Những ngày gần đây, liên tục xảy ra các vụ sét đánh gây chết người ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Để cấp cứu người bị sét đánh, việc hô hấp nhân tạo kết hợp xoa bóp tim ngoài lồng ngực vô cùng quan trọng, đặt biệt khoảng 7 phút đầu tiên.
Thời tiết thay đổi thất thường, những cơn mưa giông, lốc xoáy kèm sấm sét thường xuyên xảy ra, các chuyên gia cảnh báo, mọi người phải hết sức cẩn thận, tránh di chuyển và trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình.
Trước đó, ngày 21/5, 4 người ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An bị sét đánh khi đang ngồi trong nhà lúc trời mưa giông, theo Tuổi Trẻ.
Chiều 11/5, trong lúc cho trâu ăn và cắt cỏ ngoài đồng, chị Bùi Thị Hòa (31 tuổi, Nghệ An) bị sét đánh tử vong.
Vậy khi có người bị sét đánh trúng sơ cứu thế nào?
Sét là luồng điện cực mạnh, vì vậy ngoài các vết thương bỏng, cháy da, hệ thần kinh của người bị sét đánh còn có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Vì vậy, việc sơ cứu người bị sét đánh là vô cùng cần thiết và khẩn cấp.
Khi có người bị sét đánh trúng, đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng.
Đối với trường hợp nạn nhân còn tỉnh táo
Đầu tiên, hãy kiểm tra các vị trí quan trọng như đầu, cột sống cổ, sống lưng. Xem xét mức độ bỏng, sau đó thực hiện vệ sinh, băng bó vết thương cho nạn nhân rồi nhanh chóng đưa đi cấp cứu.
Trường hợp nạn nhân hôn mê
Đối với nạn nhân bị hôn mê do sét đánh, người cấp cứu cần kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách áp má vào mũi nạn nhân, lồng ngực hoặc dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ nạn nhân.
Nếu bệnh nhân ngừng hô hấp, ngay lập tức tiến hành hồi sức tim phổi bằng cách:
– Đặt nạn nhân nằm ngửa rồi tiến hành hồi sức hô hấp nhân tạo: Một tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra, ngậm chặt miệng nạn nhân rồi thổi liên tục hai hơi đối với người lớn, một hơi với trẻ em dưới 8 tuổi, sau đó để lồng ngực tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp.
Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 lần. Trẻ dưới 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 – 30 lần.
Cách xoa bóp tim ngoài lồng ngực: Khi nạn nhân bị ngưng tim (áp tai vào lồng ngực không nghe tim đập và sờ mạch không thấy mạch đập), ngay lập tức phải tiến hành cấp cứu nạn nhân tại chỗ bằng cách bóp tim ngoài lồng ngực.
Để nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, người tiến hành ép tim quỳ gối bên trái nạn nhân. Hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với điểm giữa hai núm vú hoặc khoang liên sườn 4-5 bên ngực trái, từ từ ấn sâu xuống khoảng 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đónới lỏng tay ra.
Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi phút ép tim hơn 100 lần. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần/phút.
Khi nạn nhân vừa ngưng tim vừa ngưng thở: Phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt hai lần, với trẻ sơ sinh là ba lần ép tim thổi ngạt một lần.
– Cần kiểm tra các dấu hiệu gãy xương và cố định chắc chắn trước khi di chuyển nạn nhân. Lưu ý, không được di dời nạn nhân bị gãy cột sống khi chưa được phép của đội ngũ y tế chuyên môn. Những vị trí bỏng cần để khô tự nhiên và đưa đến nhân viên y tế. Không được sờ mó hoặc bôi các loại thuốc mỡ, lá theo kinh nghiệm dân gian để hạn chế nhiễm trùng. Tránh để các vật cứng cọ xát vào vết thương để khỏi phù nề.
– Việc sơ cứu phải tiến hành ngay lập tức mới hy vọng cứu sống được nạn nhân. Không được chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế mà chưa sơ cứu.
Cách đề phòng sét đánh
– Khi có mưa bão phải ở trong nhà (hoặc phải ở trong ô tô đóng kín cửa), tránh xa cửa đi và cửa sổ, tránh ngồi cạnh lò sưởi và các thiết bị bằng kim loại.
– Ở ngoài trời mà không tìm được chỗ trú ẩn phải tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, không đứng ở các vùng đất trống trải. Trong trường hợp đang ở vùng đất trống trải nên cúi người sát mặt đất với tay chân cuộn gối.
– Không được bơi lội trong khi trời mưa bão
– Vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người.
– Không che dù (ô).
Lan Phương