Lia Imelda Siregar, nhân viên y tế của khoa cấp cứu đã chia sẻ sự việc đáng tiếc trên Facebook nhằm nhắc nhở các bậc phụ huynh thận trọng đối với chế độ ăn của trẻ sơ sinh, theo The Asian Parent.
Lia Imelda Siregar, người trực tiếp cấp cứu cho em bé xấu số chia sẻ, do thấy bé khóc quá nhiều, bà đã quấy cháo chuối cho bé ăn. Do hệ tiêu hóa vẫn quá non nớt nên bé trai bị chảy máu tươi ở trực tràng dẫn tới tử vong.
Bài viết sau khi đăng trên Facebook đã đạt hơn 5.000 lượt quan tâm và hơn 20.000 lượt chia sẻ. Nhiều cư dân mạng chia buồn cùng gia đình trước cái chết thương tâm của bé.
Một số cũng nhận xét rằng bé sơ sinh chỉ cần được bú mẹ và không bao giờ được cho ăn thức ăn đặc. Việc cho trẻ sơ sinh ăn dặm quá sớm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé, thậm chí gây tử vong như trong trường hợp cậu bé này.
Câu chuyện về cậu bé tại Indonesia như lời cảnh báo tới các vị phụ huynh khi đã, đang và sẽ cho con ăn dặm sớm.
Nhiều mẹ thường mắc sai lầm khi nôn nóng cho con ăn quá sớm hoặc vì thấy bé nhẹ cân cũng quyết định cho bé ăn dù chưa đủ 6 tháng.
Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn, tối đa 6 tháng bởi sữa mẹ sẽ đáp ứng đủ dinh dưỡng cho bé trong khoảng thời gian này. Nếu mẹ không có sữa hoặc không thể cho con bú thì nên cho trẻ sơ sinh ăn sữa công thức.
Ngoài ra, nếu trẻ dùng sữa mẹ thì tuyệt đối không cho uống thêm nước. Ngoài ra, dù bé bú mẹ hay sữa công thức thì cũng không cần ăn dặm cho đến khi đủ 6 tháng tuổi.
Thời điểm tốt nhất để mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm là khi bé tròn 6 tháng tuổi. Khi bắt đầu ăn dặm mẹ nên cho bé ăn bột vị ngọt vì lúc này bé vẫn quen thuộc với vị sữa nên dễ chấp nhận hơn.
Những sai lầm khi cho trẻ ăn dặm:
– Không cho bé ăn dầu ăn: Axit béo trong dầu ăn đóng vai trò dẫn và hòa tan vitamin, giúp đẩy nhanh quá trình hấp thu vitamin quan trọng trong cơ thể. Nếu mẹ không cho bé ăn dầu ăn, khả năng hấp thu vitamin ở bé kém, có thể dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D, khiến bé còi xương, chậm lớn, chậm tăng cân.
– Cho bé uống nước cam đặc: Loại nước ép này có nhiều axit gây hại đến hệ tiêu hóa còn non nớt của bé, đồng thời cũng không tốt cho men răng mới bắt đầu hình thành.
– Hầm xương để chế biến thức ăn cho bé: Nhiều vị phụ huynh cho rằng nước hầm xương có đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, nhưng thực tế, chất dinh dưỡng quan trọng như chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất vẫn nằm trong xương, thịt và rau. Nên sẽ tốt hơn nếu mẹ cho bé ăn cả nước lẫn cái thịt để đảm bảo dinh dưỡng trọn vẹn cho bé.
– Cố theo một phương pháp ăn dặm cụ thể: Đây là quan niệm khá phổ biến của nhiều bà mẹ hiện đại, khi mà việc tiếp cận các nguồn thông tin rất dễ dàng thì cũng đem đến sự “rối loạn” trong việc sàng lọc và lựa chọn thông tin cần thiết. Không nên quá bảo thủ theo một phương pháp nào đó. Mẹ nên linh động lựa chọn phương pháp phù hợp với thể trạng của bé và điều kiện của mẹ.
– Cho bé ăn quá mặn: Dưới 1 tuổi, bé không nên thu nạp nhiều muối. Vì giai đoạn này, thận của bé chưa phát triển đủ để tiêu hóa lượng muối lớn, nhu cầu của bé chỉ cần dưới 1gram muối mỗi ngày. Lượng muối này hoàn toàn có thể đến từ nguồn thức ăn tự nhiên của bé. Vì vậy, không cần nêm nếm vào đồ ăn của bé cho tới khi bé 1 tuổi.
– Quá ưu tiên đạm: Thu nạp nhiều đạm có thể dẫn đến hiện tượng rối loạn tiêu hóa ở bé và thận chí gây biếng ăn. Chế độ ăn hợp lý, cân bằng giữa các nhóm chất đạm, rau xanh, tinh bột,… để cho bé nguồn dinh dưỡng cân bằng tối ưu là sự lựa chọn đúng đắn.
H.H