Theo thống kê của chính phủ năm 2016, có khoảng hơn 60 triệu, tương đương với 1/5 trẻ em Trung Quốc không được sống cùng cha hoặc mẹ. Chúng chủ yếu là những đứa trẻ nông thôn sống trong cảnh đói nghèo, thiếu thốn tình thương khi mà cha mẹ phải bỏ xứ đi làm xa, đến mưu sinh tại những thành phố lớn.
Những đứa trẻ “bị bỏ lại”
“Những đứa trẻ bị bỏ lại” là cụm từ phổ biến tại Trung Quốc để chỉ những trẻ em nông thôn sống ở các ngôi làng quê mà không có liên lạc gì nhiều với bố mẹ bởi cha mẹ chúng đều đi làm ở nơi xa và phó thác lại việc nuôi con cho ông bà hoặc người thân.
Hơn 2 năm trước, Trung Quốc chấn động trước tin 4 anh em ruột, tuổi từ 5 đến 13, tự tử bằng thuốc trừ sâu vì bị mẹ bỏ rơi và không thể liên lạc được với người bố đang đi làm xa nhà. Ông bà bọn trẻ lại quá già yếu để chăm nom chúng. Cả 4 anh em đều phải bỏ học vì gia đình khó khăn.
Dân làng tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh gần thi thể của cậu anh cả, trong đó cậu bé viết rằng: “Con đã lên kế hoạch này từ lâu và bây giờ là lúc chúng con phải ra đi”.
Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ sau vụ việc đau lòng nhưng thực trạng vẫn không thay đổi. Những đứa trẻ vẫn bị bỏ lại cho ông bà hoặc họ hàng nuôi dưỡng trong khi bố mẹ chúng bươn chải kiếm sống xa nhà.
Mới đây nhất, câu chuyện về “cậu bé băng giá” Vương Phú Mãn đã khiến hàng triệu người đau lòng đến rơi nước mắt: Một đứa trẻ mới 8 tuổi đã phải sống tự lập mà không có sự chăm sóc của cha mẹ, trong một căn nhà tranh vách đất cùng ông bà đều đã già yếu. Cậu bé đó hằng ngày còn phải cuốc bộ hàng giờ đi học, dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, có lúc xuống dưới âm 9 độ, đến mức, khi đến được trường thì đầu và lông mày đều bị bao phủ hoàn toàn bởi băng tuyết lạnh giá. Thế nhưng, vượt trên tất cả những khó khăn khổ cực, Phú Mãn không hề đau buồn hay than vãn, em chỉ có một ước mong duy nhất: được gặp lại mẹ.
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ bị bỏ lại ở vùng nông thôn Trung Quốc. Những đứa trẻ “có bố có mẹ mà như không” ấy đều rất dễ tổn thương, rất nhiều trong số đó gặp phải các vấn đề về tâm lý, tinh thần dẫn đến những vấn đề về lối cư xử và hành vi khi phải chịu quá nhiều thiệt thòi, áp lực trong quá trình trưởng thành. Và điều đáng buồn hơn nữa là “vòng tuần hoàn” buồn rất có thể sẽ lặp đi lặp lại giữa các thế hệ khi mà “những đứa con bị bỏ lại” sau khi trưởng thành, cũng rời bỏ nông thôn lên thành thị trong cuộc mưu sinh.
Bi kịch “giấc mộng Trung Hoa”
Để xây dựng nên “giấc mộng Trung Hoa”, làn sóng công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy toàn bộ thanh niên, trai tráng trong các làng nghèo không có công ăn việc làm, đổ xô tới các thành phố lớn để kiếm tiền. Họ là những công nhân nhập cư, những lao động làm thuê không có đủ điều kiện để mang theo con cái bởi vì giá thuê nhà tại các thành phố lớn quá cao, mức sống quá đắt đỏ, trong khi lương của họ lại thấp.
“Chúng tôi không có đồng ruộng để trồng trọt, chăn nuôi. Nếu không lên thành phố tìm việc, thì biết sống thế nào. Bố mẹ của những đứa trẻ phải đi làm ăn xa, vật lộn kiếm sống, không thể mang con nhỏ theo cùng”, một người giám hộ của những đứa trẻ bị bỏ lại chia sẻ.
Trong vòng 3 thập kỷ qua, cuộc sống thiếu cha mẹ đã trở thành một cơn ác mộng cho không người thuộc thế hệ trẻ của đất nước này. Các nhà phân tích cho rằng việc cha mẹ vắng bóng thường xuyên đã lấy đi một phần “con người” rất lớn trong đời sống của đứa trẻ, về mặt giáo dục, an toàn về thể chất cũng như tâm lý.
Nhiều đứa trẻ chỉ được gặp cha mẹ 2 hoặc 3 lần trong một năm (thường là vào dịp Tết nguyên đán hoặc Trung thu), và cũng chỉ kéo dài trong mấy ngày. “Trong một số trường hợp, cha mẹ có khi còn không thể về nhà đoàn tụ với con suốt 3, 4 năm trời” – Nie Mao, một giáo sư về ngành xã hội nhân văn tại Đại học Trung Nam cho biết. “Có rất nhiều tác động tiêu cực về lâu dài… những đứa trẻ đều có ít hoặc nhiều vấn đề về tâm lý học, và một số còn phạm tội”.
Ông Nie cũng đưa ra một loạt các vấn đề mà những đứa trẻ bị bỏ rơi này gặp phải, từ những nỗi ám ảnh cho tới tình trạng không được bao bọc, hoặc học vị thấp kém, cho tới xung đột gia đình. Nhiều trường hợp trẻ bị chết vì không thể chống chọi với thiên tai, như giá rét, bão lụt; cho đến những cậu bé, cô bé trở thành tội phạm hoặc nạn nhân của lạm dụng tình dục…
Thiếu vắng tình yêu thương và sự dạy dỗ của cha me, phải một mình đương đầu với cuộc sống đầy rẫy cạm bẫy và khó khăn, những đứa trẻ này rất dễ rơi vào những vết rạn nứt của xã hội và bị hủy hoại tương lai.
Nguồn ảnh: nhân dân nhật báo
Hiểu Minh