Người Việt Nam thường có câu “thương cho roi cho vọt”, phần nhiều người Việt tin rằng “đòn đau nhớ đời”. Cho đến nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn áp dụng phương pháp đánh đòn này.

Nhưng vừa qua, Hoa Kỳ đã có nghiên cứu chứng minh tác hại của đánh đòn con cái. Chắc hẳn kết quả này sẽ gây bất ngờ những người vẫn đang áp dụng phương pháp này.

Đánh đòn vẫn còn là một phương pháp dạy con phổ biến ở Hoa Kỳ. Một nghiên cứu dài hạn lấy mẫu trên trẻ em cả nước bắt đầu từ trường mẫu giáo, báo cáo rằng tính tới thời điểm học lớp ba, có tới 80% trẻ em đã từng bị đánh đòn.

Tuy chúng ta có nhiều ý kiến khác nhau về việc đánh đòn có phải là một biện pháp tốt hay không, xét trên khía cạnh khoa học thì như thế nào? Kết quả học tập trung bình của những đứa trẻ bị đánh đòn ra sao?

Gần đây, chúng tôi thực hiện một phân tích tổng hợp – xem xét toàn diện các nghiên cứu trước đây về việc đánh đòn – để trả lời những câu hỏi trên. Chúng tôi khám phá ra rằng việc đánh đòn làm tăng nghiêm trọng những hệ quả bất lợi cho trẻ em. Kết quả này không đồng nghĩa với việc tất cả trẻ em sẽ gặp các ảnh hưởng xấu từ việc bị đánh đòn, tuy nhiên rất nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra khả năng tăng cao rủi ro từ việc này.

Có chứng cứ nào thể hiện rằng đánh đòn tốt cho trẻ em?

Chúng tôi đã kết hợp dữ liệu từ 75 nghiên cứu từ Hoa Kỳ và 12 quốc gia khác, các nghiên cứu đã được thực hiện trong khoảng 50 năm qua trên 160.000 trẻ em. Chúng tôi xem xét liệu có mối tương quan giữa việc đánh đòn với những hệ qua khác nhau ở trẻ.

Đánh đòn không hề liên hệ với việc cải thiện hành vi ở trẻ. Thay vào đó, chúng tôi tìm ra rằng việc đánh đòn thậm chí liên quan tới các hành vi tồi tệ hơn đối với trẻ. Đánh đòn có liên quan tới 13 trong 17 hệ quả chúng tôi tìm ra, và tất cả đều thể hiện rằng nó liên quan với các hệ quả xấu.

Khi trẻ bị đánh đòn càng nhiều, trẻ càng trở nên hung hăng và chống đối xã hội. Chúng tôi thấy rằng những trẻ em bị đánh đòn có xu hướng gặp vấn đề tâm lý, vấn đề trong quan hệ với cha mẹ và khả năng nhận thức thấp hơn.

Đáng lo ngại nhất là phát hiện của chúng tôi cho thấy trẻ em bị đánh đòn có nguy cơ cao bị bạo hành thể xác từ cha mẹ. Thêm vào đó, mối liên kết giữa việc đánh đòn cùng với biểu hiện tiêu cực ở trẻ chiếm 2/3 số ca bạo hành gia đình cùng với hệ quả tiêu cực như trên.

Điều này có nghĩa rằng đánh đòn và bạo hành thể xác là những hành vi không khác nhau xét về bản chất mà hơn hết đó là chuỗi hành động đánh đập trẻ nhỏ.

Các kết quả nghiên cứu có tính thống nhất rất cao. Gần như đến 99% những ảnh hưởng thống kê được đều chỉ ra mối liên hệ giữa việc đánh đòn với các biểu hiện tiêu cực ở trẻ em.

Đánh đòn và trẻ em hư? Cái nào đến trước?

Khám phá của chúng tôi về việc đánh đòn có liên kết với nhiều vấn đề về hành vi nhưng không thể chứng minh rằng đánh đòn là nguyên nhân gây ra các vấn đề. Có nhiều trường hợp trẻ em có nhiều vấn đề hơn sẽ gặp phải nhiều trận đòn từ cha mẹ hơn.

Rõ ràng, chúng ta không thể thực hiện “thử nghiệm ngẫu nhiên một cách có kiểm soát” – nghĩa là, phải có một nhóm trẻ em sẽ bị đòn và một nhóm không bị – để xác định liệu đánh đòn có phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề về hành vi ở trẻ hay không. Do vậy chúng ta dựa vào thống kê để biết liệu các biểu hiện này có phải là kết quả của đánh đòn, hay chỉ là do hành vi ứng xử của trẻ.

Để làm rõ vấn đề con gà và quả trứng này, một số nghiên cứu đã hướng tới việc xem xét liệu mối liên hệ hoàn toàn theo hướng hành vi của trẻ em dẫn đến việc đánh đòn của cha mẹ, hơn là xuất phát từ phía cha mẹ tới trẻ em. Các nghiên cứu với số mẫu lớn và thống kê chuyên sâu đã chỉ ra rằng khi trẻ em bị đánh đòn, cách cư xử của chúng xấu dần theo thời gian, kể cả khi chúng tôi thêm vào rất nhiều yếu tố khác, bao gồm mức độ cha mẹ sử dụng đòn roi để phản ứng về hành vi hư của trẻ.

Một trong các nghiên cứu đó, được thực hiện bởi tác giả Gershoff, phát hiện ra rằng các trẻ mẫu giáo hư hỏng đã bị cha mẹ đánh đòn nhiều dần theo thời gian. Tuy nhiên, đánh đòn vẫn được xem là nguyên nhân làm tăng cao các vấn đề hành vi ở trẻ dưới lớp ba (8 tuổi), bất chấp mức độ nhiều hay ít trẻ bị đòn.

Tác giả thứ hai của bài viết này (Grogan – Kaylor) đã nghiên cứu trên số lượng lớn dữ liệu mẫu từ các trẻ em trên khắp nước Mỹ. Ông cũng kết luận rằng những hình phạt về thể xác có liên quan tới sự gia tăng các vấn đề trong cách ứng xử ở trẻ, kể cả khi xét tới các yếu tố khác.

Kết quả của các nghiên cứu dài hạn khác cũng chỉ ra rằng việc đánh đòn là tiền đề cho vấn đề ứng xử xấu dần ở trẻ theo thời gian, bất kể ban đầu chúng có vấn đề như thế nào. Ví dụ, nhà nghiên cứu Lisa Berlin từ đại học Maryland và các đồng sự phát hiện rằng trẻ em một tuổi bị đánh đòn càng nhiều, chúng càng có biểu hiện hung hăng hơn 1 năm sau đó và khả năng nhận thức thấp hơn sau 2 năm.

Dạy dỗ con cái không nên nóng giận. (Ảnh: Internet)
Dạy dỗ con cái không nên nóng giận. (Ảnh: Internet)

Khi cha mẹ dùng sự trìu mến

Một câu hỏi phổ biến là liệu đánh đòn có thực sự hiệu quả nếu được dùng bởi những phụ huynh ấm áp và giàu tình thương.

Một trong các tác giả (Gershoff) và các đồng sự đã phân tích dữ liệu của một lượng lớn các phụ huynh và trẻ em, và phát hiện rằng dù các phụ huynh ấm áp và trìu mến như thế nào thì việc đánh đòn vẫn làm tăng các vấn đề về cư xử của trẻ. Nhưng tình yêu và sự trìu mến làm tăng các ứng xử tích cực của trẻ qua thời gian, ví dụ như trẻ biết quan tâm, lịch sự và biết có trách nhiệm.

Tuy nhiên, việc đánh đòn không làm tăng các biểu hiện tích cực này. Thay vào đó, nó có xu hướng làm tăng dần các biểu hiện tiêu cực, điều này chứng minh rằng những cử chỉ thân thiện, chứ không phải đánh đập, giúp cho trẻ em trở thành người có trách nhiệm và biết quan tâm.

Một số nhà nghiên cứu, bao gồm Kirby Deater-DeckardKenneth A. Dodge, tranh luận rằng việc đánh đòn có thể có kết quả tích cực nếu nó được xem như một truyền thống. Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện trong 2 thập kỉ qua đã không hỗ trợ cho nhận định này.

Sử dụng cùng các nghiên cứu dài hạn trên trẻ em mẫu giáo nói trên, một trong chúng tôi (Gershoff) nhận thấy rằng việc đánh đòn được sử dụng thường xuyên hơn (coi như một văn hóa được chấp nhận) trong các gia đình da đen hơn da trắng, người La-tinh hoặc các gia đình người Mỹ gốc Á, nhưng việc đánh đòn làm tăng các vấn đề trong ứng xử như nhau với cả 4 nhóm người và dân tộc. Đánh đòn không “tốt hơn” đối với trẻ kể cả với các nhóm áp dụng việc này thường xuyên.

Trong một nghiên cứu mà chúng tôi đã kết hợp dữ liệu của các gia đình từ 6 nước khác nhau, việc đánh đòn có liên hệ với việc gia tăng tính hung hăng và lo sợ. Nó rất đúng kể cả khi cả cha mẹ và trẻ đều tin rằng đánh đòn là một phương thức được chấp nhận để duy trì kỷ luật trong cộng đồng của họ. Đánh đòn không dẫn đến các hành vi tích cực ở trẻ, kể cả khi nó được coi là văn hóa gia đình.

Không có lí do gì để đánh đòn

Các bằng chứng chống lại việc đánh đòn mạnh mẽ tới nỗi Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến nghị cha mẹ không được đánh đòn con cái. Trung tâm quản lý và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng khuyến nghị các chiến dịch giáo dục và pháp chế được sử dụng với mục tiêu nhằm giảm việc đánh đòn trẻ.

Liên Hợp Quốc coi tất cả các dạng hình phạt trên thân thể đều là bạo lực và đã kêu gọi kết thúc các phương pháp này. Đã có tổng số 49 quốc gia nghiêm cấm tất cả các hình phạt lên thân thể trẻ em, bao gồm cả việc ba mẹ đánh đòn con cái họ.

Thông điệp từ các tổ chức hàn lâm, y học, sức khỏe cộng đồng và nhân quyền đều thống nhất như nhau đó là: Đánh đòn không có hiệu quả tốt và có nguy cơ gây hại cho trẻ em. Vì lợi ích của trẻ, hành vi này không nên được sử dụng.

Tác giả:
Elizabeth Gershoff, GS tâm lý học, ĐH Texas (Austin)
Andrew Grogan-Kaylor, Phó GS ngành công tác xã hội, ĐH Michigan

Theo Theconversation.com
Vương Minh biên dịch

Xem thêm: