Hoa Đà là vị thần y nổi tiếng không chỉ thời Tam Quốc mà cho tới cả hiện nay. Bởi vậy, mỗi khi khen ngợi y thuật cao siêu của ai đó, người ta thường so sánh như “Hoa Đà tái thế”. Tại sao ông lại được người đời tôn sùng tới như vậy? Chúng ta hãy cùng theo dõi câu chuyện học nghề của ông.
Hoa Đà (145 – 208), biểu tự Nguyên Hóa, là một thầy thuốc nổi tiếng thời cuối Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử. Ông được tôn xưng như một Thần y không chỉ ở Trung Quốc mà trong các nước đồng văn hóa như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng được xem là một trong những ông tổ của ngành y học cổ truyền. Ông cùng Đổng Phụng và Trương Trọng Cảnh được xưng tụng là Kiến An tam Thần y; cùng với Biển Thước, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được xem là 4 vị đại danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử.
Chuyện rằng, truyền nhân của danh y là một thầy lang già, người này tính tình rất kỳ quái, không giống mọi người. Thời đó, người muốn bái sư học nghề đều bị sai việc như nô bộc từ giặt quần áo, nấu cơm, quét dọn, thậm chí phải dọn nhà xí, đổ nước tiểu và các công việc cực nhọc khác. Nhưng thầy của Hoa Đà lại không như vậy, ông dán một câu đối trước thư phòng:
Không đổ nước tiểu, xem nước xuyên đá ngộ bí quyết
Không giặt quần áo, xem bệnh như cha học công phu
Người nào đến bái sư, trước tiên phải đến cửa thư phòng khảo câu đối. Ngày hôm đó, lão lang trung như thường lệ đưa ông tới cửa phòng xem câu đối, rồi hỏi: “Hoa Đà, trò đã ghi nhớ câu đối này chưa?”
Hoa Đà trả lời: “Con nhớ rồi ạ, không đổ nước tiểu, xem nước xuyên đá ngộ bí quyết; Không giặt quần áo, xem bệnh như cha học công phu”
Lão lang trung lại hỏi: “Tốt. Trò có biết ý nghĩa là gì không?”
Hoa Đà đáp: “Dạ thưa thầy, con không hiểu ạ, nhưng sẽ từ từ học”
Lão lang trung mỉm cười gật gật đầu tỏ vẻ hài lòng và đáp: “Tốt”
Vị thầy lang lấy làm cao hứng, từ bao năm nay những người trẻ tuổi khi đến học nghề, đều nói: “Hiểu”, mà khi đã nói vậy ông sẽ không thu nhận, bởi nói thì rất đơn giản, thực sự có thể hiểu và làm được mới là phức tạp. Ông đưa Hoa Đà đến hậu viên, chỉ vào hòn đá xanh dưới mái hiên có nước chảy và nói: “Khi nào, nước chảy đá mòn, trò sẽ học được nghề”
Ngày hôm sau, thầy ông bắt đầu mở cửa khám bệnh. Một ngày chỉ giới hạn khám cho 5 người, yêu cầu Hoa Đà ghi chép chi tiết lại tất cả các ca bệnh. Cứ coi xong cho một người, ông lại hỏi: “Hoa Đà, trò có sợ phiền phức không?”.
Hoa Đà trả lời: “Dạ, con không sợ ạ”
Ông lại hỏi tiếp: “Hoa Đà, trò có sợ cực khổ không?”
Hoa Đà trả lời: “Dạ cũng không ạ”.
Ăn cơm tối xong, vị thầy lang lại gọi ông đến nói: “Hoa Đà, trò hãy đối chiếu bệnh tình của 5 người bệnh hôm nay với sách y học, xem ta bốc thuốc có sai sót chỗ nào không”.
Dưới ánh đèn, danh y cặm cụi ngồi đối chiếu từng bệnh án với các sách y học, thức đến canh 2 mới xong, thuốc bốc cho 5 bệnh nhân về cơ bản không sai khác gì. Xong việc, ông vươn thân mình nhức mỏi một cái, ngáp dài, cảm thấy mệt nhọc nên đã cởi áo lên giường.
Vừa nằm lên giường, lại nghe tiếng thầy tới gõ cửa và nói: “Hoa Đà, ta đến truyền nghề cho trò”. Mặc dù mệt nhưng ông vẫn nghiêm chỉnh hành lễ và ngồi dậy lắng nghe chăm chú. Dạy xong, thầy ông quay qua nói: “Sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân. Trò hãy tự đọc sách và lĩnh hội tiếp đi”
Lão lang trung nói xong thong thả bước ra ngoài, còn vừa đi vừa cao hứng đọc thêm vài câu thơ: “Canh ba ngọn đèn dầu, canh năm gà gáy, chính là lúc nam tử dụng công…”
Hoa Đà nghe được câu thơ chỉ còn biết lắc đầu thở dài mà nói: “Quả là một người thầy nghiêm khắc, cái này còn mệt hơn cả giặt quần áo, đổ nước tiểu”, rồi lại chăm chỉ ngồi đọc sách.
Thầy của danh y quả đúng là người thầy nghiêm khắc. Ông yêu cầu Hoa Đà ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác lúc nào cũng phải chuyên tâm học hỏi như vậy. Không phụ sự chỉ dẫn của thầy, ông cũng cố gắng suốt ngày vùi đầu vào học tập, không dám thư giãn, nghỉ ngơi dù chỉ một phút.
Trong một năm theo học nghề ông đã ghi chép được hơn 1500 ca bệnh, tỉ mỉ cần mẫn không ngừng nghỉ. Ngày nọ, lão lang trung hỏi ông: “Hoa Đà, trong hơn 1500 ca bệnh, có bao nhiêu người bị vàng da?”
Hoa Đà đáp: “Dạ thưa có 32 người ạ”
Lão lang trung lại hỏi: “32 người này có dùng thuốc giống nhau không?”
Hoa Đà trả lời: “Dạ, không người nào giống người nào cả”
Lão lang trung nheo mắt hỏi ông: “Vì sao?”
Hoa Đà đáp: “Theo thầy dạy, người bệnh là có nam có nữ, có già có trẻ, có người thì mới bộc phát, có người thì tái phát, tình trạng bệnh là khác nhau, vì vậy dùng thuốc sẽ phải khác nhau ạ”
Hoa Đà trả lời mà như đang đọc sách mà không chú ý tới thầy ông đang mỉm cười gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Vị thầy lang rất vui mừng vì mãi đến khi về già ông mới tìm được một người đồ đệ ưng ý tới vậy. Đây là người học trò cẩn thận, tỉ mỉ lại không quản ngại khó khăn, chịu khó học hỏi nghiên cứu lại thông minh, sáng dạ, nhớ lâu. Điều này càng khiến cho lão lang trung cảm thấy bội phục.
Lão lang trung đùa giỡn vừa cười vừa nói: “Xem ra, nước sắp chảy mòn đá rồi”
Hoa Đà khiêm tốn đáp: “Dạ còn quá sớm ạ”
Ngày nọ, có một sản phụ khó sinh nên đã mời lão lang trung tới thăm khám. Với khả năng tài giỏi của thầy ông, đứa trẻ rất nhanh đã được sinh ra, nhưng lúc ra đời lại không khóc được. Lão lang trung bảo Hoa Đà: “Đây là do nước ối bị ứ…”
Không đợi thầy nói hết câu, Hoa Đà liền cúi người dùng miệng mút nước ối trong miệng thai nhi ra và đứa bé khóc “Oa” một tiếng. Cả nhà sản phụ mừng rỡ, hết lòng chiêu đãi hai thầy trò.
Hai thầy trò vui vẻ trở về nhà, khi đi đến chỗ mái hiên nước chảy, vị thầy lang chỉ vào hòn đá xanh mà nói: “Giọt nước xuyên đá xanh, là hoàn toàn dựa vào công phu cao thâm”. Hoa Đà gật đầu rồi lại gật đầu im lặng đi theo thầy.
Đi đến cửa thư phòng, thầy ông chỉ vào đôi câu đối và quay sang nói với ông: “Hôm nay trò đã lĩnh hội được câu đối này chưa?”
Hoa Đà nhìn lão lang trung, khẩn khoản đáp: “Dạ thưa thầy, con lĩnh hội chút ít nhưng vẫn chưa được sâu ạ”
Lấy làm cao hứng, vị thầy lang mỉm cười nói: “Ngươi nói rất đúng, sự học là không có điểm dừng. Từ khi ta mới bắt đầu hành nghề, thì đã tuân thủ hai điều: Một là đọc thông thuộc nhiều sách y; hai là đối với bệnh nhân ‘không coi như thân nhân, mà hơn cả thân nhân’. Hôm nay trò đã có đủ cả hai điều này và có thể đi được rồi. Người xưa có câu: ‘Chỉ có học trò thi đỗ trạng nguyên, không có thầy đỗ trạng nguyên’, ta tin tưởng tương lai trò sẽ thăng tiến vượt bậc”
Hoa Đà ghi nhớ lời của thầy, rời đi trong lưu luyến. Quả nhiên, sau này ông đã nổi danh trong nghề y, danh tiếng vượt xa người thầy của mình. Đây cũng chính là lý do vì sao người Trung Hoa xưa khi đến chúc mừng thầy thuốc mở phòng khám thường tặng tấm biển “Hoa Đà tái thế”. Đó là bởi vì họ hy vọng rằng, vị thầy thuốc này cũng sẽ có y đức cao thượng và y thuật cao siêu như thần y.
Theo secretchina
Kiên Định biên dịch