Khói thuốc phụ (SecondHand Smoke – SHS) là một trong những phơi nhiễm quan trọng và phổ biến nhất tại môi trường sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 93% dân số thế giới vẫn sống ở các quốc gia không được kiểm soát chặt chẽ bởi 100% quy định y tế về không khói thuốc nơi công cộng, và việc tiếp xúc với SHS trong nhà vẫn còn cực kỳ phổ biến.

Khói thuốc thụ động là sự kết hợp của khói từ đầu cháy của một điếu thuốc và khói bốc ra từ những người hút thuốc. Khói thuốc có chứa hơn 7.000 hóa chất. Hàng trăm chất là độc hại và khoảng 70 chất có thể gây ung thư.

Từ trước đến nay, nhiều người cho rằng hút thuốc lá thụ động là hít phải khói thuốc từ người khác hút thuốc lá, tuy nhiên, các đồ vật bị ám khói thuốc cũng là mối nguy hiểm. Theo các nhà khoa học, người xung quanh có thể hấp thụ chất độc thuốc lá thông qua da và trẻ em là người dễ bị tổn thương nhất. Khói thuốc thụ động gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe ở trẻ sơ sinh và trẻ em, bao gồm các cơn hen suyễn thường xuyên và nặng, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Hít phải khói thuốc lá tự động cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như người hút thuốc lá. (Ảnh: vi.photo-ac.com)

Hút thuốc trong khi mang thai dẫn đến hơn 1.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh hàng năm. Một số tình trạng sức khỏe do khói thuốc lá ở người lớn gây ra bao gồm bệnh tim mạch vành, đột quỵ và ung thư phổi. Đối với thuốc lá, không có mức độ tiếp xúc với nó như thế nào được coi là an toàn. Hút thuốc lá chỉ có hại mà không lợi chút nào.

1. Khói thuốc gây bệnh tim mạch

Tiếp xúc với khói thuốc phụ gặp tác dụng phụ ngay lập tức trên hệ thống tim mạch, có thể gây ra bệnh mạch vành và đột quỵ:

  • Khói thuốc lá gây ra gần 34.000 ca tử vong sớm do bệnh tim và hơn 8.000 ca tử vong do đột quỵ mỗi năm ở Hoa Kỳ trong số những người không hút thuốc.
  • Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà hoặc tại nơi làm việc sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 25 – 30%.
  • Khói thuốc phụ làm tăng nguy cơ đột quỵ 20 – 30%.

Hít thở khói thuốc phụ có thể gặp tác dụng phụ ngay lập tức đối với máu và mạch máu, làm tăng nguy cơ bị đau tim:

  • Hít phải khói thuốc phụ gây trở ngại cho hoạt động bình thường của tim, máu và hệ thống mạch máu.
  • Ngay cả khi thời gian tiếp xúc với khói thuốc thụ động ngắn có thể làm tổn thương niêm mạc mạch máu và làm cho tiểu cầu trong máu trở nên kết dính hơn. Những thay đổi này có thể gây ra một cơn đau tim chết người.
  • Những người đã bị bệnh tim có nguy cơ đặc biệt cao bị các tác dụng phụ từ việc hít phải khói thuốc phụ và nên có những biện pháp phòng ngừa đặc biệt để tránh phơi nhiễm.

2. Khói thuốc lá gây ra ung thư phổi

Khói thuốc lá gây ung thư phổi ở người lớn chưa bao giờ hút thuốc. (Ảnh: vi.photo-ac.com)
  • Khói thuốc lá gây ung thư phổi ở người lớn chưa bao giờ hút thuốc
  • Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà hoặc tại nơi làm việc sẽ tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi 20 – 30%.
  • Khói thuốc lá gây ra hơn 7.300 ca tử vong do ung thư phổi ở những người không hút thuốc ở Hoa Kỳ mỗi năm.
  • Những người tiếp xúc với khói thuốc thụ động hít phải chất gây ung thư và chất độc nhiều như những người hút thuốc.
  • Ngay cả khi tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp có thể làm hỏng các tế bào theo những cách khiến quá trình ung thư khởi động.
  • Với việc hút thuốc lá chủ động, thời gian càng dài và mức độ tiếp xúc với khói thuốc càng cao, nguy cơ phát triển ung thư phổi càng lớn.

3. Khói thuốc lá gây ra SIDS

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS) là cái chết đột ngột, không rõ nguyên nhân, bất ngờ của trẻ sơ sinh trong năm đầu đời. SIDS là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ SIDS.

  • Hút thuốc của phụ nữ trong khi mang thai làm tăng nguy cơ SIDS.
  • Trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc thụ động sau khi sinh cũng có nguy cơ bị SIDS cao hơn.
  • Hóa chất trong khói thuốc phụ có vẻ như ảnh hưởng đến não theo những cách can thiệp vào việc điều hòa nhịp thở của trẻ sơ sinh.
  • Trẻ sơ sinh tử vong do SIDS có nồng độ nicotine cao hơn trong phổi và nồng độ cotinine cao hơn (một dấu hiệu sinh học để biết trẻ tiếp xúc với khói thuốc phụ) so với trẻ sơ sinh chết vì các nguyên nhân khác.

Phụ huynh có thể giúp bảo vệ con mình khỏi SIDS bằng cách thực hiện ba hành động sau đây:

  • Không hút thuốc khi mang thai.
  • Không hút thuốc trong nhà hoặc xung quanh em bé.
  • Đặt bé nằm ngửa khi ngủ.

4. Khói thuốc thụ động có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ em

Nên tìm cho con môi trường trong lành, không khói thuốc để vui chơi. (Ảnh: vi.photo-ac.com)
  • Các nghiên cứu cho thấy trẻ lớn có cha mẹ hút thuốc thường xuyên thì phổi của chúng phát triển ít hơn trẻ em không hít phải khói thuốc phụ, và bị viêm phế quản và viêm phổi nhiều hơn.
  • Thở khò khè và ho là phổ biến hơn ở trẻ em hít phải khói thuốc thụ động.
  • Khói thuốc thụ động có thể gây ra cơn hen suyễn ở trẻ. Trẻ em mắc bệnh hen suyễn ở gần khói thuốc phụ có những cơn hen suyễn nặng và thường xuyên hơn. Một cơn hen suyễn nặng có thể khiến đứa trẻ gặp nguy hiểm.
  • Trẻ em có cha mẹ hút thuốc xung quanh thì bị nhiễm trùng tai nhiều hơn.

Phụ huynh có thể bảo vệ con em mình khỏi hút thuốc lá thụ động bằng cách thực hiện các hành động sau:

  • Không cho phép bất cứ ai hút thuốc ở bất cứ đâu trong hoặc gần nhà bạn.
  • Không cho phép bất cứ ai hút thuốc trong xe, ngay cả khi nhấn cửa sổ xe xuống.
  • Đảm bảo các trung tâm giữ trẻ và trường học của con không có thuốc lá.
  • Hãy tìm nhà hàng và những nơi không cho phép hút thuốc để con của bạn được vui chơi lành mạnh.

Theo Centers for Disease Control and Prevention (CDC)
Mộc Chi biên dịch