Viêm mũi dị ứng được coi là một phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại sự xâm nhập của những chất lạ vào hệ hô hấp, nhưng có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng sống nhất là vào mùa lạnh. Tuy nhiên chỉ cần một vài động tác bấm huyệt bạn đã có thể cải thiện tình trạng này hiệu quả.

Theo Đông y, có 6 nguyên nhân bên ngoài (ngoại nhân) gây viêm mũi dị ứng, bao gồm: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Trong đó có 3 nguyên nhân trực tiếp, ảnh hưởng nhất đến viêm mũi dị ứng là phong (gió), hàn (lạnh), thấp (ẩm ướt). Về nội nhân, có 7 trạng thái liên quan, đó là: hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh. Trong đó trạng thái “ưu”, tức ưu sầu, trực tiếp ảnh hưởng đến mũi, đến phế (ưu sầu hại phế).

Viêm mũi dị ứng thường làm bệnh nhân có các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, ngạt mũi, tắc mũi và chảy nước mắt, khứu giác và thính giác giảm làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và công việc. Ngoài uống thuốc, xông mũi, rửa mũi, bấm huyệt cũng là một giải pháp giúp loại bỏ được những phiền phức mà căn bệnh này gây nên.

Vai trò của bấm huyệt với hệ hô hấp

Nếu không được điều trị, bệnh rất có thể gây biến chứng dẫn tới viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản mãn tính…Bởi vậy, xoa bóp bấm huyệt là giải pháp được đề xuất mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Khi bệnh hình thành, sẽ gây phản ứng trong hệ thống thần kinh dẫn tới đau tức ngực, khó thở kéo dài, ngoài ra còn xuất hiện các hiện tượng đau vai, lưng, bụng thậm chí cả hai chân. Tại những vị trí này có chứa các cơ hô hấp, nhưng do tác động của bệnh làm chúng đau căng, lồng ngực sẽ giảm sự đàn hồi tạo khó khăn trong quá trình hô hấp.

Viêm mũi dị ứng thường làm bệnh nhân có các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, ngạt mũi, tắc mũi và chảy nước mắt, khứu giác và thính giác giảm làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và công việc. (Ảnh: khoe.online)

Khi ở trạng thái này, các thao tác bấm huyệt, xoa bóp trị liệu có thể hỗ trợ giúp bệnh nhân lấy lại sự cân bằng của các cơ hô hấp, giúp chúng hoạt động tốt hơn, thúc đẩy dung tích phổi lớn hơn. Ngoài ra, còn có thể hỗ trợ giảm mức độ các cơn đau hiệu quả.

Đặc trưng chính của bệnh nhân mắc bệnh này là dịch mũi nhiều gây khó chịu ở đường thở. Bấm huyệt mặc dù không thể hạn chế tình trạng chảy dịch nhưng chắc chắn có thể hỗ trợ thúc đẩy quá trình loại bỏ dịch nhầy ra ngoài được nhanh chóng và dễ dàng. Nó có thể làm giảm được tình trạng chung của bệnh.

Vị trí và cách bấm huyệt cải thiện viêm mũi dị ứng

Để khắc phục tình trạng viêm mũi dị ứng, bạn có thể xoa bóp, bấm những huyệt sau đây:

Nghinh hương

Nghinh có nghĩa là đón tiếp, Hương có nghĩa là mùi thơm, tác động vào huyệt này có tác dụng tuyên lợi Tỳ khứu (khứu giác ở mũi) nên có tên Nghinh hương. Theo Sách “Châm cứu giáp ất kinh” và “Châm cứu đại thành”, đây là huyệt thuộc về kinh Thủ Dương minh đại tràng, có tác dụng phòng ngừa và điều trị các bệnh như cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang, chảy máu cam, đau răng…

Huyệt có vị trí chính là điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi, rãnh mũi – mồm. Với huyệt đạo này, bệnh nhân dùng hai ngón tay trỏ ấn vào vị trí huyệt trong thời gian khoảng 2 phút sao cho đến khi cảm thấy tê tức là được.

Ấn đường

Ấn tức là dấu đóng; Đường là nơi rực rỡ. Ngày xưa, người ta thường dùng son (mực đỏ) đóng dấu vào giữa 2 chân mày, vì vậy gọi là Ấn Đường (Trung y cương mục). Huyệt có vị trí nằm ở điểm giữa đường nối đầu trong hai chân mày. Huyệt đạo này có vai trò chính là làm thông lợi mũi và mắt, an định tâm thần. Vì vậy trong quá trình bấm huyệt này, bệnh nhân nên dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day – bấm vào huyệt trong 2 phút với một lực vừa phải sao cho đến khi đạt cảm giác căng tức là được.

Huyệt Nghinh Hương có tác dụng thông khiếu, thanh khí hỏa, tán phong nhiệt. Chủ trị các bệnh về mũi, mặt ngứa, mặt phù, liệt mặt (liệt dây thần kinh VII), giun chui ống mật (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Đại chùy

Đại chùy là huyệt thứ 14 của Đốc mạch. Tên gọi: Đại (có nghĩa là to, cao, lớn); Chùy (có nghĩa là ụ xương nổi nhô lên, ở đây chỉ đốt sống cổ thứ 7). Huyệt nằm ở dưới chỗ lồi lớn lên của ụ xương cổ thứ 7, nên được gọi là Đại chùy.

Để xác định vị trí huyệt, có thể ngồi hơi cúi đầu sau đó quay đầu qua lại trái phải, rồi sờ tay ra phía sau gáy, sờ xem u xương nào cao nhất động đậy nhiều dưới ngón tay thì đó là đốt cổ thứ 7 và huyệt nằm dưới ụ xương này. Để day bấm huyệt này, bệnh nhân viêm mũi dị ứng dùng ngón tay trỏ ấn và day cho đến khi nào vị trí này nóng lên là được.

Thiếu thương

Thiếu thương là huyệt thứ 11 của kinh Phế, nằm ở bờ ngoài móng tay cái, trên đường ngang qua gốc móng tay, cách chừng 0,1 thốn. Huyệt có tác dụng xơ tiết hỏa xung nghịch của 12 kinh khí, thanh Phế nghịch, thông kinh khí, thông lợi vùng họng. Chủ trị sốt, viêm amidan, trúng gió, hôn mê, động kinh, khó thở.Vì vậy, khi bấm huyệt này mọi người chỉ cần dùng ngón tay cái còn lại day day vào khoảng 2 – 3 phút là được.

Bấm huyệt chữa viêm mũi dị ứng là một giải pháp an toàn, không gây nguy hiểm đến sức khỏe những người bị bệnh. Tuy nhiên, để phương pháp này phát huy được hiệu quả, bệnh nhân viêm mũi dị ứng cần kiên trì thực hiện trong cả một quá trình dài và kết hợp với một chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

Kiên Định t/h