“Nghiện công nghệ” đã trở thành câu nói của miệng khi chúng ta lạm dụng các thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên các chuyên gia y tế nhấn mạnh đó thực chất là hội chứng ám ảnh công nghệ.

“Chúng ta thường nói: Tôi nghiện công nghệ hay Tôi nghiện điện thoại. Tuy nhiên thực tế không hẳn vậy. Họ đang bị ám ảnh thì đúng hơn”, chuyên gia tâm lý Larry Rosen, nói.

Rosen cho biết có sự khác biệt hoàn toàn giữa ám ảnh và nghiện ngập nhưng không có nghĩa ám ảnh nhẹ hơn nghiện ngập. Ám ảnh công nghệ cũng gây ra các vấn đề sức khỏe chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần.

Mất thời gian vào đồ công nghệ khiến bạn lãnh cảm với xung quanh (Ảnh: Internet)

“Bị ám ảnh bởi công nghệ là tình trạng các chất gây lo lắng tích tụ trong não, khiến bạn phải làm những việc như nói, kiểm tra điện thoại hay kiểm tra facebook để giảm các chất gây hại này cũng như bớt cảm thấy lo lắng”, Rosen giải thích.

Chỉ khi ngừng lướt Facebook, bạn mới nhận ra mình từng bị chi phối thế nào!

Nghiên cứu cho thấy 24% thiếu niên Mỹ online “gần như liên tục”. Một khảo sát năm 2016 cho thấy người Mỹ dành 10 tiếng mỗi ngày để nhìn vào màn hình. Và con số này đang có khả năng sẽ tăng lên.

Ở Việt Nam, ước tính có hơn 70% người dùng Internet sử dụng Facebook. Nhiều người lên facebook hàng ngày, hàng giờ, liên tục cập nhật mọi thứ của mình lên facebook. Nếu như chỉ một thời gian ngắn không thể lên facebook, người ta sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, bồn chồn.

Nghiện facebook khiến bạn mất nhiều thời gian và bị chi phối cảm xúc (Ảnh: Internet)

Nhiều bạn trẻ khi học bài thấy rất buồn ngủ, nhưng lại có thể lên facebook xuyên đêm mà không cảm thấy nhàm chán. Thậm chí là liên tục thay đổi trạng thái (status), khoe hình ảnh chờ đợi từng nút like, cảm xúc cũng theo đó mà lên xuống. Nhiều người cố gắng từ bỏ facebook vì nhận thấy mình mất quá nhiều thời gian vào nó, nhưng không thể thành công.

Nhắc tới những căn bệnh thế kỷ, những căn bệnh là mối nguy hại cho cả thế giới, bạn sẽ nghĩ tới bệnh gì? Ung thư?  Ebola? Cúm Tây Ban Nha hay là AIDS? Những căn bệnh gợi đến sự đau đớn về thể xác, sự tàn phá cơ thể. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng sự tàn phá về tâm hồn, sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành  động mới là căn bệnh đáng sợ nhất? Nghiện công nghệ có thể là một căn bệnh như thế!

Nếu bạn nhận thấy smartphone của mình giống như chiếc kẹo hấp dẫn tâm trí thì thậ sự đã đến lúc bạn cần “cai nghiện”. Các bước sau sẽ giúp bạn giảm bớt sự phụ thuộc không đáng có này:

  • Hãy dành thời gian cho các hoạt động không liên quan đến điện thoại như đi bộ (giúp tăng cường sức khỏe tinh thần), đi dạo cùng thú cưng trong công viên, tổ chức các chuyến đi chơi cùng bè bạn và gia đình.
    Dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời (Ảnh: Internet)
  • Tắt thông báo của điện thoại. Những tiếng động và sự thay đổi của màn hình mỗi khi có mail, bình luận hay thông tin mới… là lý do chính khiến bạn bị ám ảnh, không thể rời mắt khỏi chiếc điện thoại.
  • Tạo nhật ký điện thoại. Bạn từng nghe nhật ký ăn uống rồi đúng không? Và nhật ký điện thoại cũng tương tự như vậy. Nó có nhiệm vụ theo dõi việc sử dụng điện thoại của bạn. Hãy viết ra mức độ bạn nhìn chằm chằm vào màn hình như thế nào và sau đó lên kế hoạch để giảm bớt sự lãng phí đó.
  • Tránh dùng điện thoại trước giờ ngủ. Nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại thông minh sẽ “tàn phá” giấc ngủ của bạn. Hãy cố gắng rời khỏi nó ít nhất 30 phút trước khi lên giường để có một giấc ngủ chất lượng hơn.

Các thiết bị công nghệ hỗ trợ rất nhiều cho công việc cũng như kết nối bạn bè và mối liên hệ khác. Tuy nhiên nếu bạn không cân bằng thời gian và quá lệ thuộc vào nó thì quả là lợi bất cập hại.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép