Rượu, bia là thức uống thường thấy trong dịp Tết Nguyên đán. Ngày đầu xuân, uống rượu bia đúng và đủ sẽ đem đến nhiều niềm vui nhưng nếu “vui quá đà” sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Những ngày cận Tết, các bệnh viện Hà Nội đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tính riêng tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm điều trị hơn 2.000 bệnh nhân xơ gan do lạm dụng rượu, bia và dự báo số ca nhập viện có xu hướng tăng đột biến trong dịp gần Tết Nguyên đán. Trước đây chủ yếu là bệnh nhân nam tuổi từ 40-50, nhưng gần đây rất nhiều bệnh nhân trên dưới 30 tuổi.
Trao đổi với Vnexpress, bác sĩ Hoàng Nam, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị đã tiếp nhận những bệnh nhân điều trị viêm gan, xơ gan, xuất huyết tiêu hóa tới 13 lần chỉ trong trong vài năm.
Hiện, mỗi ngày khoa Tiêu hóa tiếp nhận 30 bệnh nhân, trong đó hơn một nửa liên quan đến rượu. Rất nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc methanol do uống rượu không rõ nguồn gốc.
Khi xâm nhập vào cơ thể, methanol có thể được chuyển hóa thành acid formic – một độc tố thường thấy trong nọc kiến. Nếu hàm lượng methanol trong máu quá cao, cơ thể có thể bị tàn phá nghiêm trọng: Suy thận, vấn đề ở tim và lưu thông máu, tổn thương gan, suy giảm thị lực (nhìn mờ, mù lòa tạm thời hoặc vĩnh viễn), tổn thương thần kinh và não…
Dấu hiệu ngộ độc rượu methanol
– Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.
– Co giật.
– Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.
– Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
– Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.
– Đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường).
– Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, Rối loạn cảm nhận về màu sắc.
– Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng…
Cách xử lý
Khi có người thân hoặc bạn bè bị ngộ độc rượu, bạn cần để người bị ngộ độc nôn hết rượu ra rồi xát mạnh hai bên má người bệnh.
Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và để người bị ngộ độc rượu nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.
Khi thấy người ngộ độc rượu nôn nên ra đỡ, tránh tình trạng họ sẽ nuốt dịch nhầy vào phổi gây tắc thở.
Thường xuyên đánh thức người bị ngộ độc rượu, tránh để họ ngủ li bì trong thời gian dài.
Nên cho người bệnh ăn một số thực phẩm giải rượu như chuối, đậu đen, đậu xanh và nước ép rau muống để nhuận phổi, lọc máy, giải độc rượu. Tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết rất nguy hiểm.
Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu.
Không uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa.
Phòng ngừa ngộ độc rượu
– Khi uống rượu nên chọn những loại rượu có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng và có tem chứng nhận của các cơ quan chức năng. Đối với những loại rượu quê nên mua tại những địa chỉ tin cậy.
– Không nên sử dụng những loại rượu tự pha chế khi không rõ thành phần.
– Với những loại rượu có hàm lượng methanol >0,15 tuyệt đối không được uống.
– Khi cơ thể mệt mỏi không nên sử dụng rượu.
– Khi uống rượu không nên uống kèm với những loại nước có gas.
– Một số trường hợp sử dụng thuốc không được uống rượu: thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ đường huyết, nhóm phenicol (chloramphenicol), các nhóm kháng sinh cephalosporin, nhóm azol (metronidazol, ketocanzol), thuốc kháng viêm không steroid thế hệ cũ…
– Trước khi uống rượu, mọi người nên chủ động ăn một ít thức ăn, đặc biệt thực phẩm có nhiều dầu mỡ. Chất dầu mỡ sẽ tạo thành một lớp áo che kín mặt trong ruột, giảm sự thẩm thấu của rượu qua thành ruột vào máu.
Phương Nam