“Có thể em lo sợ khi về làm dâu Hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em suốt đời, bằng tất cả khả năng của mình”. Lời hứa năm xưa của Thái tử Naruhito không chỉ cảm động thiếu nữ Masako mà còn làm tan chảy biết bao trái tim cô gái trên thế giới.
Hành trình 6 năm theo đuổi tình yêu của chàng hoàng tử si tình
Công nương Masako Owada – vợ của Thái tử Nhật Naruhito sinh năm 1963 tại Tokyo, là con gái của ông Hisashi Owada – cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, cựu Thẩm phán Tòa án Tư pháp quốc tế. So với những người phụ nữ cùng thế hệ, Công nương được đánh giá là “xuất sắc nhất”; người phụ nữ tài năng này đã từng tốt nghiệp hạng ưu khoa kinh tế Đại học Harvard, học chuyên ngành Quan hệ quốc tế ở Đại học Oxford và chuyên ngành Luật của Đại học Tokyo.
Sau khi tốt nghiệp, Masako trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp và thông thạo 6 ngôn ngữ: Nhật, Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Đức. Bà cũng được lựa chọn là nữ bộ trưởng đầu tiên của một bộ ở Nhật. Nhưng rồi, cuộc đời của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn ấy đã rẽ sang một lối khác khi bà quen biết và chính thức gật đầu làm vợ Thái tử Naruhito.
Vào một ngày đẹp trời tháng 10/1986, trong bữa tiệc trà chiều tiếp đón công chúa Elena của Tây Ban Nha, Hoàng tử Naruhito, trưởng nam của Nhật hoàng Akihito đã bị thu hút bởi vẻ trong sáng và thông minh của cô gái trẻ Masako Owada. Hoàng tử đã lập tức trúng tiếng sét ái tình với cô gái “khiến cho người ta dễ chịu và có thể quên mất khái niệm thời gian” ấy.
Phần vì ngưỡng mộ tài năng xuất chúng, phần vì cảm mến sự đoan trang, hiền thục của Masako, Hoàng tử Naruhito đã quyết tâm chinh phục trái tim nàng. 6 năm trời ròng rã cố gắng đem tình yêu chân thành thổ lộ, song chàng hoàng tử vẫn chưa nhận được lời hồi đáp, dẫu vậy, anh vẫn không bỏ cuộc.
Câu chuyện tình càng thêm bế tắc khi Masako bị loại khỏi danh sách các cô dâu hoàng gia tiềm năng do tranh cãi về ông ngoại Yutaka Egashira của bà từng là lãnh đạo một công ty dính líu vào bê bối xả chất độc vào nước. Vượt qua những phản đối gay gắt từ phía Hoàng gia, Thái tử Naruhito vẫn một lòng son sắt chờ đợi Masako. Có lẽ, cảm động trước tấm chân tình của người đàn ông đã âm thầm bên mình 6 năm, Masako đã đồng ý lấy Naruhito khi hoàng tử cầu hôn bà lần thứ 3.
“Có thể em lo sợ khi về làm dâu Hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em suốt đời, bằng tất cả khả năng của mình”. Lời cầu hôn chân thành của hoàng tử cuối cùng đã làm cảm động thiếu nữ xinh đẹp và tài năng Masako sau những tháng ngày mòn mỏi chờ đợi…
Công nương Masako – “chú chim hoàng yến bị giam cầm trong lồng son”
Sau lễ cưới “không xe ngựa hay đoàn tùy tùng, không tặng phẩm và tuần trăng mật”, Công nương Masako bắt đầu làm quen với những quy tắc nghiêm ngặt của Hoàng gia. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi người phụ nữ tài sắc ấy phải hy sinh sự nghiệp của mình để trở thành một “chú chim hoàng yến bị giam cầm trong lồng son”.
Được biết, để trở thành thành viên Hoàng gia, Masako đã phải trải qua một lớp học kéo dài 62 tiếng đồng hồ về những quy chuẩn như cách đi bộ, cách cúi chào đúng phong thái của Hoàng gia.
Trước khi lễ cưới diễn ra, Thái tử Naruhito đã bảo đảm với Masako rằng sẽ hiện đại hóa cuộc sống vương triều và tìm cho nàng vai trò nhà ngoại giao của Hoàng gia. Nhưng, thay đổi những quy tắc truyền thống Hoàng gia chưa bao giờ là dễ dàng, và lời hứa của chàng đã phải “theo gió bay đi”.
Trong suốt 3 năm liền, công nương Masako rất hiếm khi rời khỏi Hoàng cung và chỉ được về thăm cha mẹ 5 lần. Nàng phải nộp lại hộ chiếu cho Cục quản lý hoàng gia Nhật, mọi hoạt động đều bị giám sát chặt chẽ và bị cấm tiết lộ đời sống riêng tư cho báo giới.
Không những thế, ngay sau khi kết hôn, Masako đã mất quyền công dân và bị xóa tên khỏi danh sách bầu cử. Công nương chỉ được cất lời nếu chồng cho phép. Thậm chí, khi muốn ra phố cũng không bao giờ được đi một mình và phải được chấp nhận trước 15 ngày.
Không hộ chiếu, không thẻ tín dụng, không chứng minh thư, không cả tên khai sinh, suốt 3 năm ròng rã, Công nương Masako không hề tham gia cuộc sống công cộng, không được mua sắm và trở thành một con người hoàn toàn khác với hình ảnh một người quảng giao, nhanh nhạy, thông minh vốn được thừa hưởng nền giáo dục tiến bộ phương Tây.
Đặc biệt, áp lực lớn nhất đè nặng lên vai Công nương Masako là phải sinh quý tử nối dõi cho Hoàng tộc. Năm 1999, công nương đã bị sảy thai và mãi đến tháng12/2001, Công chúa Aiko mới chào đời, nhưng theo luật lệ của Hoàng gia Nhật, con gái không được phép kế thừa ngai vàng. Cuối cùng, quá mệt mỏi với cuộc sống nơi cung cấm, Công nương Masako bị mắc chứng trầm cảm mà theo Hoàng gia thông báo là “rối loạn điều chỉnh” (không có khả năng điều chỉnh cuộc sống vì căng thẳng quá độ).
“Anh hứa sẽ bảo vệ em suốt đời bằng tất cả khả năng của mình”
Từ sau khi mắc trầm cảm, Công nương rất ít xuất hiện trước công chúng và từ chối dự hàng loạt các sự kiện quan trọng cùng Thái tử. Sự vắng mặt bất thường này đã bị dư luận chỉ trích dữ dội. Thậm chí, có những tin đồn Công nương tham gia một số hoạt động được coi là không phù hợp với thành viên Hoàng gia như ra ngoài chơi với bạn bè, để con cái cho người khác chăm sóc và tham gia những bữa tiệc tùng…
Trước nỗi khổ tâm mà vợ mình đang chịu đựng, giữ đúng lời hứa năm xưa, Thái tử Naruhito đã hết mực bênh vực và bảo vệ vợ – người được báo chí mệnh danh là “Vương phi u sầu”. Thậm chí, Thái tử còn không màng đến việc gây bất hòa với cơ quan Hoàng tộc mà ông cho rằng họ đã cố tình “chối bỏ sự nghiệp và tính cách” của Công nương.
“Trong 10 năm qua, Masako, người đã hy sinh sự nghiệp ngoại giao để cưới tôi, đã làm mọi thứ có thể để thích ứng với môi trường Hoàng gia. Việc này có thể đã khiến cô ấy quá kiệt sức”, Thái tử Naruhito lên tiếng bảo vệ vợ mình.
Cuối cùng, tình yêu chân thành của Thái tử đã cảm động công chúng. Cơ quan Hoàng gia sau đó đã nhận được hàng loạt e-mail chỉ trích từ người dân Nhật Bản. Họ thể hiện niềm thông cảm sâu sắc với Thái tử phi ốm yếu và tỏ thái độ giận dữ trước các phát ngôn gay gắt của cơ quan này.
Kể từ tháng 9 năm 2004, bệnh tình của công nương Masako đã thuyên giảm và bà xuất hiện tại một số sự kiện song các bác sĩ nói rằng bà vẫn còn stress nặng. Nguyện đồng cam cộng khổ cùng vợ, Thái tử Naruhito những năm đó vẫn tiếp tục lên tiếng bảo vệ vợ và mong mọi người cảm thông cho sức khỏe của bà.
Hiện nay, Nhật hoàng Akihiton đang ngỏ ý muốn thoái vị vì tuổi già sức yếu. Theo đó, Thái tử Naruhito sẽ là người kế vị; và hiển nhiên, trọng trách đặt lên vai hai vợ chồng Thái tử sẽ càng nặng nề hơn. Dù bao khó khăn đang đợi họ phía trước, nhưng dù sao chăng nữa, người ta vẫn tin rằng Thái tử Naruhito sẽ giữ đúng lời hứa năm xưa, bảo vệ vợ mình đến hơi thở cuối cùng.
Và người ta cũng có niềm tin mạnh mẽ rằng, vị Thái tử phi tài sắc vẹn toàn ấy sẽ cố gắng hết mình để luôn được đồng hành cùng chồng trong bước đường tương lai. Biết đâu, một lần nữa cảm động trước tấm chân tình của người đàn ông đã dành cả đời bảo vệ hạnh phúc cho mình, vị “Vương phi u sầu” sẽ bình phục trở lại và tìm thấy hạnh phúc thật sự giữa chốn Hoàng cung.
Linh An