Theo kết quả của một nghiên cứu tại Úc, cách tự dằn vặt bản thân sau thất bại của những người cầu toàn có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực này có thể khắc phục nếu áp dụng phương pháp dưới đây.

Thế nào là người quá cầu toàn?

Claude Monet là họa sĩ nổi tiếng người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái ấn tượng. Ông cũng là người theo chủ nghĩa hoàn hảo với câu nói: “Cuộc đời tôi không có gì ngoài thất bại”. Monet từng thẳng tay tự hủy hoại nhiều tranh vẽ trong cơn tức giận, bao gồm 15 bức tranh cho một buổi triển lãm.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2016 trên tạp chí Tâm lý học lâm sàng Hoa Kỳ, người cầu toàn, tuân theo chủ nghĩa hoàn hảo sẽ luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho bản thân, thậm chí là phi thực tế. Và nếu không đạt được chỉ tiêu ngoài tầm với đó, họ cảm thấy vô cùng xấu hổ, có lỗi với bản thân. Tâm lý này lại dẫn người cầu toàn đến việc cố né tránh sai sót hết mức có thể, không “đâm đầu” vào những trường hợp nhiều rủi ro. “Khi người cầu toàn gặp thất bại, họ không chỉ thất vọng về những gì họ đã làm mà còn thất vọng về bản thân mình” – Amanda Ruggeri từ trang BBC Future cho biết.

Người quá cầu toàn luôn theo chủ nghĩa hoàn hảo. Họ luôn nỗ lực để đạt đến sự hoàn mỹ và đòi hỏi bản thân cũng như những người khác phải như vậy. Họ cũng rất hà khắc và thường có phản ứng tiêu cực đối với lỗi lầm nên hay tự trách bản thân rất nhiều. Nhóm người này cũng thường hoài nghi về năng lực của bản thân và mọi người.

Người cầu toàn dễ mất đi sự sáng tạo trong công việc. (Ảnh: new.ebc.net.tw)

Tại sao quá cầu toàn dễ trầm cảm?

Một nghiên cứu do Giáo sư, nhà tâm lý học lâm sàng Simon Sherry và cộng sự thực hiện có sự tham gia của 25.000 người Anh, Mỹ và Canada ở độ tuổi thừ 15 – 49 cho thấy: Kể từ năm 1990 tới nay, số người trẻ quá cầu toàn đã tăng lên rất đáng kể. Để hiểu hơn về những người quá cầu toàn, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Dalhousie đã thực hiện phân tích từ 77 nghiên cứu.

Các nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu đặc điểm của những người này cũng như cách khắc phục ảnh hưởng của sự cầu toàn tới cuộc sống của họ. Kết quả cho thấy giới trẻ ngày nay có xu hướng theo chủ nghĩa hoàn hảo nhiều hơn so với thế hệ trước. Nhóm người này thường không cho phép bản thân thể hiện con người thật của mình vì lo lắng họ có thể trông không ổn hoặc không toàn diện. Họ thường cố “hoàn hảo” trước mặt mọi người nhưng lại có một cuộc sống cá nhân không hề dễ dàng bên trong. Họ thường sợ mắc sai lầm nên khó có thể cảm thấy thư giãn hoặc không đủ can đảm để sáng tạo và bắt đầu những điều mới mẻ.

Việc theo đuổi cầu toàn thái quá là vấn đề rất đáng lo ngại bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và thể chất. Ban đầu có thể làm xuất hiện cảm giác lo âu, căng thẳng, trầm cảm hay rối loạn trong ăn uống. Trong tình huống tiêu cực nhất, thậm chí có thể dẫn đến tự tử. Đáng chú ý hơn, phân tích cho thấy những ai càng cầu toàn, không chịu đối diện với thất bại thì vết thương tâm lý càng khó chữa lành.

Từ bi với bản thân là liều thuốc trị lành hữu hiệu

Cầu toàn là một tính cách đặc trưng được thể hiện bởi sự đánh giá bản thân quá cao, thường xuyên tự phê bình và luôn bị chi phối bởi những đánh giá của người khác. Mặc dù không có gì sai khi thiết lập hoặc theo đuổi các tiêu chuẩn cao, nhưng điều quan trọng là nó sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cho bản thân bạn. Chúng có thể là các triệu chứng như mệt mỏi mãn tính, tự hủy hoại bản thân, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm.

Mối liên hệ giữa chủ nghĩa hoàn hảo và bệnh trầm cảm là tâm điểm của một nghiên cứu gần đây của Đại học Catholic ở Úc. Nghiên cứu được công bố vào tháng hai trên tạp chí PLOS One cho thấy rằng, lòng từ bi với bản thân là một công cụ để thúc đẩy sự chữa lành về mặt tâm lý cho những người cầu toàn để trở nên hạnh phúc và khắc phục được các vấn đề về sức khỏe.

Từ bi yêu thương bản thân mình là phương pháp tốt nhất loại bỏ trầm cảm. (Ảnh: sohu.com)

Tiến sĩ Madeleine Ferrari, tác giả chính của nghiên cứu và là một giảng viên về tâm lý học lâm sàng tại trường đại học đã theo dõi 500 người trẻ và 500 người trưởng thành ở Úc. Bà phát hiện ra rằng lòng từ bi với bản thân đã làm giảm tần số suy nghĩ của người cầu toàn hoặc thậm chí là thay đổi hoàn toàn nhận thức của họ.

Ferrari cho biết: “Lòng từ bi với bản thân có thể kiểm soát sự tin tưởng của người cầu toàn giúp họ tránh rơi vào tình trạng bị trầm cảm. Ngày nay, người lớn và vị thành niên đều phải chịu áp lực rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn cao đặc biệt trong cuộc sống cá nhân như ở trường học và nơi làm việc. Khi họ trở nên quá chú trọng tới những sai lầm, thất vọng, chán nản và khó chịu với chính bản thân mình vì không đáp ứng đúng theo kỳ vọng thì sẽ gia tăng rủi ro mắc bệnh trầm cảm”.

Theo Jackie Chan, một chuyên gia tâm lý tại Trung tâm tư vấn tâm lý Hồng Kông, người cầu toàn thái quá là thái độ, niềm tin sẽ không xảy ra bất cứ sai sót gì trong việc thực hiện của một người nào đó. Ông Chan chia sẻ: “Trầm cảm ảnh hưởng đến cách nghĩ và hành xử. Nó liên quan đến một loạt các triệu chứng như mất hứng thú trong sở thích, cảm giác vô dụng, kém tập trung, không có khả năng đưa ra quyết định, tự cô lập và dễ bị kích động”.

Ông cho biết thêm, có các cách giải quyết vấn đề khác nhau giữa những người có lòng vị tha với bản thân và những người hay lên án bản thân. Ví dụ, người có lòng bao dung với bản thân sẽ hiểu rằng khó khăn là một phần của cuộc sống. Vì vậy sẽ đối mặt với tâm thái bình thản, chứ không coi thường hay bị cuốn theo những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.

Thay vì né tránh lỗi lầm, bạn hãy xem đó là cơ hội để học tập và tích lũy kinh nghiệm. Thay vì tự trách mình thì hãy tự thương thân và suy nghĩ một cách khách quan nhất.

Nếu bị mắc trầm cảm, thì lòng từ bi có thể giúp bạn trong quá trình điều trị. Ngoài ra, các kỹ năng đối phó hiệu quả và sự hỗ trợ của xã hội cũng quan trọng trong việc chữa bệnh.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: hellobacsi

Xem thêm: