Mỗi buổi chiều, cứ khi nào nghe đài FM báo con đường nào kẹt xe thì anh Toàn đều gác lại công việc rồi đạp xe đến điều tiết giao thông. Nhiều người bảo anh rảnh hơi “lo chuyện bao đồng” nhưng anh vẫn mặc kệ, cứ thế, thấm thoát cũng đã hơn 10 năm…

Anh Toàn tên đầy đủ là Lê Ngọc Toàn (38 tuổi, ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. HCM). Công việc hàng ngày của anh là bơm vá xe, thế nhưng, cứ tầm 16h30 – giờ tắc đường ở Sài Gòn là anh lại hối hả đạp xe đi “giải cứu” kẹt xe.

Anh thợ bơm vá thích đạp xe đi “giải cứu” ùn tắc ở Sài Gòn.

Anh Toàn tâm sự, anh làm công việc này đã hơn 10 năm nay và không bao giờ thấy… chán! Vì với anh, điều gì có thể giúp cho Sài Gòn thì anh sẽ giúp hết mình. “Đó giống như là một thói quen, một trách nhiệm với nơi mình sinh sống vậy”.

Chỉ với chiếc còi và áo phản quang, anh Toàn đã trở thành “hiệp sĩ giao thông”.

Anh nhớ lại, vào khoảng năm 2002, một lần chạy xe đi công việc ở quận khác thì bị ùn tắc hơn 1 tiếng đồng hồ do chẳng ai nhường ai. Thấy vậy, anh đã dựng xe vào lề đường và tự “bơi” ra biển người đứng chôn chân để điều tiết, giải tỏa ách tắc giao thông. Cảm thấy việc làm của mình tuy nhỏ những giúp cải thiện đáng kể lượng xe cộ, mọi người cảm thấy thoải mái hơn, anh quyết giữ thói quen đó vào bất cứ lúc nào gặp điểm kẹt xe trên đường phố.

Đang điều tiết giao thông ở vòng xoay Dân Chủ thì có một xe máy của một người phụ nữ điều khiển té ngã do bị ô tô ép, anh Toàn nhanh chóng hỗ trợ đỡ xe lên.

Rồi như một cái duyên, từ lúc nào anh Toàn đã xem đó như một phần công việc mỗi ngày của mình. Ngoài 2 buổi cuối tuần thì ngày nào anh cũng ra đường tìm chỗ kẹt xe để “giải cứu” mà không cần ai trả công. Mãi đến 18 giờ 50 cùng ngày, khi ùn tắc đã giảm dần và thành phố bắt đầu lên đèn, cũng là lúc đã thấm mệt, anh Toàn mới dắt chiếc xe đạp cũ kỹ của mình ra, đạp xe trở về nhà.

Mãi đến 18 giờ 50 cùng ngày, khi ùn tắc đã giảm dần và thành phố bắt đầu lên đèn, cũng là lúc anh Toàn đã thấm mệt.

Lúc đầu khi làm công việc này, người thân, bạn bè đều phản đối vì cho rằng anh “rảnh quá làm chuyện bao đồng”. Rồi đến những người đi đường, nhiều khi thấy một người lạ đứng giữa đám đông điều phối giao thông thì cũng khó chịu, mắng anh Toàn dở hơi.

Nhưng rồi, với lòng nhiệt tình và bền bỉ của mình, chẳng biết từ bao giờ người ta đã quen với sự xuất hiện của anh trên những con phố lớn nhỏ khắp Sài Gòn. Nhiều người còn yêu mến gọi anh là “hiệp sĩ giao thông”: những ổ bánh mỳ, chai nước khoáng của các bác tài xế hay cái vẫy tay kèm theo nụ cười của người đi đường cũng khiến anh Toàn nhớ mãi và càng thêm tự hào về công việc “bao đồng” của mình.

***

Người ta cứ bảo làm điều tốt cho người khác thì trước tiên mình cũng phải có điều kiện thì mới làm được. Đó là quan niệm sai lầm, bởi tử tế là điều tối thiểu để làm người chứ không phải là thứ cao sang mà chúng ta chỉ làm khi đã đầy đủ những điều kiện vất chất hay tinh thần khác. Giống như anh Toàn vậy, chỉ làm một công việc bơm vá xe bình thường, có khi thu nhập cũng chẳng đủ trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn, nhưng anh chẳng nề hà gì, cũng chẳng cần ai trả công, kể thưởng. Bởi, việc tốt là để làm, không phải để tính toán.

Người ta còn bảo làm việc tử tế cũng không dễ, có nhiều cái để chạnh lòng lắm. Nhiều khi mình “làm ơn mà mắc oán”. Cũng như anh Toàn đó, mệt bở hơi tai đứng giữa đám đông kẹt xe hướng dẫn người ta đi đúng đường, đã không được cảm ơn thì thôi, còn bị mắng là dở hơi, “lo chuyện bao đồng”. Nhưng mà, anh vẫn bền bỉ làm công việc của mình, mặc cho những lời nghe thấy nhiều khi cũng đau lắm. Bởi, sự tử tế dù không phải lúc nào cũng được thấu hiểu nhưng đó là thứ không thể đánh mất của một con người.

Để cuộc sống này tươi đẹp hơn, hãy đánh thức lòng tốt và thiện lương trong mỗi người chúng ta (Ảnh: pixabay)

Dù ai nói gì chăng nữa thì cuộc sống quanh ta vẫn có bao điều tốt đẹp và nhân văn đang diễn ra hằng ngày. Người Việt vẫn thực sự rất đẹp chứ không hề xấu xí chút nào, chỉ cần chúng ta kiên trì đánh thức sự tử tế và lương thiện đáng quý bên trong mỗi con người.

Nguồn ảnh: kenh14

Hạ An