Trong trận đấu với Bờ Biển Ngà ở World cup 2014, đội tuyển Nhật là người thua cuộc, nhưng cách hành xử đầy văn hóa của cả cổ động viên và các cầu thủ đất nước mặt trời mọc đã khiến thế giới phải nghiêng mình kính nể.

Thua một trận bóng, thắng về tinh thần

Sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, các cổ động viên người Nhật đã nán lại sân vận động Arena Pernambuco, thành phố Recife (Brazil), cầm theo những chiếc túi nylon để nhặt rác vương vãi tại khu vực ghế ngồi của họ. Trong lúc cổ vũ, họ cũng giống như cổ động viên đến từ các nước khác, có vứt rác xuống khán đài, nhưng ngay khi trận đấu kết thúc, họ đã ở lại để thu dọn những rác mà mình đã vứt ra.

Chỉ đơn giản là hành động cúi xuống thu gom túi bóng, vỏ lon trên khán đài nhưng vẻ đẹp của con người Nhật Bản đã tỏa sáng hơn bao giờ hết. (Ảnh dẫn theo Reddit)

Tại Nhật, hành động này sẽ chẳng có gì đặc biệt bởi đó đã là thói quen của họ từ bao lâu nay. Mỗi khi tham gia vào những sự kiện lễ hội, thể thao, người Nhật luôn có ý thức giữ gìn cảnh quan nơi mình tới. Đất nước họ luôn trung thành với triết lý “bỏ đi không để lại dấu vết”, dù không ở tại quê nhà.

Người Nhật luôn trung thành với triết lý “bỏ đi không để lại dấu vết”, dù không ở tại quê nhà. (Ảnh dẫn theo Yahoo Brazil)

Một thành viên của diễn đàn Reddit chia sẻ: “Người Nhật luôn cư xử như thế. Tôi đã tận mắt thấy họ nhặt rác trong World Cup 1998 tại Pháp. Tôi hy vọng, cổ động viên của các nước cũng sẽ hành động đẹp như vậy”. Quả thực, trong lịch sử World Cup, các cổ động viên Nhật luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, cổ vũ hết mình cho đội tuyển quốc gia và cư xử văn minh, lịch sự, dù kết quả là thắng hay thua.

Dù thắng hay thua, các cổ động viên Nhật luôn lịch sự, nhã nhặn. (Ảnh: Ballina)

Chỉ đơn giản là hành động cúi xuống thu gom túi bóng, vỏ lon trên khán đài nhưng vẻ đẹp của con người Nhật Bản đã tỏa sáng hơn bao giờ hết. “Dù đối đầu với đội tuyển mạnh như thế nào thì các cầu thủ Nhật Bản vẫn luôn thi đấu hết mình và thái độ của cổ động viên Nhật luôn lịch sự, nhã nhặn. Không chỉ với bóng đá, trong cuộc sống ngày thường, người Nhật vẫn luôn như thế”, một cư dân mạng bình luận sau khi xem những bức ảnh đầy ý nghĩa chụp cổ động viên Nhật Bản.

Những cầu thủ Nhật đã xếp hàng ngay ngắn, cúi đầu hướng về phía những cổ động viên trung thành và xin lỗi.  (Ảnh: AFP.)

Tinh thần Nhật Bản không chỉ thể hiện trong các cổ động viên, trước khi rời sân đấu, những cầu thủ Nhật đã xếp hàng ngay ngắn, cúi đầu hướng về phía những cổ động viên trung thành, đã lặn lội đi theo họ sang tận Brazil để cổ vũ. Hành động xin lỗi này đã khiến hình ảnh con người và đất nước Nhật Bản trở nên vô cùng đẹp, bất kể việc họ đá thua ngay trận đầu ra quân.

Những con người “biết nghĩ cho người khác” 

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì sao người Nhật lại sẵn sàng ở lại dọn rác như vậy?

Một điều chắc chắn rằng Nhật Bản là một quốc gia vô cùng sạch sẽ và họ thường dạy trẻ con giữ gìn vệ sinh từ rất sớm. Các trường học ở Nhật thường không có nhân viên dọn dẹp, mà học sinh sẽ tự quét, lau dọn phòng học, cửa kính, cầu thang… khoảng 30 phút mỗi ngày. Một bà mẹ Nhật từng chia sẻ, trong danh sách những món đồ chị chuẩn bị cho con mang đến trường luôn phải có giẻ lau. Bọn trẻ sẽ dùng giẻ này để tự lau sàn nhà hoặc bàn ghế ngồi.

Người Nhật thường dạy trẻ con giữ gìn vệ sinh từ rất sớm. (Ảnh dẫn qua petitshomeschoolers)

Trong truyền thống giáo dục của Nhật Bản, học sinh phải tự làm o-soji (người lau dọn) ở trường theo lịch, thông thường là 4 lần một tuần. Ngày cuối cùng mỗi kì học sẽ có một buổi tổng vệ sinh. Mỗi lớp có trách nhiệm tự dọn vệ sinh lớp mình và những khu vực khác xung quanh trường.

Trong truyền thống giáo dục của Nhật Bản, học sinh phải tự làm o-soji (người lau dọn) ở trường theo lịch. (Ảnh dẫn qua petitshomeschoolers)

Đặc biệt, ở Nhật Bản, các vị Giám đốc cũng thường xuyên phải đi cọ toilet trong văn phòng – công việc tưởng chừng chỉ dành cho các nhân viên vệ sinh. Và một khi đã làm, họ sẽ làm với một thái độ cẩn thận và chu đáo nhất có thể, bởi họ đã được sự giáo dục kĩ lưỡng ngay từ tấm bé về tầm quan trọng của công việc này. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết trong chương trình giảng dạy tại các trường học của Nhật Bản có hẳn cả phần cọ rửa, vệ sinh toilet.

Ở Nhật Bản, các vị Giám đốc cũng thường xuyên phải đi cọ toilet trong văn phòng. (Nguồn ảnh: kyoto.np)

Không chỉ vậy, cách người Nhật xử lý “sản phẩm” của những chú chó đi bậy ngoài đường cũng khiến cả thế giới phải thốt lên: chỉ có thể ở Nhật Bản! Khi dắt chó mèo đi dạo, thông thường người ta sẽ mang theo túi nylon và chai nước để dọn phân của thú cưng và rửa đường cho sạch sẽ ngay sau khi chúng đi bậy. Họ cũng sẵn sàng mang theo bao rác suốt cả chuyến đi dài và chỉ vứt khi về đến nhà. Đối với người Nhật, việc mang theo túi rác không có gì bất tiện, đó là trách nhiệm cơ bản của mỗi công dân.

Khi dắt chó mèo đi dạo, người ta sẽ mang theo túi nylon và chai nước để dọn phân của thú cưng và rửa đường cho sạch sẽ ngay sau khi chúng đi bậy. (Nguồn ảnh: soha)
Đối với người Nhật, việc mang theo túi rác là trách nhiệm cơ bản của mỗi công dân.  (Ảnh: Aquavietnam)

Những nét đẹp văn hóa trong cách ứng xử của người Nhật đều đến từ ý thức tự nguyện “nghĩ cho người khác”. Người Nhật không có suy nghĩ “chỉ cần tốt cho mình”, vậy nên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ luôn cố gắng giữ gìn vệ sinh, cư xử văn minh để người khác cảm thấy dễ chịu và thuận tiện nhất. Xét cho cùng đó chính là giá trị cốt lõi để con người Nhật Bản xây dựng nên đất nước vĩ đại như ngày hôm nay, dù phải trải qua bao phong ba bão táp.

“Nghĩ cho người khác” chính là giá trị cốt lỗi để con người Nhật Bản xây dựng nên đất nước vĩ đại như ngày hôm nay.  (Ảnh: pinterest)

Hiểu Minh