Nước Mỹ và rất nhiều các quốc gia khác đang trải qua một trong những mùa đông giá rét nhất trong vòng 100 năm qua. Bão tuyết, không khí lạnh đã để lại rất nhiều những hình ảnh ấn tượng trong thiên nhiên cũng như trong đời sống của người dân nước Mỹ.
Trong mùa đông năm nay, nước Mỹ đã phải hứng chịu một mùa đông đặc biệt khắc nghiệt. Đợt giá rét kéo dài từ những ngày cuối tháng 12 năm 2017 đến những ngày đầu tháng 1 năm 2018 được người Mỹ gọi là “Bom bão tuyết”. Ở nhiều nơi, tuyết rơi dày từ 30 – 46 cm, gió đạt đến tốc độ kỷ lục 120 km/h. Nhiều vùng của Bắc Mỹ, nhiệt độ đã phá kỷ lục nhiệt độ thấp nhất trong 130 năm qua, khi xuống tới -29 độ C ở Omaha (bang Nebraska), nhiều vùng khác nhiệt độ còn xuống tới – 33 độc C. Trên khắp nước Mỹ, băng giá bao phủ, len lỏi vào từng ngõ ngách của sự sống.
Động vật ngoài tự nhiên chết cóng
Trong tuần đầu tiên của năm mới, tại một bờ biển thuộc bang Massachusetts, người dân đã phát hiện ra 3 con cá mập đã chết bị đánh giạt vào bờ. Các nhân viên Ủy ban bảo vệ cá mập trắng Đại Tây Dương nhận định hai trong số ba con cá mập này nhiều khả năng chết vì “sốc lạnh”.
Ở một vùng biển thuộc vùng Vịnh Mexico (bang Texas), người dân phát hiện rất nhiều rùa biển bị đông cứng do nhiệt độ nước biển quá thấp. Bị đông cứng khiến rùa biển nổi rất nhiều trên mặt nước và khiến chúng dễ dàng trở thành mồi cho các loài ăn thịt. Các nhân viên của đội cứu hộ đã hành động và cứu được 41 chú rùa bị đông cứng nhưng vẫn may mắn sống sót.
Bên cạnh đó, ở bang Florida, thời tiết quá khắc nghiệt đã khiến nhiều kỳ nhông bị đông cứng và rơi xuống đất.
Những con sóng cũng thành băng tuyết
Trong những ngày băng giá này, trên khắp nước Mỹ còn xuất hiện những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ khác. Nước ở khắp mọi nơi đều đóng băng, kể cả trong đại dương. Với nhiệt độ giảm xuống -11 độ C, những con sóng ở ngoài bờ biển Nantucket không còn ở trạng thái thông thường. Nhiếp ảnh gia Jonathan Nimerfroh đã may mắn ghi lại được cảnh tượng hiếm thấy, những con sóng “đóng băng”.
Thời điểm đó, những con sóng không bị đông cứng, nhưng chúng trở thành những hỗn hợp băng đá lạo xạo. Bạn có thể nhớ tới kem đá bào để hình dung được những con sóng đóng băng này.
Thác nước đóng băng
Các thác nước ở Mỹ mang một hình tướng hoàn toàn khác khi nhiệt độ không khí giảm sâu. Những dòng nước đóng băng giữa lưng chừng trời vẫn được các du khách yêu thích.
Thác Niagara nằm ở biên giới giữa bang New York (Mỹ) và tỉnh Ontario (Canada) vẫn là địa điểm du lịch yêu thích của người dân Mỹ, nơi họ có thể cảm nhận trọn vẹn sự ngoạn mục của thiên nhiên.
Thác Minnehaha tuyệt đẹp tại Lakemont, Mỹ trở nên băng giá trong đợt rét kỷ lục.
Tuy nhiên những cảnh tượng băng giá này có khiến những người chứng kiến cảm thấy gai người, khi tưởng tượng tới một ngày đây sẽ là tương lai của thế giới, nếu con người chúng ta không thay đổi?
Những thành phố “tan hoang” vì giá lạnh
Khung cảnh nhiều thành phố ở Mỹ được ví von với khung cảnh của “hành tinh khác” hay “ngày tận thế” bởi màu trắng của tuyết đang phủ kín toàn thành phố.
Không khí trên đường như đặc quánh lại, khiến ánh sáng không thể xuyên qua. Quảng trường Thời Đại trở nên tối hơn rất nhiều so với bình thường. Tại đây, người dân New York đã trải qua đêm giao thừa lạnh thứ hai trong lịch sử.
Những chiếc xe ô tô bị đóng băng, đường phố hoang vắng và người dân phải rất vất vả để có thể di chuyển trong gió tuyết.
Con người trong mùa đông tồi tệ nhất 100 năm qua
Trong giá lạnh, người dân xứ sở cờ hoa vẫn duy trì những sinh hoạt hàng ngày của mình, mặc dù mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Giá lạnh lần này đặc biệt khắc nghiệt với những người phải lao động ngoài phố, những người vô gia cư và những người thực hiện các công tác cứu hộ. Nhưng mỗi người vẫn cố gắng kiên cường chống chọi với giá lạnh, bằng tất cả khả năng của mình.
Bên cạnh đó, còn có những con người đặc biệt khác cũng rất kiên cường trong gió tuyết, đó chính là các học viên Pháp Luân Công. Bất chấp mưa tuyết và rét buốt, họ vẫn tập hợp trên quảng trường như thường lệ để giới thiệu về Pháp Luân Đại Pháp. Dường như không gì có thể ngăn cản những người tu luyện này, kể cả giá lạnh tê người.
Dù trời có lạnh giá tới đâu, người Mỹ vẫn tìm được cho mình sự lạc quan mỗi ngày.
Hy Văn