Khi mang bầu, sức đề kháng người phụ nữ sẽ giảm xuống nên dễ mắc một số bệnh, nhất là các bệnh nhiễm trùng như cúm, Rubella, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Khi này cần có chế độ theo dõi đặc biệt để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con.
Các bệnh truyền nhiễm này đều có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi, nguy hiểm nhất là có thể gây sẩy thai và tử vong cho người mẹ.
Sốt xuất huyết khi mang thai khó chẩn đoán hơn bình thường?
Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra nên gọi là sốt xuất huyết Dengue (SXHD) để phân biệt với các bệnh gây xuất huyết khác, nó lây lan thông qua đường muỗi đốt. Đây là căn bệnh được đánh giá có tốc độ lây truyền nhanh nhất thế giới. SXHD xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa, nó có thể biến thành đại dịch đe dọa sức khỏe cộng đồng, thậm chí gây tử vong.
Phụ nữ mang thai nếu bị SXHD giai đoạn đầu thường có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ngoài các triệu trứng trên, người bệnh còn đau họng, xuất tiết, đau mỏi cơ xương khớp gần giống như một số bệnh khác. Vì vậy, người bệnh rất dễ nhầm tưởng mình bị cảm cúm mà tự đi mua thuốc thì rất nguy hiểm.
Khi xét nghiệm máu, SXHD khi mang thai thường khó chẩn đoán hơn người bình thường do tình trạng pha loãng máu lúc mang thai làm che lấp tình trạng cô đặc máu do bệnh.
Mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn thai kỳ nào nguy hiểm nhất?
Bà bầu mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu mang thai khá nguy hiểm. Virus sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của mẹ và con, gây ra rối loạn đông máu, nhất là việc giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu. Dễ dẫn đến sảy thai, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu.
Ngoài ra, SXHD vào giai đoạn chuyển dạ có thể gây băng huyết sau sinh do bệnh làm giảm tiểu cầu. Nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho bà bầu và thai nhi.
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có cần phải bỏ thai?
Thông thường bác sĩ không có chỉ định bỏ thai khi mắc sốt xuất huyết. Do đó, khi mắc bệnh, chị em cần bình tĩnh, không nên lo lắng thái quá bởi sẽ làm ảnh hưởng đến em bé. Trên thực tế, các em bé được sinh ra từ những bà mẹ mắc SXHD đều không bị ảnh hưởng gì, mẹ tròn con vuông.
Nhưng cần chú ý trường hợp bệnh SXHD trên phụ nữ có thai là một trong những chỉ định cấp cứu và phải nhập viện bắt buộc để theo dõi, bất kỳ trong giai đoạn nào cũng có nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi. Các bà bầu sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan thận… hàng ngày và theo dõi tình trạng của thai để xem có biểu hiện như: dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (nếu như ở trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
Bà bầu nên ăn gì để phòng tránh và điều trị sốt xuất huyết?
Ngoài việc chú ý vệ sinh môi trường xung quanh, diệt muỗi và bọ gậy, phòng chống muỗi đốt. Các mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ chất để có sức đề kháng tốt.
Khi mắc bệnh SXHD, cần uống nhiều nước hơn bình thường để bù lượng nước và chất điện giải bị thất thoát do sốt. Tốt nhất là uống nước oresol, nếu chưa có oresol thì có thể tạm thời uống nước gạo rang hoặc tự pha 2 muỗng cà phê đường với 8 muỗng cà phê muối ăn trong 1 lít nước, uống theo nhu cầu.
Nên uống thêm các loại nước ép trái cây tươi như chanh, cam, xoài, dưa hấu, đu đủ… và ăn đồ ăn dễ tiêu. Đừng quên chườm mát, lau người vùng trán, bẹn, nách, thái dương để hạ nhiệt.
Hoàng Kỳ (T/h)
Xem thêm:
- 5 điều quan trọng cần biết về sốt xuất huyết Dengue để phòng biến chứng nguy hiểm
- Mẹ bầu ăn dứa, đào, ốc dễ sinh non, con có nguy cơ câm điếc, nhiều dãi Sự thật hay lời đồn?
- Ngập chìm trong bóng tối bệnh tật, điều kỳ diệu gì đã giúp cô gái trầm cảm nặng tìm thấy ánh sáng cuộc đời?
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.