Đằng sau sự thành đạt của mỗi đứa trẻ là bóng dáng của một bà mẹ vĩ đại. Vậy tư duy giáo dục của người mẹ ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai của trẻ như thế nào? Dưới đây là câu chuyện giáo dục của hai bà mẹ định hướng cho con gái khiến các bậc phụ huynh phải suy ngẫm.
Vương Tịnh và Tạ Cầm là đôi bạn thân từ khi còn nhỏ. Hai người cùng lớn lên và công tác ở một thị trấn nhỏ, gia cảnh không khác nhau là mấy. Năm nay cả hai cùng có con gái tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, con gái của Vương Tịnh được công ty trả mức lương khởi điểm 20.000 tệ/tháng (khoảng 64 triệu đồng). Còn con gái của Tạ Cầm, dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn phải bôn ba tìm việc với hy vọng công ty có thể trả với mức lương 3000 tệ/tháng (khoảng 9 triệu đồng).
Vì sao cùng xuất thân trong gia đình bình thường nhưng con đường sự nghiệp của hai người lại khác nhau đến vậy?
Thấy quá lạ, tôi đã đến thăm hai người bạn này để tìm hiểu cách mà các họ dạy con như thế nào.
Sau một hồi nghe chia sẻ, tôi đã phát hiện thấy, Tạ Cầm dùng tư duy của người nghèo để dạy con. Điều ngày vô tình đã tạo thành trở ngại cho con gái của cô phát huy hết tài năng.
Lúc còn học cấp 2, cả hai con của đôi bạn này đều thuộc tốp 10 học sinh giỏi nhất huyện và cần đối diện với 2 sự lựa chọn để vào học cấp 3.
Một là sẽ theo học trường ở huyện gần nhà. Đây là ngôi trường cấp 3 tốt nhất huyện, được miễn học phí cho 10 học sinh xuất sắc nhất, đồng thời được nhận thêm 1.000 tệ tiền khích lệ.
Hai là bốn trường top đầu của tỉnh, nơi đào tạo đến 90% học sinh có thể đỗ vào các trường đại học danh tiếng trong cả nước. Tuy nhiên nếu học tại những ngôi trường này, hai đứa trẻ phải xa nhà và nghỉ ở ký túc xá, đặc biệt không miễn phí hay có tiền thưởng khích lệ.
Mẹ Tạ Cầm đã rất đau đầu khi phải đưa ra lựa chọn. Cuối cùng cô nói với con gái rằng nên chọn trường ở huyện bởi những lý do sau:
– Con xa nhà, ai chăm lo bữa ăn giấc ngủ, nhỡ con bị bắt nạt thì ai bảo vệ con?
– Ở đó toàn những học sinh kiệt xuất, con học ở đó sẽ rất mệt mỏi.
– Cuối cùng là con được miễn học phí, lại được thêm tiền thưởng. Không phải ai cũng may mắn như vậy.
Cuối cùng, Tạ Cầm nói với con gái: “Học tập ở đâu chẳng quan trọng, miễn là nỗ lực hết mình, sau này con chắc chắn đỗ vào trường đại học danh tiếng. Quan trọng là sau khi ra trường có thể kiếm được bao tiền thôi”.
Còn Vương Tịnh nghĩ rằng, môi trường giáo dục ở ngôi trường thuộc tốp đầu của tỉnh rất tốt. Do vậy cô đã hỏi nguyện vọng của con gái. Thấy con cũng thích học ở ngôi trường đó, vậy là cô tận dụng cơ hội này tạo điều kiện cho con học ở ngôi trường tốt, đồng thời rèn luyện năng lực sống tự lập cho con gái.
Vậy là con gái của hai người, một học ở trường chuyên của tỉnh, còn một thì học ở trường cấp 3 của huyện.
Vì để rèn cho con năng lực sống tự lập, trong quá trình học ở trường chuyên, Vương Tịnh cũng rời quê lên thành phố kiếm việc làm để có thể ngày ngày học cùng con, vừa giúp con kiếm việc làm thêm vừa chăm sóc cho con.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cả hai con gái của đôi bạn Vương Tịnh và Tạ Cầm đều thi đậu vào đại học danh tiếng.
Tạ Cầm lại căn dặn con gái phải học hành chăm chỉ, sau khi tốt nghiệp còn học lên cao học. Để tăng lợi thế cạnh tranh, cô cũng không tiếc tiền đầu tư cho con học tiếng Anh ở những trung tâm nổi tiếng. Trong suốt quá trình học đại học, cũng giống như thời còn học cấp 3, con gái của Tạ Cầm chỉ biết đến học hành, ngoài ra không biết thêm thứ gì khác. Do đó, con gái cô không học hỏi thêm chút kinh nghiệm thực tế nào, bạn bè cũng ít. Khi tham gia cuộc thi khảo sát để đi du học nước ngoài, con gái của Tạ Cầm yếu về kinh nghiệm thực tế nên không đủ điểm và bị loại ra.
Cuối cùng, con gái của Tạ Cầm cũng đành bất lực nhìn các bạn đi nước ngoài học cao học và công tác. Bản thân tìm không được mục tiêu cho bản thân, cuối cùng chỉ biết đôn đáo chạy khắp nơi nộp hồ sơ xin việc, nơi nào cần thì cô đến làm.
Còn con gái của Vương Tịnh thì khác. 4 năm học đại học, cô bé cùng nhóm bạn rất năng động, không chỉ cùng nhau kinh doanh mà còn thực hiện các hoạt động tình nguyện và tích lũy được không ít kinh nghiệm. Năm thứ 3 cô đã xin được vào thực tập ở một trong 500 công ty hàng đầu thế giới. Là thực tập sinh xuất sắc, kết thúc năm học thứ 4, cô đã được công ty hàng đầu mời về làm với mức lương hậu hĩnh 20 vạn tệ (khoảng 64 triệu VNĐ). Mức lương này cao gấp đôi lương của bố mẹ cô bé làm việc trong nhiều chục năm.
Nếu như đổi lại, nếu Tạ Cầm có cách dạy con giống của Vương Tịnh thì có lẽ tiền đồ của con gái cô đã rộng mở hơn. Do vậy mới nói “tư duy người nghèo” khiến con trẻ hạn chế khả năng phát triển.
Sao lại gọi là “tư duy người nghèo”? Bởi vì thông thường, người nghèo có tài chính hạn chế nên thường dùng cách nghĩ giống của Tạ Cầm để giải quyết vấn đề. Kết quả là, càng tư duy theo kiểu như vậy, con cái họ lại càng nghèo. Tuy nhiên, không phải tất cả người nghèo đều như vậy.
Dưới đây là 3 kiểu “tư duy người nghèo” mà các bậc cha mẹ nên chú ý để không vấp phải vết xe đổ của Tạ Cầm.
1. Quá thực dụng
Trong một nghiên cứu về giáo dục được thực nghiệm ở Ấn Độ, các nhà giáo dục đưa ra cho các phụ huynh một số cuốn tạp chí và yêu cầu người tham gia chọn cắt hình ảnh trong đó để ghép thành bức tranh trình bày cách họ giáo dục con cái.
Phần lớn tác phẩm thu lại được đều là những bức tranh cắt ghép vàng bạc, châu báu và những chiếc ôtô đắt tiền. “Cha mẹ nghèo thường chỉ coi giáo dục là cách để con cái họ có nhiều của cải”, người đứng đầu về nghiên cứu này cho biết.
Kết quả này cũng đúng với cách giáo dục của nhiều cha mẹ hiện nay. Họ sẽ luôn phân vân giữa hai lựa chọn “Trường nào giáo dục tốt và trường nào sau khi tốt nghiệp có thể kiếm được nhiều tiền hơn?”. Trong “tư duy người nghèo” thì giáo dục chỉ là công cụ để làm giàu.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: “Do đó những người coi học tập là việc cả đời, coi giáo dục là một phần tất yếu của đời người sẽ ngày càng giàu lên. Trong khi những người chỉ coi giáo dục là phương tiện thì sẽ chỉ ngày càng nghèo đi mà thôi”.
2. Chỉ coi trọng những thứ có giá trị trước mắt
Người nghèo sở dĩ lâm vào hoàn cảnh khó khăn chính là vì bản thân tự làm phức tạp mọi thứ, thiếu thông tin và niềm tin không kiên định trong thời gian dài.
Nhà kinh tế Gary Baker từng nói: Sự giàu có luôn dạy con người về việc đầu tư thời gian và nhẫn nại nhất có thể.
Hàm ý câu nói này còn có nghĩa:
Nghèo đói xuất phát từ việc thiếu kiên nhẫn.
Tích lũy quá lâu, bỏ cuộc
Giáo dục quá dài, bỏ cuộc
Thay đổi quá dài, hoàn toàn bỏ cuộc
Thế giới trong mắt người nghèo thường là hai chữ “bỏ cuộc” khi một việc gì đó diễn ra lâu hơn sự mong đợi của họ. Điều này cũng có nghĩa họ sẽ đánh mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Rất nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khốn cùng chỉ vì thích đem tiền mua đồ đắt tiền hơn là dùng để tiết kiệm. Bởi vì, dự phòng trước mọi thứ là chuyện quá xa vời.
Trong giáo dục, “tư duy người nghèo” còn thể hiện rõ ràng hơn ở việc đòi hỏi kết quả nhanh.
Gần đây Trung Quốc rộ lên phong trào cho con theo học lớp dạy tư duy “siêu việt” – dạy đọc “lượng tử” 100.000 chữ trong 5 phút. Những lớp học này ngay lập tức thu hút rất nhiều cha mẹ học sinh đến đăng ký mặc dù chi phí lên tới 269.000 tệ (khoảng 881 triệu đồng).
Trong lớp, các bậc phụ huynh chăm chú xem con cái mình mở sách cực nhanh nhưng không hiểu con đang làm gì. Tuy nhiên họ đã bị lời giới thiệu quảng cáo “cho con học thêm không bằng trang bị cho con phương pháp học tập” thu hút.
Trong vấn đề giáo dục, liệu chỉ có một cách thức duy nhất? Tuy nhiên, chương trình dạy tư duy siêu việt đã kín đáo lợi dụng kỳ vọng của cha mẹ mong con trẻ sớm thành rồng thành phượng mà vẽ ra cách học này mà thôi.
Đối với bậc cha mẹ, việc chi nhiều tiền để cho con học thành tài họ đều không tiếc, tuy nhiên việc xem sách và đọc sách là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Trong giáo dục còn liên quan đến việc trẻ có hứng thú với việc học hay không, tài năng và năng lực của các trẻ cũng khác nhau. Giáo dục là quá trình lâu dài, không thể ngày một ngày hai là thấy ngay kết quả.
Mặc dù các nhà quảng cáo về khóa học khẳng định: “Một khi đã nắm được kỹ thuật này, nhìn lướt qua trang giấy là chữ nghĩa và hình ảnh sẽ hiện lên trong đầu học sinh, giúp các em nắm được nội dung nhanh nhất có thể”. Tuy nhiên, kỹ thuật kỳ lạ này đã bị các chuyên gia giáo dục Trung Quốc bác bỏ vì thiếu cơ sở khoa học.
3. Không tin vào sự giản đơn
Khi con ốm, đa phần cha mẹ đều đưa đi viện thăm khám. Nhưng nếu bác sĩ nói rằng bệnh tình không nghiêm trọng, chỉ cần về nhà nghỉ ngơi thì nhiều người cho rằng bác sĩ trình độ thấp.
“Con ốm thế làm sao không tiêm hay uống thuốc cho được”, họ nghĩ vậy và tự mình đi mua hàng loạt những sản phẩm y tế đắt tiền hoặc tìm nhiều cách để giải quyết vấn đề thay vì đưa con về nhà nghỉ ngơi. Thật ra đơn giản mới là lối suy nghĩ tốt nhất.
Giống như lớp học “siêu việt” – dạy đọc “lượng tử” 100.000 chữ trong 5 phút, rất nhiều lớp học như vậy với lời quảng cáo “biến con thành thần đồng” khiến nhiều bậc phụ huynh thích mê và sẵn sàng thức đêm mong đăng ký được cho con vào học.
Nhiều cha mẹ vẫn tin rằng: “Giáo dục chuẩn mực là chi nhiều tiền, càng nhiều con càng giỏi”.
Trong khi đó họ lại không hiểu rằng, nếu họ dành thêm nhiều thời gian cho con, đọc sách cùng con và trò chuyện với con nhiều hơn, sự giáo dục mà trẻ em nhận được sẽ tốt hơn rất nhiều những khóa học kiểu như trên.
Là cha mẹ nên có tầm nhìn rộng, không nên vì lợi ích ngắn hạn trước mắt mà bỏ đi những cơ hội trong tương lai của con. Một cái cây khi phát triển cũng trải qua nhiều giai đoạn. Nếu bón phân sai, thì cây không những chẳng ra nổi trái mà còn sống èo uột, khó trụ lại được khi có giông bão.
San San
Theo Aboluowang
Video xem thêm: Vinh danh một nửa thế giới: Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Vệ, người lo trước cái lo của người khác