Tối ngày 6/8, sự việc một học sinh lớp 1 trường quốc tế Gateway, Cầu Giấy, Hà Nội tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường gây xôn xao dư luận xã hội. Làm thế nào sơ cứu khi phát hiện trẻ bị bỏ quên trên ô tô?

Theo thông tin trước đó, khoảng 7 giờ 30 phút sáng 6/8, một học sinh lớp 1 được xe của trường quốc tế Gateway đón đến trường, tuy nhiên đến khoảng 16 giờ 30 phút, một cán bộ của nhà trường phát hiện cháu trên xe buýt trong tình trạng tím tái nên nhanh chóng đưa vào bệnh viện. Khi được đưa vào Bệnh viện E cấp cứu, cháu bé đã tử vong.

Với nhiều cha mẹ, việc để con trên ô tô “một lát” là hành động tưởng chừng vô hại. Tuy nhiên theo các chuyên gia, không có khoảng thời gian nào được cho là “an toàn” để bỏ trẻ nhỏ trên ô tô một mình. Ngay cả 1 phút cũng là sự liều lĩnh đầy rủi ro.

Những nguy hại tới sức khỏe khi bé bị nhốt trong ô tô 

Trẻ dễ bị hoảng loạn và sợ hãi khi bị bỏ trên xe. (Ảnh: xuehua.us)

Một chiếc xe ô tô bị đóng kín sau khi tắt điều hoà, nhiệt độ bên trong có thể tăng thành 50 độ C chỉ trong 20 phút, một thử nghiệm của trang The National.ae đã chỉ ra. Khi nhiệt độ bên ngoài là 27 độ C, nhiệt độ trong xe ô tô có thể tăng khủng khiếp lên thành 37 độ C chỉ trong 10 phút, thêm 10 phút nữa là 42 độ và 90 phút là 60 độ.

Để nâng cao nhận thức về vấn đề này, cảnh sát bang Indiana (Mỹ) từng một lần tự nguyện nhốt mình trong xe để xem họ có thể chịu được sức nóng trong bao lâu. Kết quả, họ đã chỉ trụ được 30 phút.

Nếu nhiệt độ đó không an toàn cho người lớn, điều đó càng nguy hiểm hơn nhiều đối với trẻ nhỏ, Tiến sĩ Joseph O’Neil, bác sĩ nhi khoa ở bệnh viện Riley Children Health cho biết.

Sức nóng bên trong một chiếc xe có thể tăng nhanh đến mức lấn át khả năng điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể trẻ. Khi một đứa trẻ bị bỏ quên trong xe, trẻ bắt đầu đổ mồ hôi cho đến khi không còn chất lỏng cơ thể nữa, đó là khi huyết áp giảm, oxy đến não từ từ dừng lại và tim ngưng hoạt động. Trẻ có thể hoảng loạn. Ngay cả khi trẻ muốn hét lên báo động hoặc cảnh báo người đi đường thì điều đó cũng không thể xảy ra.

Theo trang stgeorgeutah.com, hiện tượng say nắng trong xe ô tô bắt đầu khi nhiệt độ cơ thể lõi đạt 40 độ C. Lúc đó chức năng của các cơ quan quan trọng trong cơ thể trẻ bắt đầu ngừng hoạt động, lưu thông dừng lại. Khi nhiệt độ cơ thể lõi đạt 42 độ C là đã có thể gây tử vong.

Lý do tại sao trẻ nhỏ dễ bị sốc vì nhiệt độ cao và tử vong trong xe ô tô hơn người lớn là bởi cơ thể bé nóng lên nhanh gấp 3 – 5 lần so với người lớn, theo Cơ quan An toàn Giao thông Utah.

Cơ thể được làm mát bằng cách đổ mồ hôi nhưng có chế này chỉ hoạt động khi có luồng không khí, điều mà hầu như không có trong một chiếc xe bị đóng kín. Điều khiến việc bị nhốt trong xe càng trở thành bi kịch với trẻ nhỏ, là bởi tuyến mồ hôi của trẻ phát triển theo tuổi tác. Vì vậy, bé nhỏ thì tuyến này càng kém phát triển. Trẻ nhỏ cũng ít có khả năng tự hạ nhiệt như người lớn bởi cơ thể con nhỏ hơn nhiều so với người lớn, diện tích bề mặt ít hơn.

Cách sơ cứu khi bé bị bỏ quên trên xe ô tô

Cần giúp con hiểu sự nguy hiểm khi xe dừng vẫn ở lại trong ô tô. (Ảnh: speed.ettoday.net)

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn – khoa Hóa, Đại học khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong xe ô tô là môi trường kín, do chạy bằng động cơ khí đốt trong (xăng, dầu) nên lượng khí thải lớn, quá trình đốt cháy của động cơ sẽ đốt oxy và nhả ra CO2. Trẻ em, thậm chí là cả người lớn nếu bị nhốt bên trong cũng đều có nguy cơ mất mạng vì không có oxy để thở.

“CO2 là khí không màu, không mùi lại có khả năng chiếm vị trí O2 của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng lại không có oxy. Nạn nhân trong hoàn cảnh này dễ bị khó thở, hôn mê và thiệt mạng nhanh chóng, có khi chỉ trong vài phút”, ông Côn nói.

Ngoài ra, khí thải xăng dầu đốt ra cũng khiến con người bị rối loạn một số hormone ở hệ thần kinh. Do vậy, ngạt khí CO, CO2 đặc biệt nguy hiểm, nạn nhân không có phản xạ thấy ngạt để tự chạy ra ngoài. Nếu bị ngạt nhẹ cũng gây bất tỉnh, còn ngạt nặng thì ngấm độc từ từ, nạn nhân rất khó phản ứng.

Theo PGS Côn, cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí, đặc biệt là ngạt khí CO và CO2 tương đối khó khăn, do 2 khí trên có đặc thù “cướp” đi oxy, khiến nạn nhân nhanh chóng bị thiếu oxy, ngạt thở, ngạt tế bào và hôn mê não.

Cần học cách sơ cứu khi bé không may bị ngạt khí khi bị nhốt trên ô tô. (Ảnh: sohu.com)

Nếu không được cấp cứu sớm, nạn nhân có sống cũng sống thực vật. Nếu không, họ sẽ thiệt mạng nhanh chóng. Do vậy, nắm rõ cách sơ cứu ban đầu cho nạn nhân là rất quan trọng. Nếu trẻ bị ngạt khí, các phụ huynh cần làm những việc sau:

  • Nhanh chóng chuyển trẻ ra khỏi môi trường thiếu oxy ra nơi thoáng mát.
  • Tránh tập trung đông người hiếu kỳ để dành khoảng không môi trường tốt cho trẻ được cấp cứu kịp thời.
  • Cởi bỏ áo ngoài, cúc áo trên người để đảm bảo cho trẻ luôn được thoải mái, dễ thở.
  • Song song với đó, cần nhờ hoặc gọi xe cấp cứu càng nhanh càng tốt để nhờ hỗ trợ.
  • Theo dõi tình trạng của trẻ, nếu thấy có dấu hiệu thở yếu hoặc ngưng thở thì cần phải hà hơi thổi ngạt.
  • Các thao tác phải thực hiện nhanh, chính xác cùng lúc gọi viện trợ từ nhân viên y tế, bởi nạn nhân bị ngạt khí tính mạng luôn trong tình trạng nguy hiểm, thời gian đôi khi chỉ được tính bằng phút.

Cùng với việc phòng tránh cho con khỏi bị ngạt khí thì việc trang bị cho trẻ kỹ năng thoát hiểm trong tình huống bị kẹt trong xe ô tô cũng rất quan trọng.

Kỹ năng cần dạy con khi không may bị nhốt trên xe

Dạy con học kỹ năng tự thoát hiểm khi bị nhốt trong ô tô. (Ảnh: phunuphapluat.com)

Theo trang USA Today, điều quan trọng nhất phụ huynh cần cho trẻ biết là việc ở lại trên xe khi đã dừng hoạt động và đóng kín là rất nguy hiểm và có thể gây chết người nhanh chóng vì ngạt khí và nhiệt độ tăng. Trên thực tế, nhiều cha mẹ quên dạy trẻ điều căn bản này, khiến không ít bé cứ nghĩ mình có thể ở lại cả ngày trên xe mà không bị sao cả. Chỉ khi các bé nhận thức trên xe kín và không hoạt động là nguy hiểm, các em mới tự giác bảo vệ chính mình.

Các bậc phụ huynh cần dạy con bình tĩnh bởi trong không gian kín và oxy có hạn, việc la hét hay khóc lóc chỉ làm trẻ mất sức nhanh hơn và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn.

Bước kế tiếp, dạy trẻ mở cửa xe. Trong trường hợp bị bỏ quên trên xe, trẻ cần mở thử tất cả các cửa bởi nhiều trường hợp có cửa chưa đóng hẳn. Cửa xe tài xế cũng là nơi đáng lưu tâm. Ở nhiều loại xe, cửa xe tài xế vẫn có thể mở được từ bên trong. Ở một số loại xe khác, khi cố ý mở cửa mà không có chìa, xe tự động mở còi chống trộm, điều này cũng gây chú ý cho mọi người xung quanh. Với những xe đời cũ có cửa sổ mở bằng tay, việc thử dùng sức mở các cửa này cũng là một cách có thể giúp trẻ thoát thân.

Trường hợp không thể mở cửa, hãy dạy trẻ tìm xem trong xe có những vật dụng có thể liên lạc với bên ngoài không, như điện thoại. Trẻ em thời đại công nghệ hiện nay thường biết sử dụng điện thoại từ rất sớm, do đó nếu có điện thoại trong tay, khả năng các em liên hệ được với ba mẹ, hay những số điện thoại khẩn cấp để thoát ra ngoài là rất cao.

Nếu không, hãy dạy con sử dụng bất kỳ vật dụng nào trong xe để gây chú ý. Hướng dẫn con lên ngồi trước chỗ ghế tài xế bởi nơi đó có tầm nhìn thoáng nhất, có thể dễ dàng thu hút sự chú ý. Trẻ cũng có thể thử bấm còi xe, bởi một số loại xe, còi xe vẫn hoạt động dù xe đã bị khóa.

Cuối cùng, hướng dẫn bé búa thoát hiểm và những dụng cụ có thể sử dụng để phá cửa sổ. Đây là “hạ sách” bởi sức của các bé có thể không đủ để làm việc này, tuy nhiên vẫn có thể thử khi đã làm tất cả mọi cách vẫn không thể thoát ra. Dù sao, việc đập cửa bằng búa thoát hiểm cũng gây tiếng động chú ý cho mọi người xung quanh.

Ngoài ra, cần hướng dẫn bé tìm nước và thức ăn có sẵn trên xe, để giữ cho bản thân không bị mất sức trong khi tìm cách thoát ra ngoài.

videoinfo__video3.dkn.tv||f86ab5587__