứ duy nhất ở trường. Người dạy tôi là một nhóm nữ sinh hay cười khúc khích và mặc đồng phục sọc ca rô đỏ.

Các em hay gặp tôi sau giờ học ở trường, với sổ, thẻ học từ vựng và từ điển trong tay, cùng nụ cười nở rộng trên môi. “Cô cũng là học sinh, như chúng em vậy!” các em nói. Và tôi cười đáp lại: “Đúng rồi, cô cũng là học sinh!”

Đó không chỉ là những học trò duy nhất sẵn sàng làm giáo viên cho tôi. Còn cả đồng nghiệp, sếp, hàng xóm, chủ nhà và thậm chí người tài xế taxi hoặc người bán hàng, người pha chế tại quầy bar, tất cả đều hào hứng. Họ luôn chớp lấy cơ hội để chỉ dẫn cho tôi một hai điều về thứ ngôn ngữ từng là tiếng mẹ đẻ của tôi, nhưng sau đó thì không vì tôi được nhận làm con nuôi ở Hoa Kỳ từ lúc còn bé.

“Bạn là người Hàn”, họ nói với tôi, “vì thế quan trọng là bạn biết nói ngôn ngữ mà người Hàn nói”.

Là người Hàn có nghĩa là biết tiếng Hàn. Để hiểu bản thân, tôi phải hiểu về đất nước này, bắt đầu từ văn hoá uri “của chúng tôi”…

Trích lược từ chia sẻ của một Giáo viên người Mỹ gốc Hàn ở Trường Trung học Nữ Mae-hyang (Hàn Quốc). 

Bài viết đã được ĐKN chỉnh sửa. Vui lòng đọc bài gốc ở đây.

Video xem thêm: 3 loại người nên tránh, 3 kiểu bạn nhất định phải kết giao

videoinfo__video3.dkn.tv||d572a4f07__