Hoa Đà nổi tiếng với y thuật cao siêu, được hậu thế ca ngợi là thiên cổ đệ nhất thần y, cũng là một trong tứ đại danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử. Một bậc danh y vĩ đại như vậy lại phải chết trong nhà giam của Tào Tháo, đã khiến Tào Tháo cả đời phải nuối tiếc khôn nguôi…
Câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào?
Kỳ nhân truyền thụ bí thuật
Hoa Đà sống vào những năm cuối thời Đông Hán, là người tinh thông y đạo, am hiểu thuật dưỡng sinh, tuổi tác đã cao nhưng dung mạo vẫn trẻ trung, người thời đó đều cho ông là thần tiên.
Thời trẻ, Hoa Đà thường viếng thăm danh sơn động phủ. Một ngày kia ông đến trước hang cổ núi Công Nghi, bỗng nghe thấy có người đàm luận phương pháp chữa bệnh. Hoa Đà rất lấy làm hiếu kỳ, liền vội núp vào trong hang nghe lén. Một lúc sau có người nói: “Học trò Hoa Đà ở trước mặt, y thuật có thể truyền thụ cho y”. Người kia lại nói: “Hoa Đà không có lòng thương xót chúng sinh, không thể truyền thụ cho y được”. Hoa Đà nghe vậy liền bước vào trong hang, thấy trước mắt là hai vị lão nhân, thân mặc áo vỏ cây, đầu đội mũ rơm.
Hoa Đà đến trước bái kiến hai vị trưởng giả: “Y thuật là điều vãn bối yêu thích, chỉ tiếc là không gặp được cao nhân. Mong hai vị hiền giả xét cho lòng thành của kẻ hèn này mà truyền thụ y thuật, cả đời kẻ hèn này sẽ không cô phụ ân huệ của hai vị”.
Một vị lão nhân nói: “Truyền thụ y thuật cũng được thôi, chỉ e rằng ngày sau sẽ liên lụy đến ngươi. Nếu nhà ngươi xem bệnh cho người không phân biệt cao thấp, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, cũng không mưu cầu tiền tài, không sợ vất vả, thì mới có thể tránh được tai họa”. Hoa Đà bái tạ lần nữa và nói: “Lời của Thánh hiền, vãn bối không dám quên, nhất định sẽ làm được”.
Hai vị lão nhân cùng cười rồi chỉ tay về phía đông, dặn dò rằng: “Trên giường đá có một quyển sách, nhà ngươi hãy lấy mà xem, nhưng phải mau chóng rời khỏi sơn động, phải giữ bí mật, đừng để cho người bình thường biết”. Hoa Đà vừa cầm quyển sách, quay đầu nhìn lại thì hai vị lão nhân đã không còn ở đó nữa. Hoa Đà sợ hãi vội vàng rời khỏi sơn động, bất thình lình sơn động đổ sụp xuống. Trong quyển sách phần nhiều là những bài thuốc kỳ lạ, hễ dùng là thấy hiệu quả thần kỳ. Về sau, Hoa Đà chưa đến 60 tuổi quả nhiên bị giết chết, dự ngôn của hai vị lão nhân quả thật đã ứng nghiệm.
Hoa Đà là truyền nhân của thần y Hoàng Đế
Theo “Hoàng Đế Bát Thập Nhất Nạn Kinh Tự”, y đạo bắt nguồn từ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Về sau, Thượng Đế đã truyền thụ cho Tiên Sư và Kỳ Bá, rồi truyền lại cho Hoàng Đế, một bậc quân chủ huyền thoại của Trung Hoa. Sau đó, Hoàng Đế lại đem y đạo truyền cho Lôi Công, sau truyền cho vương thất của nhà Thương và nhà Chu, rồi lại truyền cho Biển Thước thời Chiến Quốc (khoảng 2400 năm trước) và Hoa Đà cuối thời Đông Hán (khoảng 1800 năm trước). Điều ấy cũng giải thích vì sao Biển Thước và Hoa Đà được xưng là “Thần y”, đó là bởi họ chính là đệ tử chân truyền của y đạo Hoàng Đế. Vậy nên, cả hai bậc danh y kiệt xuất này đều có công năng đặc dị, có thể nhìn xuyên thấu tạng phủ và sử dụng thần kỹ phẫu thuật để cắt bỏ mầm bệnh.
Hoa Đà một đời hành y cứu người, tinh thông nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, châm cứu… Ông chỉ dùng vài vị thuốc, khi bốc thuốc cũng là tiện tay bốc lấy, không cần phải cân đo. Châm cứu cũng chỉ cần châm một hai chỗ là có thể trị bệnh. Trước khi châm, ông nói với bệnh nhân: “Nếu cảm thấy kim châm đến bộ vị nào đó thì hãy nói với tôi”, người bệnh nói “Đã đến”, ông liền rút kim ra, không bao lâu sau bệnh liền khỏi hẳn.
Với những bệnh nặng cần phải phẫu thuật, ông sẽ dùng rượu hòa với ma phí tán (thuốc gây tê), sau khi uống bệnh nhân liền tiến vào trạng thái mê man. Sau khi phẫu thuật, chỉ cần khâu vết thương lại và bôi thuốc cao, chưa đầy bốn đến năm ngày sau vết thương sẽ lành hẳn, và chỉ sau khoảng một tháng bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục. Y thuật của Hoa Đà tiến bộ hơn phương pháp phẫu thuật của Tây phương những 1600 năm, chỉ tiếc là ma phí tán và thủ pháp ngoại khoa này nay đều đã thất truyền.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Hoa Đà đã chữa bệnh cho Quan Vũ bằng cách mổ vai để nạo chất độc do mũi tên đâm vào, trong khi phẫu thuật Quan Vũ vẫn bình thản đánh cờ vây.
Lại có bệnh nhân bị đau bụng hơn 10 ngày trời, lông mày, râu ria đều rụng hết. Hoa Đà nói, đây là tì tạng bị hư mất một nửa, có thể mổ bụng để chữa trị. Ông liền bảo bệnh nhân uống thuốc, rồi phẫu thuật xem thử, quả nhiên tì tạng bị hư mất một nửa. Ông dùng dao cắt bỏ phần tì tạng bị hư hại, cắt đi phần thịt đã hoại tử, rồi dùng thuốc cao thoa lên, cho bệnh nhân uống thuốc. Nội trong trăm ngày, bệnh nhân đã bình phục trở lại.
Hoa Đà cũng am hiểu thuật dưỡng sinh, tuổi tác tuy lớn, nhưng dung mạo vẫn trẻ trung. Ông mô phỏng theo động tác của hổ, hươu, gấu, vượn, chim, sáng tạo ra bộ khí công “Ngũ cầm hí”. Luyện tập Ngũ cầm hí có tác dụng khai thông kinh mạch, điều hoà khí huyết, từ đó nâng cao thể trạng giúp người tập luyện khỏe mạnh, vững chắc, nhanh nhẹn. Đặc điểm của Ngũ cầm hí là phối hợp học thuyết tạng phủ kinh lạc của đông y, mô tả cái uy mãnh của Hổ, cái an nhàn của Nai, cái trầm tĩnh của Gấu, cái linh hoạt của Khỉ, cái nhẹ nhàng sắc bén của chim Hạc. Ẩn chứa thần thái của Ngũ cầm hí là hình thần đều chu đáo, ý khí theo nhau, nội ngoại hợp nhất.
Hoa Đà có hai đồ đệ tên là Ngô Phổ và Phàn A, cả hai đều được chân truyền. Học trò Ngô Phổ thường xuyên tập luyện, tuổi ngoài 90 mà tai mắt vẫn minh mẫn, hàm răng đầy đủ. Còn học trò Phàn A, chỉ dùng phương thuốc “Tất Diệp Thanh Niêm Tán” mà Hoa Đà chỉ dạy đã giữ gìn thân thể, tuổi đã ngoài một trăm mà râu tóc vẫn không bạc đi, tiếc là phương thuốc này cũng đã thất truyền.
Bắt giam Hoa Đà, Tào Tháo cả đời phải nuối tiếc khôn nguôi
Bởi có y thuật cao siêu như vậy nên chẳng bao lâu danh tiếng của Hoa Đà đã lan xa khắp vùng. Tào Tháo là người cùng quê với Hoa Đà, khi ấy thường hay bị căn bệnh đau đầu quái ác hành hạ, dù đã rất nhiều lần mời thầy thuốc giỏi về chữa trị nhưng cũng không khỏi. Nghe nói Hoa Đà có y thuật cao siêu, Tào Tháo đã cho mời ông về trị bệnh. Hoa Đà chỉ châm một kim thì bệnh đau đầu của Tào Tháo đã biến mất.
Tào Tháo sợ bệnh đau đầu của mình lại tái phát nên đã muốn Hoa Đà phải ở lại Hứa Xương để chữa bệnh cho mình. Nhưng Hoa Đà bản tính thanh cao, không muốn bị ràng buộc vào công danh lợi lộc, không chỉ phục vụ một người mà còn muốn trị bệnh cho bách tính trăm họ. Vì thế, Hoa Đà liền từ chối, nói rằng muốn trở về quê để tìm thuốc. Nhưng từ khi đi, Hoa Đà không quay trở lại nơi ấy nữa.
Tào Tháo nhiều lần viết thư yêu cầu ông quay trở lại, cũng đồng thời phái quan lại địa phương đến tận nơi thúc ép nhưng Hoa Đà vẫn một mực từ chối, lấy lý do rằng vợ đang bệnh nặng nên không thể trở lại bên Tào Tháo. Tào Tháo vì thế mà giận dữ, phái người đi điều tra. Tào Tháo nói: “Nếu như vợ của Hoa Đà thực sự bị bệnh thì hãy cấp cho họ 400 đấu đậu đỏ và gia hạn thêm thời gian, còn nếu như là giả dối thì bắt về trị tội”.
Không lâu sau, Hoa Đà bị dẫn về Hứa Xương. Hoa Đà lần này chẩn đoán bệnh đã nói: “Bệnh của ngài đã rất nghiêm trọng rồi, châm cứu cũng không thể khỏi được. Tôi nghĩ, cần phải tiến hành phẫu thuật trong não mới mong trị được hết bệnh này”. Tào Tháo vừa nghe những lời này của Hoa Đà thì nổi trận lôi đình, chỉ tay vào Hoa Đà mà quát: “Đầu mổ ra rồi, người còn có thể sống sao?”.
Tào Tháo không tin lời Hoa Đà, cho rằng Hoa Đà muốn âm mưu hại mình nên đã ra lệnh bắt giam Hoa Đà lại chờ xử tử. Trước khi chết, Hoa Đà ở trong ngục đã chỉnh lý lại cuốn sách y học “Thanh nang kinh”, giao cho người cai ngục và nói: “Cuốn sách này truyền lại cho đời sau, có thể cứu được muôn dân trăm họ”. Nhưng người này vì quá sợ hãi nên một mực từ chối, không dám nhận, vậy nên cuốn sách quý ấy đã không thể lưu truyền đến ngày nay.
Có người thỉnh cầu Tào Tháo rằng, Hoa Đà y thuật cao siêu, có thể cứu mạng rất nhiều người, nên tha cho ông ấy. Tào Tháo nói: “Không cần phải lo, trong khắp thiên hạ lẽ nào lại không có bọn chuột nhắt vô năng này hay sao?”. Đến khi Tào Tháo bị bệnh, lại tìm đến Hoa Đà thì Hoa Đà đã chết rồi. Về sau, Tào Xung – đứa con trai yêu dấu của Tào Tháo bệnh tình nguy kịch, Tào Tháo thở dài nói: “Ta thật sự hối hận khi đã giết Hoa Đà, điều này khiến con trai yêu dấu của ta có thể không phải chết mà chết”.
Thần kỹ Hoa Đà có thể nhìn xuyên thấu thân thể người để trị bệnh. Rất nhiều bậc danh y thời cổ đại đều có công năng đặc dị này, chỉ tiếc rằng những tinh hoa y dược của thời ấy lại không được con người ngày nay tiếp nhận và liễu giải, thậm chí còn cười chê cho rằng đó chỉ là hư cấu. Thiết nghĩ, nếu dùng những tư tưởng hiện đại này để hiểu rõ y học cổ đại thì cũng giống như người mù sờ voi, sẽ không bao giờ thấy rõ chân tướng huyền diệu trong đó được.