Bill Gates nói rằng: “Thói quen ỷ lại là một hòn đá cản bước bạn đến với thành công. Muốn làm nên nghiệp lớn bạn cần đá chúng ra khỏi con đường của mình”.
Đối với những người thành đạt trong sự nghiệp, dựa dẫm vào người khác có nghĩa là bạn đã giao phó vận mệnh của mình vào tay họ và đánh mất hoàn toàn quyền tự chủ trong công việc và cuộc sống.
Có một số người, bất cứ khi nào gặp vấn đề cần giải quyết, việc đầu tiên họ nghĩ đến là tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác. Còn có người, bất luận là có vấn đề hay không, đều thích đi theo người khác, cho rằng người khác có thể giải quyết khó khăn giúp mình. Trong cuộc sống, những người như vậy ở đâu cũng có, và thậm chí xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là những người có tâm lý ỷ lại.
Ỷ lại, đáng sợ hơn, lại là một thói quen thường gặp của những bạn trẻ Việt – những người nắm giữ vận mệnh của tương lai. Họ thích sống dựa vào người khác, thiếu đi tính độc lập, tự chủ cần có của một người.
Nếu chú ý quan sát một chút, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt rất lớn ở thế hệ trẻ Việt Nam và thế hệ trẻ của các nước phát triển. Ở nước ngoài, các bạn trẻ đã phải chuyển ra ngoài sống tự lập từ khi 18 tuổi. Họ tự đưa ra quyết định cho cuộc đời mình có nên học đại học không, học trường nào, chuyên ngành gì và tất nhiên, họ phải tự tìm cách giải quyết vấn đề tài chính cho mọi quyết định của mình. Còn ở nước ta, bố mẹ gần như quyết định hộ con cái mọi thứ và nhiệm vụ của đứa con chỉ là ngoan ngoãn làm theo ý cha mẹ, nếu có vấn đề gì thì cha mẹ sẽ là người… chịu trách nhiệm.
Ngày nay, không khó để bắt gặp những cảnh tượng bố mẹ đưa đón con đi học mỗi ngày dù con đã học cấp ba hay sinh viên đại học. Ở nhà, mẹ cũng là người giặt giũ, nấu cơm, dọn phòng…. Thậm chí, ở công sở, nhân viên cũng ỷ lại vào sếp, bảo sao thì họ làm vậy, không dám thể hiện mình vì sợ phải… độc lập. Những người này, họ mang theo căn bệnh sống dựa, sống bám và đang vô tình tạo ra một “đại dịch” mới trong xã hội.
Ỷ lại bắt nguồn từ tâm lý lười nhác được hình thành từ bé
Lúc nhỏ, bố mẹ làm cho quá nhiều, bạn gần như không phải độc lập hành động; từ ăn cơm, mặc quần áo đến việc hàng ngày không chịu dậy sớm, khiến người khác phải chờ. Những điều này đã trực tiếp hình thành nên tâm lý ỷ lại và lười nhác ở bạn. Ngoài ra, khi bố mẹ dành cho bạn quá nhiều điều thuận lợi, bạn không cần phải nỗ lực phấn đấu cũng có thể sống được. Dần dà, bạn hình thành tính cách không thể độc lập tự chủ, không thể phát triển toàn diện.
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy cách yêu thương này ở hầu hết những ông bố bà mẹ phương Đông nói chung, và Việt Nam nói riêng. Sự yêu thương, bao bọc từ cha mẹ vô hình chung đã làm hại con cái, khiến chúng không thể trưởng thành và phát triển toàn diện được. Bạn thử nghĩ xem, liệu còn tổn thất nào trong cuộc đời nặng nề như thế?
Có một số người luôn chờ đợi nguồn tài chính từ cha mẹ hoặc từ một người bà con xa giàu có, còn có người lại chờ đợi một thế lực thần bí có mang tên “vận may”, “phát tài” đến giúp đỡ. Thế nhưng, bạn đã bao giờ gặp được người nào có thói quen chờ đợi sự giúp đỡ và nguồn tài chính từ người khác hoặc thích trông chờ vào vận may mà có thể làm nên sự nghiệp lớn?
Kẻ thù của ỷ lại chính là không có cơ hội để dựa dẫm
Những người thành công thực sự, họ có thể không biết rõ ràng điều gì sẽ xảy đến với mình trước khi bắt đầu. Thế nhưng, họ có niềm tin mạnh mẽ rằng, nếu bản thân biết cố gắng thì mọi khó khăn đều sẽ được giải quyết. Như vậy, trong trường hợp không ai đến giúp đỡ họ, không có đủ nguồn tài chính hoặc ngay cả khi sự chuẩn bị chưa được đầy đủ, họ vẫn có thể tiếp tục tiến lên phía trước và hoàn thành mục tiêu.
Có một ông chủ của một công ty lớn từng nói, ông chuẩn bị cho cậu con trai của mình đến làm việc tại một công ty khác, để cậu có cơ hội rèn luyện bản thân, chịu đựng sự vất vả. Ông không muốn con trai ngay từ đầu đã làm việc tại công ty của mình bởi ông lo rằng cậu con trai sẽ chỉ biết ỷ lại, mong chờ sự giúp đỡ của ông. Những người luôn sống ỷ lại vào cha mẹ, rất ít người trong số họ có thể làm nên sự nghiệp.
Thực sự, nếu đặt con cái ở nơi mà chúng có thể dựa dẫm vào bố mẹ hoặc có thể kỳ vọng vào sự giúp đỡ là một cách làm vô cùng nguy hiểm. Con chúng ta sẽ không thể biết bơi khi học bơi ở nơi nước nông, nơi mà chân có thể chạm đến đáy. Ở những nơi nước sâu, bọn trẻ sẽ học bơi nhanh hơn và tốt hơn. Khi chúng không còn được bao bọc, chúng sẽ biết học cách để đến được bờ bên kia an toàn.
Nếu cha mẹ quá yêu con, xót con, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, không dám cho con tiếp xúc với đời, sợ con vấp ngã mà bao bọc con thật kỹ dưới đôi cánh của mình, sau này khi ra đời chúng sẽ không tránh được sự bỡ ngỡ, hoảng sợ trước cuộc sống quá sức bấp bênh. Chúng tựa như cây dương xỉ sống bám cây cổ thụ. Một khi cổ thụ già yếu như cha mẹ có lúc không trụ vững nữa thì dương xỉ cũng khó mà tồn tại.
Có một câu chuyện như thế này:
Có chàng trai nọ tìm thấy một kén bướm. Một hôm, anh thấy cái kén hé một lỗ nhỏ. Động lòng hiếu kỳ, anh ta chăm chú xem chú bướm nhỏ làm cách nào để thoát ra cái lỗ nhỏ đó. Vậy mà, đã hơn một buổi, chú bướm vẫn không đủ sức thoát ra dù đã cố gắng thật nhiều. Anh ta suy nghĩ, nếu mình giúp nó chui ra khỏi cái kén chật hẹp này, chắc nó sẽ mừng lắm.
Nó sẽ tung bay khắp bầu trời đầy hoa thơm, cỏ lạ để thưởng thức những hương vị ngọt ngào của cuộc sống. Nghĩ vậy, anh dùng kéo rạch cho cái lỗ lớn hơn. Nhờ vậy, chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén trong chớp nhoáng. Nhưng nghiệt ngã thay, nó chỉ là thân nhộng trần trụi với đôi cánh bèo nhèo, bị quắp lại bởi sự nhăn nhúm của nó. Bây giờ, chú bướm nhỏ không còn đủ khả năng để xòe rộng đôi cánh mà bay dạo khắp nơi. Thế là chú bướm đã mất đi năng lực của đôi cánh và đành chịu kiếp bò loanh quanh trong tối tăm mờ mịt.
Chú bướm nhỏ vì được lòng tốt của con người giúp thoát ra khỏi cái kén quá sớm, nên nó đã không thể làm quen với cuộc sống. Con người ta cũng vậy, ai sống ỷ lại, nhờ vả người khác mà không chịu tự lập, người đó khó mà có được tương lai tốt đẹp.
Ngồi trên một chiếc ghế mềm sẽ rất dễ ngủ quên, sống dựa vào người khác sẽ rất dễ đánh mất chính mình. Vậy nên, để không trở thành một “cây thân leo” phụ thuộc vào ngoại cảnh, tự bản thân mỗi người phải biết gạt bỏ tâm lý ỷ lại, và dựa vào chính mình.
Hiểu Minh
Xem thêm:
- Muốn thành việc lớn, đừng quên tiểu tiết. Người thành công không bao giờ bỏ qua những điều nhỏ nhặt này
- Vì sao những người càng thành công như Bill Gates, Mark Cuban… càng thích đọc tiểu thuyết?
- Cảnh sát thế giới tập Pháp Luân Công trong khi đồng nghiệp Trung Quốc bắt bớ gần 20 năm