Bạn hẳn còn nhớ anh anh chàng gù Quasimodo ở nhà thờ Đức bà Paris, một con người có vẻ ngoài xù xì, xấu xí đến khiến người ta sợ hãi, nhưng lại có một trái tim thuần thiện và nhân hậu đến cảm động lòng người. Ở Việt Nam, trong thế giới thực tại này cũng có một nhân vật “cổ tích” như thế. 

Nhân vật ấy là một cô bé có cái tên thật đẹp Ngô Thị Thùy Dương. Em mới 21 tuổi, đang sinh sống cùng cha mẹ tại ấp 6, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. 

Thoạt đầu nhìn Dương ai cũng sẽ thấy e sợ. Da trên khắp người em đang bong tróc, đỏ tấy như chảy máu, tóc đã rụng hết. Chốc chốc em lại phải dụi bàn tay đã không còn ngón của mình vào những chỗ ngứa để làm dịu đi sự khó chịu thường trực. Đang ở tuổi đẹp nhất của người con gái, nhưng Dương nhỏ nhắn như một cô bé 10 tuổi, em hiện giờ chỉ nặng vỏn vẹn 25kg. 

Theo báo Thanh niên đưa tin, tình trạng của Dương hiện nay bắt nguồn từ một chứng bệnh di truyền hiếm gặp, có tên bệnh ly thượng bì bóng nước bẩm sinh (Epidermolysis Bullosa – EB). Căn bệnh cho chúng ta liên tưởng tới trường hợp của bé Ngọc Bích bị bỏ rơi trong thời gian gần đây. 

Đánh rơi tuổi thơ trong cơn bệnh

Cũng như Ngọc Bích, Dương phát bệnh từ nhỏ. Nhưng vết lở loét xuất hiện dần trên lưng, sau đó là lan khắp thân thể. Khi đưa em đến bác sĩ, cha mẹ lại càng thêm đau lòng khi biết rằng con gái mình sẽ phải sống với cái đau đớn này cả đời vì hiện không có thuốc nào chữa khỏi. 

Dương mang trong mình căn bệnh đau đớn và không có thuốc nào chữa được (ảnh: Ngôi sao).

Dù “có bệnh đi vái tứ phương”, cứ nghe có chỗ nào có thuốc hay, thầy giỏi, cha mẹ em lại lặn lội tới xin thuốc cho con. Nhưng không gì giúp cô bé thoát khỏi căn bệnh đau đớn này. Cha mẹ đau lòng, người trong thôn xóm nhìn em ai cũng xót xa. “Bản thân Dương cùng buồn lắm. Nó thường nép mình trong nhà chứ ít đi ra ngoài. Mỗi lần nhìn mình trong gương là con bé khóc”, chị gái của Dương tâm sự với báo Ngôi sao.

Lớn lên với bệnh lạ trên người, hình dáng cơ thể cứ ngày một trở nên khác lạ, thế giới của em cũng dần thu bé lại trong căn nhà bình yên của cha mẹ. Dương tâm sự ngày bé, em còn có thể đi quanh xóm, nhìn ngắm mọi người. Nhưng dần dần, 10 ngón chân teo rút rồi biến mất. Từ ấy, em chỉ quanh quẩn trong nhà. Sau rồi, những ngón tay cũng mất, mọi sinh hoạt của Dương đều phải trông nhờ cha mẹ. 

Đầu ngón chân, ngón tay mất dần (ảnh: Thanh niên).

Gia đình ai cũng thương Dương nhưng không thể gánh chịu thay em được. Dành tình thương, sự chăm sóc cho em và nhất tâm làm những việc thiện lành là những điều duy nhất cha mẹ có thể làm. Trong tâm, ai cũng mong ước có một phép màu cho cô gái nhỏ. 

Thế giới bên trong tươi đẹp

Đau đớn là thế nhưng Dương cứ lặng lẽ sống trong thế giới của bệnh tật ấy với sự chấp nhận. Em không than phiền, cũng không kêu nhiều. Cô gái vẫn theo dõi truyền hình để biết về thế giới bên ngoài ngôi nhà nhỏ của mình. Có khách đến nhà, em vẫn vui vẻ trò chuyện mà không lẩn tránh hay e sợ gì.

Có thể chấp nhận số phận với tâm thái bình tĩnh như cô bé đã là điều đáng trân trọng. Nhưng khi nghe tới câu chuyện xin “xây cầu” của em, mọi người mới cảm nhận nhiều hơn tấm lòng của Dương. 

Năm 2015, Dương được cha và anh trai đưa lên Sài Gòn chữa bệnh. Em điều trị tại bệnh viện da liễu của thành phố. Ở đây, em may mắn gặp được rất nhiều người có tấm lòng. Không những không sợ hãi, e ngại vẻ ngoài của Dương, rất nhiều nhà hảo tâm đã quan tâm, động viên và quay clip gửi lên mạng để quyên tiền giúp gia đình chữa bệnh cho em. Năm đó, các Mạnh Thường Quân đã trao tặng cho em hơn một trăm triệu đồng. 

Chốc chốc em lại phải dùng đôi tay không còn ngón để xoa những chỗ ngứa, đau (ảnh: Thanh niên).

Sự quan tâm này khiến Dương hạnh phúc lắm: “Cũng nhờ những tấm lòng tốt này, em mới có điều kiện để về giúp lại những người có hoàn cảnh khốn khó hơn mình”, Thùy Dương chia sẻ với tờ Ngôi sao năm 2016.

Anh trai của Dương kể rằng, nhiều hôm thấy Dương đứng nơi cửa sổ, nhìn chăm chú xuống con đường đầy sình lầy, nơi mà ngày nào các em nhỏ cũng phải lội qua để tới được cây cầu dẫn sang bên kia kênh, anh không hiểu lòng Dương đang nghĩ gì. 

Chỉ cho đến khi cô bé ngỏ ý xin với cha mẹ rằng em muốn làm một điều gì đó cho những con người nơi đây, anh mới hiểu ước mong mà cô bé ấp ủ những lần tựa cửa nhìn ra phía con đường. Dương xin được dành số tiền mọi người tặng cho em để xây một cây cầu bằng bê tông bắc ngang qua kênh.

Chiếc cầu tri ân

Cây cầu này sẽ giúp những bác nông dân, những em học sinh bớt vất vả hơn mỗi ngày. Bản thân Dương mỗi khi lên thành phố chữa bệnh cũng phải lên đò hay chạy xe rất xa mới đến được một cây cầu để sang sông, quãng đường di chuyển lấy mất của mọi người rất nhiều thời gian và sức lực. Vì thế, Dương có tâm nguyện muốn giúp mọi người được qua cầu thuận tiện hơn. Cảm nhận được tấm lòng con gái, dù gia cảnh không khá giả gì, nhưng mọi người trong nhà đều hết lòng ủng hộ Dương. 

Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để giúp cô bé thực hiện được nguyện ước của mình. Sau 3 tháng thi công, một cây cầu dài 28m, rộng 2 m đã hoàn thành. Cây cầu được đặt tên là “Giữa”. 

Cây cầu tri ân (ảnh: Ngôi sao).

Cầu Giữa không chỉ chứa đựng tấm lòng của Thùy Dương với những người quê em. Mà nó còn là cách để cô bé tri ân những người đã tặng cho em sự giúp đỡ chân tình. Khi nhận được tiền ủng hộ, Dương không có tên tuổi hay địa chỉ của những người đã thương và giúp mình. Nên dù muốn nói lời cảm ân, em cũng không thể làm. Chính vì vậy, cầu Giữa trở thành phương cách để em bày tỏ tấm lòng mình. 

Trên chiếc cầu nhỏ, người dân trong thôn cũng treo một tấm bảng ghi rõ: Nhà tài trợ Ngô Thị Thùy Dương. Dù có hay không có tấm bảng ấy, Dương vẫn hạnh phúc. Vì với số tiền lớn mà em nhận được, Dương không thể giúp mình khỏi bệnh, nhưng em lại làm được một điều thiết thực và lợi ích cho cuộc sống của những người quanh em. 

Dương có một vẻ ngoài gây sợ hãi nhưng tấm lòng em giống như một đóa hồng. (Ảnh minh họa: Wallpapergenk)

Còn trong lòng những người dân nơi xứ hoa sen này, Dương là một con người lành lặn, ít nhất là trong trái tim và tâm hồn. Hy vọng rằng, tấm bảng ghi tên Dương sẽ ở đó thật lâu cùng với nhịp cầu, không phải để lưu danh, mà nó sẽ ở đó để người lớn có thể kể với con em mình một câu chuyện cổ tích ngay giữa đời thường. Câu chuyện sẽ khiến các em nhỏ hiểu rằng điều đẹp đẽ nhất chính là sự thiện lương, vị tha nằm lấp lánh trong tâm hồn của con người. 

Hy Văn

Video xem thêm: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?

videoinfo__video3.dkn.tv||4f7ddec95__