Món ăn truyền thống có lịch sử nghìn năm, nho nhỏ và mang hình hài của những hạt đậu tương bé xíu – natto được coi là hạt ngọc ẩn giấu của nền văn hóa ẩm thực xứ Phù Tang.

Natto là một món ăn truyền thống của người Nhật làm từ đậu nành lên men và thường được dùng vào bữa sáng với mùi vị và vẻ ngoài đặc trưng.  Natto có lịch sử rất lâu đời, được người Nhật ưa chuộng suốt 1.200 năm qua.

Ảnh: m.mgronline.com

Nguồn gốc của natto đến nay vẫn còn là một cuộc tranh cãi không hồi kết. Có nhiều câu chuyện thú vị về món natto được người Nhật lưu truyền, một trong số đó liên quan đến cuộc chiến dẹp loạn phiến quân năm 1086-1088 sau Công nguyên. Khi quân lính dừng lại nấu đậu nành cho ngựa ăn thì bất ngờ bị tấn công. Họ đành vội vã quấn đậu trong gói rơm, cột chặt vào lưng ngựa.

Ngày hôm sau, gói đậu ấm lên, lên men và bốc mùi khủng khiếp, song đàn ngựa vẫn ăn ngon lành. Binh lính tò mò nếm thử và phát hiện ra món đậu béo ngậy, bùi và ngọt hơn, ăn lại mau tiêu, nhuận tràng. Cách làm natto truyền thống phổ biến đến nghìn năm sau, mãi đến năm 1912-1926, các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra cách làm natto mà không cần ủ rơm, với việc ngâm hạt đậu nành qua đêm, hấp chín rồi ủ với men bacillus natto, đặt ở môi trường 40 độ C trong 14-18 giờ. Cách làm này cũng cho ra những hạt đậu nành lên men ngon như cách truyền thống.

Ảnh: japan-brand.jnto.go.jp

Giống như sầu riêng của Việt Nam, khi mới ngửi, natto có mùi hơi ngai ngái do làm từ đậu nành lên men nhưng nếu ai đã thích lại dễ cảm thấy sức quyến rũ kỳ lạ của món ăn này. Một số chuyên gia ẩm thực so sánh Natto của Nhật với đậu hũ thối của Hong Kong khi cả hai món đều khá kén người ăn do hương vị có phần khá khó chịu và ngoại hình nhơn nhớt kéo sợi dài mỗi khi gắp.

Natto thường được ăn với cơm và hành ngò, wasabi, củ cải trắng xay thành bột, trứng và nước tương shoyu vào bữa sáng. Tuy nhiên, có nhiều gia đình thường trộn thẳng natto với tương shoyu nhằm giúp mùi đậu nành lên men ngậy và ngon hơn.

Ảnh: touhoku-syouyu.co.jp

Ngoài ra, ở miền Bắc nước Nhật, natto còn được trộn với đường. Đa phần cư dân ở miền Đông như Tokyo hay miền Bắc Hokkaido vô cùng ưa chuộng món đặc sản này. Mỗi năm, người dân xứ Phù Tang tiêu thụ khoảng 50.000 tấn natto. Để có được món natto truyền thống, người ta chọn những hạt đậu tương nhỏ, ngâm nước cho mềm rồi đem luộc chín. Đậu tương sau khi xử lý được gói vào các túm rơm rồi lên men ở nhiệt độ 40 độ C. 

Natto ngày nay được các đầu bếp Nhật nâng tầm lên thành nghệ thuật ẩm thực. Những hộp natto kèm gói nước chấm Shoyu và mù tạt vàng được xuất đi cả thế giới. Với những thực khách còn e dè với natto, các đầu bếp hàng đầu sẽ khéo léo giấu chúng bên trong những chiếc bánh rán thơm phức. Natto cũng được gói trong sushi, bánh mì nướng, súp miso, trứng cuộn tamagoyaki, salad, bánh xèo okonomiyaki, mì spaghetti… Thậm chí, người Nhật còn nghiền nát đậu nành và lên men làm thành “hikiwari natto”.

Ảnh: allabout-japan.com

Ngoài việc đơn thuần là một món ăn truyền thống, natto còn mang giá trị dinh dưỡng cao được công nhận bởi các chuyên gia dinh dưỡng. Quá trình lên men sản sinh ra những sợi tơ nhớt giàu enzym nattokinase, có công dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch – nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nhật.

Trong lịch sử Thế chiến thứ II, natto được quân đội Nhật sử dụng như thuốc trị kháng sinh, kiết lỵ. Hiện tại, natto đang được các dược sĩ nghiên cứu để chiết xuất các thành phần cho thuốc chống lão hoá và béo phì.

Đậu nành lên men cũng chứa isoflavone, một dạng estrogen thực vật tương tự nội tiết tố nữ. Phụ nữ tuổi 40 ăn natto sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng mãn kinh và tiền mãn kinh như bốc hỏa, vã mồ hôi đêm… Ngoài ra, còn giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung.

Một khảo sát online cho thấy, có 70,2% số người được hỏi khen natto ngon. Điều đặc biệt là trong 29,8% nói không thích, vẫn có một nửa số họ ăn natto hàng ngày vì những lợi ích sức khỏe mang lại. 

Hiện nay ở Việt Nam đã có loại natto làm sẵn bán trong các siêu thị đồ ăn Nhật Bản, rất thuận tiện cho bạn nào muốn trải nghiệm món ăn truyền thống độc đáo này.

Minh Vy