Một bé gái 8 tuổi sẽ chỉ là… một bé gái: Hồn nhiên, ngây thơ, và vẫn cần được gia đình bao bọc và chở che.
Thế nhưng, trong các khu rừng rậm tại Trung Phi, những cô bé, cậu bé chỉ mới 8 tuổi nhưng đã hoàn toàn trưởng thành và có thể dựng lập gia đình.
Chỉ 8 tuổi, người Pygmy đã hoàn thiện về sinh lý và có khả năng sinh con đẻ cái (Ảnh: Toments)
Với tuổi thọ trung bình ngắn ngủi, chỉ từ 30-40 tuổi, cùng với thân hình thấp bé và chiều cao khiêm tốn, khoảng 1,2-1,3 mét, và cân nặng không vượt quá 50 kg, họ chính là chủng tộc người nhỏ bé nhất hành tinh – tộc người Pygmy.
Theo các nhà khoa học, người Pygmy là chủ nhân đầu tiên của vùng Trung Phi rộng lớn, là thế hệ kế thừa của nền văn minh cổ đại Sanga từ 60 ngàn năm trước.
Tộc người Pygmy sinh sống chủ yếu trong các cánh rừng nhiệt đới ở Congo. Họ coi rừng xanh là người mẹ hiền vĩ đại và tự gọi mình là “đứa con của núi rừng”. Cả cuộc đời của người Pygmy gắn bó với thiên nhiên và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Họ biết trân trọng mỗi nhành cây, ngọn cỏ, biết yêu thương muôn loài và bảo vệ môi trường tự nhiên. Vì coi rừng là mẹ, họ không bao giờ chặt phá cây cối, ngay cả bẻ cành tươi cũng là điều tối kỵ. Họ chỉ dám nhặt cành khô làm củi đốt và dùng lá chuối hoặc lá cọ để lợp lều. Họ cũng đặc biệt bảo vệ các loài động vật sống trong rừng. Vì vậy, họ không bao giờ săn các con thú non, không lạm dụng việc đánh bắt, mà chỉ săn vừa đủ để đảm bảo cái ăn hàng ngày.
Tách biệt khỏi văn minh của xã hội hiện đại, những người lùn Pygmy tận hưởng một cuộc sống hồn nhiên và vô tư giữa núi rừng. Họ không có khái niệm về thời gian, không có chữ viết, và cũng không biết sử dụng các con số. Vì vậy, không ai trong số họ biết về tuổi của mình. Sự sống và cái chết đến với họ tự nhiên như hơi thở của gió ngàn. Họ là những con người hiền hòa, nhân ái, sống chan hòa như nắng, gió cùng mây trời.
Thế nhưng, đáng tiếc là tộc người hiền hòa này lại đang phải đối mặt với nạn diệt chủng. Họ là nạn nhân của các vụ giết người hàng loạt và bị đối xử phân biệt bởi chính con người hiện đại. Theo một báo cáo của BBC năm 2004, trong suốt cuộc nội chiến Congo diễn ra từ năm 1998-2003, những người Pygmy đã bị săn đuổi và bị ăn thịt như loài vật. Người ta tin rằng thịt người Pygmy có thể mang đến sức khỏe, trường thọ, và những huyền năng kỳ diệu, bởi vậy, họ dễ dàng trở thành mục tiêu của các cuộc săn lùng. Hơn nữa, một nhóm người tại tỉnh North Kivu (Congo) muốn san phẳng vùng đất nơi người Pygmy sinh sống để mở rộng hoạt động khai thác khoáng sản, đẩy họ rơi vào hoàn cảnh khốn cùng.
Người Pygmy cũng là một mục tiêu của phiến quân Interahamwe trong nạn diệt chủng Rwanda năm 1994. Ít nhất 30.000 người Pygmy đã thiệt mạng, thế nhưng, họ lại là “những nạn nhân bị lãng quên” sau nạn diệt chủng này. Ước tính tổng số người Pygmy bị giết hai tại Congo và Rwanda là 70.000 người.
Ở đất nước Congo cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới, người Pygmy phải chịu nạn phân biệt đối xử, thậm chí, đôi khi họ còn không được coi là một con người. Nhiều người Pygmy đã bị bắt làm nô lệ phục vụ cho những ông chủ người Bantu. Con cái họ sinh ra cũng sẽ phải tiếp nối cuộc sống nô lệ ấy. Họ phải lao động cực nhọc và thực hiện các công việc tay chân… Mặc dù UNICEF đã lên tiếng gây sức ép đối với chính phủ Congo, nhưng đạo luật bảo vệ người Pygmy vẫn phải nằm dài trong chờ đợi mà vẫn chưa được phê duyệt từ năm 2009.
Trong lịch sử từ xưa đến nay, cả chính quyền thực dân lẫn các bộ tộc Bantu đều coi người Pygmy là thấp kém. Vì vậy, họ dễ dàng trở thành nạn nhân của kỳ thị chủng tộc. Họ không được công nhận là công dân của hầu hết các quốc gia Châu Phi, bị từ chối cấp chứng minh thư, bị tước đoạt đất đai, không được chấp nhận chăm sóc sức khỏe và không được đi học. Nạn phá rừng trầm trọng đã buộc nhiều người Pygmy phải rời khỏi nơi cư trú để đến các ngôi làng hay khu vực thành thị, nơi họ phải sống trong cảnh nghèo khó, khốn cùng, phải lao động cực nhọc để nhận đồng lương rẻ mạt.
Ngày nay chỉ còn khoảng 500.000 người Pygmy sinh sống trong các khu rừng nhiệt đới ở Trung Phi. Cuộc sống, văn hóa, và bản sắc của họ đang bị ăn mòn bởi chính con người hiện đại ngày nay. Những đứa con của núi rừng vẫn chưa biết sẽ đi đâu, về đâu nếu mẹ rừng bị tàn phá vào một ngày không xa.
Hồng Liên tổng hợp