Người xưa vẫn thường có câu ca “Đã rằng là nghĩa vợ chồng. Dầu cho nghiêng núi cạn sông chẳng rời”. Trong nhiều lắm những mối nhân duyên trong cuộc đời, có lẽ nghĩa vợ chồng là một trong những mối liên hệ bền chặt nhất.

Tại phường 4 thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, trên một con ghe nhỏ giữa sông nước, là nơi ông Nguyễn Văn Được sinh sống cùng người vợ hiền thảo của mình. Hai ông bà nay đã gần 80 tuổi, không con, không cháu, không người thân thích. Họ vì thế cũng chính là chỗ dựa duy nhất của nhau, trên chặng cuối cuộc hành trình nơi nhân thế này. 

Hai ông bà đã là vợ chồng hơn 40 năm. Quê gốc ở Cần Thơ, ông bà phiêu bạt vào Sa Đéc cũng đã hơn 10 năm. Được biết chiếc ghe nhỏ của ông bà đã neo đậu ở ven sông cũng được 4, 5 năm nay. Khoảng thời gian ấy, những người dân phường 4 đã dần quen thuộc với hình ảnh hai vợ chồng già sớm tối có nhau.

Chiếc ghe nhỏ của đôi vợ chồng già không con cháu, không người thân thích (Ảnh: chụp màn hình)

Vất vả mưu sinh

Ông Được đã từng tham gia chiến tranh, nên về già thân thể bắt đầu bị bệnh tật, các vết thương hủy hoại. Nay, ông đã mất một bên bàn chân, đôi mắt cũng đã mờ không còn nhìn được. Cuộc sống với ông ngày càng thu nhỏ lại, gói gọn trong cái ghe nhỏ này. Mọi sinh hoạt cá nhân của ông giờ cũng nhờ cậy cả vào bà.

Ông Nguyễn Văn Được trong chiếc ghe nhỏ của mình (Ảnh: chụp màn hình)

May mắn rằng, tuy tuổi đã gần 80, bà vẫn còn đủ sức khỏe để lo cho cuộc sống của hai người. Hàng ngày, sau khi chuẩn bị cơm nước chu đáo cho ông, bà lại cắp chiếc bao nhỏ đi làm. Lang thang trên nhiều con phố, bà lượm những thứ người ta bỏ đi, tích cóp lại một chỗ, chờ ngày đem bán. 

Bà Liên, vợ ông dù đã gần 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đi nhặt ve chai kiếm tiền để chăm lo cho chồng (Ảnh: chụp màn hình)

Ngày nào cũng như ngày nào, mặc cho chân chậm, tay run, bà vẫn kiên trì làm công việc của mình. Nhìn ngắm “kho đồ phế liệu” nhỏ của bà, ai cũng vừa xót, vừa thương. Cái kho ấy được xây nên bởi bao mồ hôi, bao ngày dầu nắng, dầu mưa, bà vẫn chầm chậm đi nhặt từng cái vỏ chai. Đó là cái kho của tình thương và lòng kiên nhẫn. Giống như những chú kiến nhỏ, bà chắt chiu từng chút nhỏ mỗi ngày.

“Cái kho phế liệu” mà bà Liên tích cóp bấy lâu (Ảnh: chụp màn hình)

Khi hết giờ làm, bà lại nhanh chóng để về với ông. Có một mình nơi ghe nhỏ, mắt không thấy đường, tai không nghe rõ, chân không đi được, với ông, bà dường như là tất cả niềm vui. Hơn ai hết, bà cảm nhận rất rõ điều này. Mỗi lần về đến nhà, bà lại chăm sóc ông từ những điều nhỏ nhất. Một lời hỏi thăm “ông ăn cơm chưa?”, “trong mình ông còn mệt không?” của bà tưởng thật đơn giản, nhưng với ông, nó hẳn mang rất nhiều ý nghĩa.

Bà chăm lo cho ông từ miếng ăn, giấc ngủ. Đó là hạnh phúc của bà (Ảnh: chụp màn hình)

Dù âm thanh của tiếng nói đến được với ông không trọn vẹn, câu được, câu chăng, nhưng sự quan tâm chân thành, ấm áp của bà chắc hẳn đã đến trọn vẹn trong trái tim ông. Cách bà nhẹ nhàng lau đôi mắt đã nhòe cho ông, cách bà hỏi ông muốn ăn gì tối nay sẽ làm nhiều người, nhất là những người trẻ giật mình. Đã bao lâu rồi, bạn không hỏi người thương yêu nhất của mình những câu đơn giản ấy với mong ước thật sự là được chăm sóc và làm người kia được hạnh phúc?

Sự đùm bọc của bà con 

Hai vợ chồng ông bà Được dù không con, không cháu, nhưng may mắn thay trong cuộc sống, ông bà vẫn gặp được những vòng tay nhân ái. Chiếc ghe nơi ông bà đang sinh sống là do những nhà hảo tâm đóng tặng. Chiếc ghe nhỏ thôi, nhưng với ông bà đó là nơi chốn để đi về, là nơi nương náu an toàn, tránh được cái mưa, cái nắng. Đó cũng chính là mái ấm gia đình thiêng liêng của hai người. 

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Ông bà sống một mình trong ghe, nhưng luôn được bà con chòm xóm quan tâm. Có lần chiếc ghe bị lật, khi ấy bà đang đi làm, trên ghe chỉ còn mình ông. May mắn thay, bà con chòm cóm kịp thời nhận ra. Mọi người hò nhau tới kéo ghe, vớt cụ ông lên, rồi vớt đồ đạc lên lại cho hai ông bà. 

Rồi trên đường đi làm, bà cũng được rất nhiều người giúp đỡ. Có người tặng bà hộp cơm, có người mời bà cốc nước. Bà kể, nếu không có những sự trợ giúp ân tình ấy, có lẽ bà không thể kiên trì công việc nhặt phế liệu của mình đến tận hôm nay. Sức bà yếu, nhưng tấm lòng của nhiều những con người không quen biết, nhưng thương bà, thương hoàn cảnh của bà, đã nâng đỡ bà rất nhiều. 

Cái nghĩa vợ chồng: Sống là để vì nhau

Chiếc ghe của những nghĩa tình (Ảnh: chụp màn hình)

Khi được hỏi, tuổi đã cao nhường ấy mà vẫn phải đi làm vất vả hàng ngày, bà có buồn, có tủi không? Bà cười. Nụ cười thanh thản và hạnh phúc. Qua lời kể của bà, mọi người cảm nhận được sự tự nguyện, đức hy sinh và tình thương sâu nặng của người phụ nữ Việt đã in sâu trong trái tim bà. Bà kể, ngày xưa khi còn lành lặn, ông đã vất vả ngược xuôi để nuôi bà, chăm sóc cho bà. Nên giờ, ông có bệnh phải nằm đó, việc bà đi làm nuôi ông nó là cái lẽ tự nhiên như quy luật ban ngày rồi lại ban đêm của đất trời, không phải là điều gì ghê gớm.

Tự nguyện yêu thương, tự nguyện vì nhau phải chăng là cách mà người xưa cùng nhau vun bồi hạnh phúc gia đình, kết cho thêm bền, thêm chặt cái nghĩa vợ chồng?

Để rồi, khi thế giới thu nhỏ lại chỉ trong một chiếc ghe, trên thân thể là bao nỗi đau đè nặng, ông vẫn có thể tìm thấy nụ cười khi có bà ở bên. Và với bà, hạnh phúc lớn nhất sau một ngày đi làm mệt mỏi về là được thấy nụ cười trên khuôn mặt người đã cùng bà trải qua bao đắng cay của cuộc đời. 

Nụ cười của bà khi kể về điều khiến mình hạnh phúc nhất (Ảnh: chụp màn hình)

Hạnh phúc có thể giản dị đến thế sao? Mỗi người chúng ta hẳn sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Trên chiếc ghe nhỏ ấy, câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng một lòng thủy chung vẫn được ông bà Được viết tiếp, bằng cả tấm lòng. 

Hy Văn