Dịch sốt xuất huyết Dengue đang bùng phát mạnh mẽ ở cả nước. Người bị bệnh đa phần là lành tính, tuy nhiên có một tỷ lệ nhỏ tử vong do sốc, suy đa tạng. Do vậy mỗi cá nhân cần trang bị một số kiến thức phòng chống bệnh căn bản nhất để giảm tối đa tác hại của dịch bệnh.

5 điều quan trọng cần biết về sốt xuất huyết Dengue để phòng biến chứng nguy hiểm:

1. Không dùng kháng sinh

Khởi phát người bệnh có triệu chứng sốt cao, sốt liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết (đỏ da), và triệu chứng của sốt virus như đau cơ, đau khớp, đau hai hốc mắt. Nếu có triệu chứng như trên kết hợp với người xung quanh bị sốt xuất huyết Dengue, thì khả năng bạn bị sốt Dengue là rất cao.

Xuất huyết là triệu chứng điển hình của bệnh

Do nguyên nhân gây bệnh là virus Dengue chứ không phải vi khuẩn nên thông thường người bệnh không cần dùng kháng sinh.

Bệnh sốt Dengue thường là lành tính, trừ một số trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù dịch (thường bằng oresol, nặng thì cần  truyền dịch) và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cảnh báo.

2. Sốt xuất huyết Dengue lây qua đường trung gian muỗi đốt

Nhiều người lầm tưởng rằng bệnh lây qua tiếp xúc giữa người với người. Trên thực tế sốt Dengue lây truyền qua đường muỗi đốt, tương tự như bệnh sốt rét. Muỗi vằn sau khi đốt người bệnh sẽ có thể lây cho người lành qua vết đốt rồi vào máu.

Chính vì vậy, biện pháp phòng sốt Dengue tốt nhất là hạn chế bị muỗi đốt bằng cách mắc màn, mặc quần áo dài tay, dùng hương đuổi muỗi, vệ sinh những nơi ao tù, nước đọng lâu ngày.

3. Dùng thuốc hạ sốt sai có thể gây chảy máu trầm trọng

Người bị sốt Dengue những ngày đầu có triệu chứng sốt có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường nhưng cần phải tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ, trong đó có hai loại aspirin và ibuprofen chống chỉ định trong trường hợp này.

Ngoài tác dụng hạ sốt giảm đau, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu. Nên nếu dùng trong trường hợp này cái được chả bỏ cho cái mất.

Do vậy nếu cần dùng thuốc hạ sốt, bạn nên dùng paracetamol để hạ sốt, giảm đau khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt Dengue. Bạn cũng cần lưu ý không dùng quá 60mg/kg paracetamol trong 24h để tránh tổn thương gan do tác dụng phụ của thuốc.

4. Giai đoạn hạ sốt là giai đoạn nguy hiểm của sốt Dengue

Theo quy luật, 3 ngày đầu người bệnh sẽ bị sốt cao, đau mỏi người, đau hai hốc mắt. Ngày thứ 4 bệnh nhân không sốt cao như 3 ngày đầu, nên nhiều người cho rằng bệnh sắp khỏi, nhưng lại là thời điểm dễ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

  • Biến chứng thứ 1: Tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu

Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm nhưng có dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.

  • Biến chứng thứ 2: Xuất huyết do giảm tiểu cầu

Bệnh nhân có thể có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Những bệnh nhân này cần đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu như thế nào để cân nhắc truyền tiểu cầu nếu cần.

5. Bị sốt Dengue một lần vẫn có thể bị lại

Người đã từng bị sốt Dengue vẫn có thể bị mắc bệnh trở lại. Nguyên nhân là vì virus gây sốt Dengue có 4 typ, nếu bạn đã miễn dịch với typ này do đã mắc trước đó, thì vẫn có thể nhiễm typ virus khác. Do đó một người có thể mắc sốt Dengue 4 lần trong đời.

 Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.