Tai nạn rắn cắn thường xảy ra bất ngờ, khiến nạn nhân và những người trong gia đình lúng túng, chậm trễ nhiều khi không cứu nổi. Sau khi cắn người, nó thường chạy mất, nên nạn nhân không nhận diện dược đó là rắn lành hay rắn độc, nhất là trong đêm tối. Khi đó nên sơ cứu như thế nào để giảm tỷ lệ tử vong?

Không may bị rắn cắn ở những khu vực lạc hậu hoặc cách xa cơ sở y tế trước tiên nạn nhân phải thật bình tĩnh, tìm cách phân biệt thế nào là rắn độc và có thể tham khảo các bài thuốc dân gian dưới đây để cấp cứu tạm thời.

Cách xử trí:

Bước 1: Nhanh chóng buộc garô (nơi nào có thể garô được) ở phía trên vết rắn cắn 3 – 5cm. Có thể dùng dây thun, dây chuối, dây quai nón…Chú ý phải dùng dây bản to để giảm tổn thương nơi garô và không thắt quá chặt, không để garô lâu quá 30′.

Bước 2: Rửa sạch vết rắn cắn bằng thuốc tím 1‰, cồn iôt 2%…

Bước 3: Rạch nhẹ da ở vết rắn cắn, rạch rộng theo hình chữ thập, chú ý độ sâu qua da chảy máu là được. Trước khi thao tác phải sát trùng để tránh nhiễm trùng. 

Bước 4: Nặn hết máu độc tại vết cắn đến khi thấy máu đỏ tươi chảy ra.

Cách phân biệt rắn độc và không độc?

Theo bác sĩ Trần Văn Hoàng, phó giám đốc trại rắn Đồng Tâm tại Tiền Giang, muốn phân biệt có phải rắn độc hay không dựa vào các biểu hiện sau đây để phán đoán con rắn đó có độc hay không.

Phân biệt rắn độc và không độc qua dấu răng, phù nề, màu sắc vùng da bị cắn (Ảnh: linkhay.com)

Thấy người cố gắng bò đi thật nhanh ====> 90% đây là rắn không độc.
Rắn thu người lại thủ thế phình mang ====> Chắc chắn là rắn độc

Rắn độc có hai cái răng nanh to ở hàm trên, cái này chính là kim tiêm thuốc độc – hay còn gọi là móc độc. Rắn không độc thì không có. Vì thế, khi bạn bị rắn cắn thì chỉ cần xem vết răng có thể phán đoán được.

Phương pháp trị liệu khi bị rắn cắn hiện đại thường là cấp cứu tại chỗ tạm thời và đưa tới các cơ sở y tế tiêm huyết thanh trị nọc rắn. Tuy nhiên thời xưa, khi không có huyết thanh, người xưa đã dùng một số những bài thuốc dân gian sau để cấp cứu và chữa trị.

Trứng gà

Sau khi nặn hoặc hút hết nọc độc ở vết cắn có thể dùng bài thuốc từ trứng gà sống như sau: Đục lỗ quả trứng gà, đặt lỗ thủng vào vết thương và ấn chặt; khi trứng biến thành màu đen thì thay quả khác, liên tục cho đến khi hết sưng tấy, trứng không đen thì thôi.

Đục lỗ quả trứng gà, đặt lỗ thủng vào vết thương và ấn chặt để trị rắn cắn (Ản: Monngon.tv)

Phèn chua

Theo cuốn Tập nghiệm bối thư phương của tác giả Lý Tấn đời Tống, khi bị rắn cắn có thể lấy phèn chua đun tới khi tan chảy thì bắc ra để nguội và nhỏ vào vết thương sẽ lập tức giảm đau và thải bỏ độc khí ra ngoài. 

Lấy 20g lá Kim vàng đã được giã nhỏ cùng 5g phèn chua và lọc lấy nước uống để trị rắn cắn

Ngoài ra, để chữa vết rắn cắn bạn cũng có thể sử dụng cây Kim vàng và phèn chua. Sau khi nặn hết máu độc ra, lấy 20g lá Kim vàng đã được giã nhỏ cùng 5g phèn chua và lọc lấy nước cho nạn nhân uống. Cứ 15 đến 30 phút thì cho bệnh nhân uống 1 lần, thực hiện liên tục trong vòng 2 ngày tình trạng sẽ dần ổn định.

Đu đủ non

Dùng dao đâm vào trái đu đủ non cho mủ ra thì lấy bông thấm mủ sau đó đắp lên vị trí bị rắn cắn. (Ảnh: pwnthecode.org)

Theo Đông y, dùng đu đủ non để sơ cứu tại chỗ có thể tăng khả năng giữ tính mạng cho nạn nhân. Sau khi nặn hết máu độc, dùng dao đâm vào trái đu đủ non cho mủ ra thì lấy bông thấm mủ sau đó đắp lên vị trí bị rắn cắn. Để không mất thời gian có thể dùng một chiếc garo để cố định những miếng bông trên vết cắn.

Sau đó lấy đu đủ bổ nhỏ rồi giã nát cả vỏ lẫn hạt. Lấy thêm một chén nước, cho đu đủ vào khuấy đều lên và cho người bị rắn cắn uống cứ 15 phút một lần, mỗi lần 3 muỗng canh cho tới khi muốn đi đại tiện.

Bạch chỉ

Ảnh: bolster.nl

Cây bạch chỉ thường được trồng ở vùng núi cao, thời tiết lạnh như Sapa, Tam Đảo. Cây cao tầm hơn 1 mét, là loại cây sống lâu năm, rễ cây thường được thu hái, phơi khô để làm thuốc. Theo Đông y, bạch chỉ có vị cay, tính ấm, có tác dụng tán phong thấp, giải cảm cho ra mồ hôi, chữa nhức đầu, đau buốt xương khớp, mụn nhọt chảy mủ….

Theo sách Trung dược lâm sàng do Dương Hữu Nam biên dịch, bài thuốc trị rắn cắn từ Bạch chỉ gồm: Bạch chỉ, Hùng hoàng, Nhũ hương, lượng bằng nhau, uống với rượu ấm (Bạch Chỉ Hộ Tâm Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Hoặc có thể dùng: Bạch chỉ, Bối mẫu, Liên kiều, Qua lâu, Tử hoa địa đinh, mỗi thứ 12g, Bồ công anh, Kim ngân hoa mỗi thứ 16g, Cam thảo 4g, sắc uống.

Bòn bọt

Bòn bọt còn gọi là cây bọt ếch, chè bọt, cây sóc… Khi bị rắn cắn có thể lấy lá bòn bọt tươi giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết thương. Nếu bị dị ứng sơn cũng có thể lấy cả cành lá sắc lấy nước để rửa. Ngoài ra, bòn bọt còn được dùng để chữa tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, phù thũng…

Khi bị rắn cắn có thể lấy lá bòn bọt tươi giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết thương. (Ảnh: ydvn.net)

Sắn dây

Còn gọi là cát căn, lá, hoa, rễ củ và bột sắn dây thường được dùng để giải độc bằng cách: lấy củ sắn dây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống hoặc củ khô (cát căn) sắc lấy nước uống. Hoặc dùng bột sắn dây hòa với nước rồi pha thêm đường uống. Hay lá sắn dây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống để chữa rắn độc cắn, bã đắp lên trên vị trí tổn thương.

Dùng sắn dây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống để chữa rắn độc cắn, bã đắp lên trên vị trí tổn thương. (Ảnh: Airehon.Site)

Đến đây, chúng ta đã tìm hiểu cách nhận biết rắn độc và rắn không độc để chúng ta có thể tự mình sơ cứu những bước cơ bản nhất để ngăn ngừa lây lan độc tính. Sau khi sơ cứu xong, chúng ta nên đi đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời và giảm tỷ lệ tử vong.

Kiên Định