Năm 2014, Đô đốc William H. McRaven, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy các lực lượng đặc biệt Mỹ (USSOC), đồng thời là người tổ chức cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden đã có cuộc trò chuyện ý nghĩa với các sinh viên đại học Texas về những giá trị cuộc sống mà ông đúc rút được sau thời gian tham gia khóa đào tạo đặc nhiệm SEAL.

Đô đốc William H. McRaven, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy các lực lượng đặc biệt Mỹ (USSOC)

Mặc dù đã từ năm 2014 nhưng thời gian gần đây bài phát biểu của ông McRaven lại được chia sẻ và lan tỏa mạnh mẽ. Trong bài viết này, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả những thông điệp ý nghĩa, có sức mạnh truyền cảm hứng cho những ai đang muốn vươn tới ước mơ chân chính của mình, từ bài phát biểu đặc biệt của ông:

If you want to change the world, start off by making your bed (Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng việc dọn giường).

Mỗi buổi sáng trong khoá đào tạo đặc nhiệm SEAL, các huấn luyện viên sẽ đến doanh trại và kiểm tra giường ngủ của học viên. Nghe có vẻ kỳ cục, nhất là với các học viên đang khao khát trở thành những chiến binh SEAL thực sự, dạn dày lửa đạn chiến trường thì việc dọn giường dường như chẳng liên quan gì, nhưng hành động này lại có ý nghĩa sâu xa của nó.

Có một sự thật rằng, hầu hết chúng ta đều mong muốn làm được những điều lớn lao và thường không quan tâm đến tiểu tiết vì cho rằng chúng không quan trọng. Nhưng thực tế thì “nếu không thể làm đúng ngay từ những điều nhỏ nhất, ta sẽ không bao giờ có thể làm đúng những điều lớn hơn”.

Việc dọn giường có vẻ như là một chuyện “cỏn con” nhưng đó là việc đầu tiên trong ngày mà bạn nên hoàn thành. Điều đó sẽ đem đến cho bạn cảm giác rằng ngay cả những điều nhỏ bé trong cuộc sống cũng có ý nghĩa. Đặc biệt, hoàn thành công việc đầu tiên sẽ là động lực khuyến khích bạn hoàn thành thêm nhiều việc khác.

“Và nếu chẳng may bạn có một ngày tồi tệ, bạn sẽ về nhà với một chiếc giường được dọn dẹp ngay ngắn – do chính bạn thực hiện. Và chính chiếc giường được dọn dẹp tới hoàn hảo đó sẽ động viên bạn rằng ngày mai có thể sẽ khá hơn”, ông McRaven hài hước nói.

If you want to change the world, find someone to help you paddle (Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy tìm ai đó giúp bạn chèo thuyền).

Cho dù là một thiên tài kiệt xuất, bạn chắc chắn không thể một mình thay đổi thế giới – bạn sẽ luôn cần ai đó đồng hành, giúp đỡ.

Để đi từ điểm xuất phát tới đích, bạn thực sự cần một người thầy dẫn đường sáng suốt và mạnh mẽ. Bạn cũng cần sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là thái độ tích cực của người lạ.

If you want to change the world, measure a person by the size of their heart, not the size of their flippers (Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy đo lường một người bởi kích thước trái tim họ, không phải bởi kích thước bàn chân họ).

McRaven kể lại, khi tham gia lớp huấn luyện SEAL, ông từng ở trong một con thuyền với những anh chàng cao to, nhưng đội chèo thuyền giỏi nhất lại hợp thành từ những anh chàng nhỏ con mà họ gọi là ‘các chú lùn’, bởi không ai trong đó cao hơn 1m65.

Những anh chàng to con trong các đội thuyền khác thường trêu chọc đội chú lùn khi thấy những đôi dép nhỏ họ đi trước mỗi buổi luyện tập. Tuy nhiên những chú lùn tới từ mọi ngóc ngách trên thế giới đó đã chiến thắng.

“Không thứ gì có thể giúp ích cho bạn, ngoại trừ ý chí thành công. Không phải là màu da, nguồn gốc chủng tộc, trình độ giáo dục hay đẳng cấp xã hội của bạn”.

If you want to change the world, you must be your very best in the darkest moment (Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy thể hiện năng lực tốt nhất trong thời khắc đen tối nhất)

Các chiến binh SEAL phải trải qua một đợt huấn luyện như “địa ngục” kéo dài trong 6 tháng, với những màn “tra tấn” dai dẳng như chạy trên cát lún, bơi giữa đêm trong làn nước lạnh giá ngoài khơi San Diego, các bài vượt chướng ngại vật, những buổi tập thể lực dài vô tận, nhiều ngày không ngủ, luôn trong tình trạng lạnh, ướt và khổ sở…

Học viên Navy SEAL nằm chịu những con sóng vỗ vào mặt để quen cảm giác lặn biển.

Và chính những thử thách khắc nghiệt đó đã đào tạo nên những học viên có tư chất chỉ huy trong môi trường căng thẳng liên tục, hỗn loạn; đã rèn luyện ý chí của họ để luôn sẵn sàng đối diện với những thời điểm thất bại, khó khăn.

If you want to change the world, start singing when you’re up to your neck in mud (Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy cất tiếng hát ngay cả khi bùn ngập tới cổ).

Trong tuần thứ chín của khóa huấn luyện, các học viên phải ngâm mình trong lớp bùn lạnh cóng suốt 15 giờ, trong tiếng gió hú và áp lực không ngừng từ các huấn luyện viên để các học viên bỏ cuộc.

“Chỉ cần 5 người là chúng tôi có thể thoát ra khỏi cái lạnh khủng khiếp này. Có một số học viên gần như muốn đầu hàng. Vẫn còn hơn 8 tiếng đồng hồ nữa cho đến khi mặt trời lên – hơn 8 giờ với cái lạnh thấu xương. Tiếng của những hàm răng va vào nhau lập cập và tiếng rên rỉ của các học viên lớn đến nỗi người ta rất khó nghe thấy bất cứ tiếng động nào khác. Và rồi, một âm thanh bắt đầu vang vọng trong đêm – một giọng hát được cất lên. Sau đó thì giọng hát thứ hai, thứ ba vang lên và không lâu sau đó, tất cả mọi người trong lớp đều hát. Chúng tôi biết rằng nếu một người có thể vượt lên trên những đau khổ thì những người khác cũng có thể làm được”…

Các ứng viên tham gia kiểm tra thể lực bằng hình thức kéo xà.

Đô đốc William H. McRaven tiếp lời: “Và không hiểu tại sao bùn có vẻ như ấm áp hơn một ít, gió như dịu đi, và bình minh thì không còn quá xa. Nếu như tôi đã học được bất cứ điều gì trong cuộc đời khi bôn ba trên thế giới, thì đó chính là sức mạnh của niềm hy vọng. Sức mạnh của một người – Washington, Lincoln, King, Mandela và thậm chí một cô gái trẻ từ Pakistan – Malala, có thể thay đổi thế giới bằng cách mang tới hy vọng cho người khác”.

If you want to change the world don’t ever, ever ring the bell (Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đừng bao giờ rung chuông).

“Cuối cùng, trong khóa huấn luyện SEAL có một cái chuông. Đó là một cái chuông đồng được treo ở trung tâm của doanh trại để tất cả các học viên đều nhìn thấy. Tất cả những gì bạn phải làm khi muốn bỏ cuộc là… rung chuông”.

Chỉ cần rung chuông, bạn sẽ không cần phải dậy sớm, không cần ngâm mình trong giá lạnh, không cần tập luyện khổ cực, bạn sẽ chấm dứt “cơn ác mộng” khủng khiếp này. Nhưng… đừng bao giờ rung chuông.

Một trong những bài tập khắc nghiệt của đặc nhiệm SEAL.

“Hãy bắt đầu mỗi ngày với một nhiệm vụ hoàn thành.

Hãy tìm một người nào đó để giúp các bạn trong cuộc đời.

Hãy tôn trọng tất cả mọi người”.

Dẫu biết rằng cuộc sống là không công bằng và chúng ta sẽ thường xuyên vấp ngã, nhưng nếu dám chấp nhận rủi ro, dám tiến lên trong những thời điểm khó khăn nhất, dám đối mặt những kẻ bắt nạt, nâng đỡ người bị áp bức và không bao giờ… không bao giờ bỏ cuộc thì các thế hệ tiếp theo sẽ sống trong một thế giới tốt hơn nhiều so với thế giới của chúng ta ngày hôm nay.

Hãy nhớ rằng, đừng bao giờ rung chuông!

Nguồn Ảnh: The Blaze

Linh An