Động mạch bị xơ cứng là tình trạng các mảng xơ vữa xuất hiện trong mạch máu não làm giảm hoặc ngừng hoàn toàn lượng máu cung cấp đến các cơ quan trong cơ thể như tim, não, ruột…

Xơ vữa động mạch có biểu hiện là thành mạch máu trở nên “xơ cứng” bởi các sang thương được gọi là mảng xơ vữa phát triển trong thành mạch. Vào giai đoạn muộn, mảng xơ vữa có thể gây hẹp lòng mạch và làm hạn chế lưu lượng máu trong đó. Nó cũng có thể vỡ ra và trôi theo dòng máu làm tổn thương các mô và cơ quan bên dưới.

Các mảng xơ vữa được hình thành và phát triển dọc theo màng của động mạch, xuất phát từ sự lắng đọng chất béo, cholesterol trọng lượng phân tử thấp LDL, canxi và nhiều chất khác trong máu. Theo thời gian, các mảng bám dày lên, cứng lại và làm hẹp các động mạch. Đôi khi chúng nứt vỡ gây xuất huyết mạch máu và hình thành nên các cục máu đông (huyết khối), kết quả là làm tắc hoàn toàn động mạch cung cấp máu, oxy cho các cơ quan và gây nên những hậu quả nghiêm trọng như cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… thậm chí là tử vong. Vậy triệu chứng và nguyên nhân các mạch máu lại bị xơ vữa và hình thành huyết khối là gì?

Triệu chứng xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch thường không xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì cho tới khi các cơ quan bị thiếu hụt máu đến nuôi dưỡng. Lúc này, tùy thuộc vào từng tạng phủ bị ảnh hưởng mà xuất hiện các triệu chứng khác nhau:

– Xơ vữa động mạch vành: Bệnh xảy ra khi các mảng xơ vữa tích tụ trong hệ thống động mạch vành lớn và động mạch vành nhỏ (bệnh vi mạch vành), làm giảm lưu lượng máu cung cấp cho cơ tim. Các triệu chứng bao gồm đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh… Nếu mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn sẽ dẫn tới cơn nhồi máu cơ tim cấp đe dọa tính mạng người bệnh.

– Xơ vữa mạch máu não: Một cục máu đông có thể hình thành bên trong động mạch não đã bị thu hẹp do mảng xơ vữa. Nó có thể gây chóng mặt, yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể, rối loạn thị giác (nhìn mờ, mất thị lực đột ngột…), rối loạn vận động (khó khăn trong phối hợp động tác của tay, chân, đi lại khó khăn…), nói ngọng. Các triệu chứng này thường biến mất trong vòng một giờ và được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Tuy nhiên, khi cục huyết khối làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch não sẽ gây ra đột quỵ, tỷ lệ chiếm tới 75% số ca đột quỵ ở các nước phát triển.

Các mảng xơ vữa được hình thành và phát triển dọc theo màng của động mạch, xuất phát từ sự lắng đọng chất béo, cholesterol trọng lượng phân tử thấp LDL, canxi và nhiều chất khác trong máu. (Ảnh: xuehua.us)

– Xơ vữa động mạch ở bụng và ruột: Khi xơ vữa làm hẹp động mạch ruột, người bệnh cảm thấy đau quặn ở giữa bụng đến mức ngất xỉu, kèm theo nôn mửa, phân có máu và bụng chướng. Các triệu chứng thường kéo dài 15 – 30 phút sau bữa ăn. Nếu các động mạch ruột đột ngột bị tắc nghẽn (nhồi máu ruột) sẽ gây ra các cơn đau bụng dữ dội.

– Xơ vữa động mạch chi: Xơ vữa làm thu hẹp các động mạch chính cung cấp máu tới chân, đặc biệt là động mạch đùi và kheo, gây chuột rút, đau ở cơ bắp chân, đau khi đang vận động với tính chất “cách quãng”, bàn và ngón chân lạnh, da nhợt nhạt, xanh xao, tím tái, thậm chí là hoại tử nếu tắc mạch chi hoàn toàn.

– Bệnh thận mãn tính: Các mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch thận làm giảm lượng máu và oxy đến thận. Người bệnh có thể xuất hiện những cơn đau quặn thận, ảnh hưởng đến chức năng của thận, lâu dần có thể dẫn tới bệnh thận mãn tính. Lúc này cơ thể thường cảm thấy mệt mỏi, ngứa ngáy, khó chịu, sưng ở tay hoặc chân…

Những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xơ vữa động mạch

1. Viêm: Làm tổn thương nội mô mạch máu

Chứng viêm gây ảnh hưởng đến toàn thân bao gồm cả các mạch máu. Nó có thể trực tiếp lây nhiễm tới tế bào thành mạch và làm tổn thương nội mạc các mạch máu, giảm khả năng miễn dịch và làm cholesterol xấu hữu cơ nhân cơ hội tấn công. Lúc này, các tế bào thực bào kết hợp với cholesterol xấu tạo thành “tế bào bọt”, từ đó thu hút một số tế bào viêm và đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh.

2. Thiếu oxy: Gây viêm nhiễm mạch máu

Cơ thể thiếu oxy sẽ làm tăng các gốc tự do trong máu và trực tiếp kích thích phản ứng viêm trong thành mạch máu. Đồng thời thay đổi trong chuyển hóa gan dẫn đến khoảng cách giữa các tế bào mạch máu rộng hơn làm lipid máu sẽ thông qua kẽ hở này thấm vào mặt dưới phía trong thành mạch máu. Theo thời gian, các tinh thể cholesterol cũng lắng đọng tích tụ bên trong thành mạch và hình thành xơ vữa động mạch.

3. Hút thuốc: Gây tổn hại gấp đôi

Hút thuốc lá nhiều có thể gây tổn thương cho các tế bào nội mô trong thành mạch và giảm nồng độ oxy trong máu, từ đó chặn các cholesterol và gây ra sự tích tụ tiểu cầu để hình thành các mảng mỡ. Nó cũng gây ra sự tăng sinh của các tế bào cơ trơn trong thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch.

Hút nhiều thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch động mạch (Ảnh:blogyeutre.com)

4. Huyết áp cao: Thúc đẩy tích lũy lipid máu

Khi huyết áp tăng, tác động của lưu lượng máu lên thành mạch cũng sẽ tăng lên từ đó có thể gây ra sự lắng đọng cholesterol. Ngoài ra, còn làm dày và hình thành xơ vữa gây hẹp động mạch. Để máu có thể lưu thông thuận lợi, huyết áp sẽ tăng và từ đó sinh ra một vòng tuần hoàn ác tính.

5. Đường trong máu cao: Tăng lipid máu tự do

Nếu lượng đường trong máu quá cao, lipoprotein sẽ bị biến tính, axit béo tự do trong cơ thể sẽ tăng lên chuyển thành cholesterol xấu tích tụ trong thành mạch. Từ đó làm áp lực thẩm thấu của máu tăng lên, và mạch máu sẽ ở trạng thái tăng trương lực gây tổn thương trong thành mạch.

6. Axit uric cao: Thúc đẩy hình thành mảng bám

Tình trạng axit uric trong máu cao trong thời gian dài sẽ thúc đẩy sự hình thành mảng bám dẫn tới lipid máu và đường huyết tăng, từ đó ảnh hưởng đến môi trường mạch máu. Đây là một nhân tố quan trọng dẫn tới đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

7. Lipid máu cao: Gây tổn thương theo chu kỳ

Tăng lipid máu không chỉ làm cho lipit trong máu lắng đọng dưới nội mạc mạch máu, mà còn kích thích sinh ra viêm và gây tổn thương nội mạc máu. Tăng triglyceride máu và tăng cholesterol máu được gọi chung là tăng lipid máu, cũng đồng thời thúc đẩy gây ra các bệnh về tim mạch.

Sự xuất hiện của huyết khối trong xơ vữa động mạch rất nghiêm trọng đối với cơ thể, vì vậy trong cuộc sống thông thường, chúng ta phải chú ý phòng ngừa.

Món ăn, bài thuốc dân gian trị liệu động mạch vành

1. Bài thuốc hoạt huyết, thông mạch, dưỡng tâm, an thần

Xuyên khung 10g, Ích mẫu 12g, Phục thần 10g, Lạc tiên 16g, Long nhãn 12g, Đại táo 10g, Đinh lăng 16g, Hoàng kỳ 12g, Tang diệp 20g, Đương quy 12g, Thục địa 12g, Bạch thược 14g, Hà thủ ô 16g, Cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.

2. Hoạt huyết thông mạch, chống co thắt

Cát căn 15g, Tâm sen 10g, Hắc táo nhân 16g, Tang diệp 20g, Bồ công anh 20g, Hà thủ ô 15g, Đại hoàng 4g, Đương quy 15g, Thục địa 12g, Ngũ gia bì 15g, Ích mẫu 15g, Cam thảo 10g, Hồng hoa 10g, Tô mộc 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.

3. Hoạt huyết dưỡng tâm, chống co thắt mạch vành

Xuyên khung 10g, Đương quy 16g, Đinh lăng 20g, Bạch thược 12g, Thục địa 12g, Liên nhục 16g, Tâm sen 10g, Lạc tiên 20g, Cát căn 20g, Trúc diệp 16g, Tô mộc 20g, Cam thảo 10g, Huyết đằng 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.

Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch