Tính đến tối ngày 25.2, Hàn Quốc đã có gần 1000 ca nhiễm, trở thành nơi có số người mắc lớn thứ 2 sau Trung Quốc, Tổng thống thừa nhận thất bại trong kiềm hãm dịch cúm Covid-19. Nguyên nhân phần lớn đến từ ca ‘siêu lây nhiễm’ thứ 31. Là người dân thường, chúng ta nên rút ra được bài học gì?

1. Không chú ý nguồn khởi phát dịch bệnh

Bệnh nhân siêu lây nhiễm được xác định nhiễm bệnh vào ngày 18.2, bà không hề ra nước ngoài, trước đó, bà có đến nhà tắm công cộng và gặp người Trung Quốc nhưng không hề nói chuyện với họ. Sau đó bà đi một số nơi tham dự lễ và tiệc tùng.

Khi phóng viên JoongAng Ilbo hỏi ý kiến về lý do nhiễm bệnh của mình, người phụ nữ này trả lời: “Gần đây có một nhóm du khách Trung Quốc đã đến Dongseong-ro, Daegu. Tôi đã đến nhà tắm công cộng ở đó nhưng không tắm cùng họ”.

Như vậy ca siêu lây nhiễm này chưa từng ra nước ngoài, thời điểm trước khi có dịch bệnh xảy ra. Hàn Quốc là một trong các quốc gia đầu tiên giảm các chuyến bay đến từ Trung Quốc, và kiểm tra thân nhiệt gắt gao ở sân bay. Thời điểm trước ngày 18.2 số ca nhiễm ở Hàn Quốc chỉ dao động khoảng 30 ca và tăng chậm. 

Lẽ ra khi thấy người đến từ vùng dịch, bà nên cẩn thận tránh xa thì lại vô tư tiếp tục ở nhà tắm nên không may nhiễm bệnh. Đó là nếu virus được lây từ những vị khách đó, còn nếu không phải thì càng nguy hiểm hơn, bà đã bị lây từ những nguồn bất kỳ trong cuộc sống hàng ngày mà không thể kiểm soát được yếu tố lây lan đó.

2. Ai cũng có thể là người lây bệnh

Tạm lấy mốc 18.2 là ngày tạo ra dịch bùng phát, thì ở Hàn Quốc chỉ có đối tượng người Trung Quốc được xem là đối tượng có thể mang bệnh dù cho họ có triệu chứng hay không. Tuy nhiên điều không thể ngờ là một người bệnh nhân số 31 chưa từng ra nước ngoài lại có thể nhiễm bệnh mà không có triệu chứng gì, từ đó gieo rắc dịch bệnh đi khắp nơi.

Hiện nay số ca nhiễm khắp nơi trên thế giới đã gia tăng một cách nhanh chóng, vậy nên không chỉ là người ở Trung Quốc, mà ở các quốc gia khác, thậm chí là người trong nước cũng có thể là nguồn lây bệnh. 

3. Không mang khẩu trang ở nơi công cộng rất nguy hiểm

Ca siêu lây nhiễm này đã đến phòng tắm công cộng nhưng do đặc thù nhà tắm xông hơi kín, bà cũng không thể mang khẩu trang đã khiến môi trường nhà tắm trở thành ổ lây nhiễm vi khuẩn cực mạnh. Sau khi bị nhiễm bệnh, bà đã đến nhà thờ là nơi tập trung hơn 1000 người để cầu nguyện. Không chỉ bà mà những người khác đến nhà thờ cũng không đeo khẩu trang, từ sơ hở số 1, đã dẫn đến hệ quả sơ hở số 2,3 dẫn tới dịch bùng phát.

4. Tập trung đông người không an toàn

Người phụ nữ này đã từng đến nơi đông người nhiều lần,  không chỉ bà mà còn có các tín hữu, người dân tham gia tiệc tùng. Tại đây khoảng cách giữa 2 người là rất gần, và do đặc tính tiệc tùng và cầu nguyện, đã không ai đeo khẩu trang. Vậy nên việc tập trung đông người hiện tại cần thiết giảm tối đa, để phòng tránh dịch bệnh lây lan từ những nguồn không thể kiểm soát do bây giờ ai cũng có thể là người lây bệnh.

Kết luận

Đại dịch đang trên đà bùng phát, Thời báo Đại Kỷ Nguyên kính mong Việt Nam ta sẽ an toàn bước qua cơn nạn này một cách an toàn, quý vị độc giả xin nhớ: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, tránh tiếp xúc với người đến từ vùng đang có dịch.

Ai cũng có thể là người lành mang bệnh, hãy đeo khẩu trang khi ra đường và vệ sinh tay cẩn thận, tránh các cuộc gặp gỡ, tụ tập đông người nếu không cần thiết.