Bệnh nhân T.V.T (Văn Quan, Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng đau rát, sưng tấy ở vùng đầu, mặt cổ và tức ngực, khó thở do bị ong rừng đốt.
Theo Dân Việt, bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn chẩn đoán, bệnh nhân T. bị ngộ độc nọc ong vò vẽ dẫn đến loạn thần, suy gan, suy thận.
Thời gian gần đây, số người bị ong rừng đốt trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Riêng trong tháng 6/2018, Khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, đã tiếp nhận 10 trường hợp nhập viện do bị ong đốt. Nguyên nhân chủ yếu là do bà con bất cẩn khi đi rừng hoặc bắt ong để lấy mật.
Trước đó, bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An đã tiếp nhận bé trai Nguyễn Thông Sáng, 19 tháng tuổi bị đàn ong nuôi trong vườn đốt. Bé Sáng nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, chi chít nốt ong đốt trên người, theo VOV.
Cách xử trí đúng khi gặp trường hợp bị ong đốt
– Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong.
– Đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể.
– Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.
– Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng. Sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để làm giảm đau và giảm sưng.
– Cho nạn nhân uống nước để thải bớt độc tố.
– Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, đặc biệt khi có các biểu hiện bệnh nặng hơn.
Lưu ý
– Hạn chế tiếp xúc, không kích động hoặc chọc phá tổ ong.
– Khi ong bay đến, không chạy, nên đứng hoặc ngồi im tránh cử động.
– Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà.
– Khi ong vào nhà làm tổ cần phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ.
– Đi vào rừng hay dã ngoại cần tránh mặc quần áo sặc sỡ.
– Hạn chế dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt.
Lan Phương