Vài năm trước đây, nhiều người dân sống tại thành phố São Paulo, Brazil, đã quen thuộc với hình ảnh một ông lão già nua, rách rưới, không nhà cửa, ngồi cả ngày bên một góc đường để viết, viết, và viết.
Trong suốt 35 năm sống tha hương, ông lão vô gia cư ấy vẫn cặm cụi bên cây bút và tập giấy của mình. Nhưng người qua đường không mấy ai bận tâm.
Cho đến mùa xuân năm 2011, một người phụ nữ tên là Shalla Monteiro đã đến và bắt chuyện với ông. Cô coi ông là một người bạn già đáng kính, và vẫn thường xuyên ghé thăm ông.
Và rồi một ngày, ông đưa cho cô một trong những tờ giấy của mình. Đó là một bài thơ… Shalla vô cùng xúc động khi đọc tác phẩm ấy, vì vậy cô đã tạo một trang Facebook để chia sẻ những tác phẩm của ông lão với mọi người.
Ngay sau đó, những bài thơ và mẩu truyện do ông lão vô gia cư sáng tác đã thu hút sự chú ý của người dùng Facebook. Người dân địa phương lần lượt đến thăm và tặng ông những món quà thay cho lời cảm kích.
Nhưng một điều mà cả ông lão và Shalla đều không ngờ tới là… trang Facebook đã giúp người em trai hơn 50 năm thất lạc tìm được ông.
Thì ra, đằng sau những bộ quần áo rách rưới và gương mặt già nua ấy chính là nhà thơ và nhà văn Raimundo Arruda Sobrinho. Ông sinh năm 1938 tại một vùng quê của bang Goiás, nằm ở phía Tây Brazil. Ở tuổi 23, ông chuyển đến sinh sống và làm việc tại São Paulo. Cho đến cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông không còn nhà cửa và phải sống cảnh màn trời chiếu đất trong suốt 35 năm, cho đến khi đoàn tụ cùng với em trai mình.
Hiện tại, ông Sobrinho đang sống hạnh phúc cùng với gia đình em trai tại Brazil. Ông vẫn tiếp tục viết văn, làm thơ, và gặp gỡ người bạn tri kỷ Shalla. Các tác phẩm của ông cũng hứa hẹn sẽ xuất bản thành sách vào một ngày không xa…
Câu chuyện của ông lão Sobrinho đã được dựng thành phim và chia sẻ rộng rãi trên Youtube, Vimeo, Facebook Stories, và nhiều trang mạng xã hội khác.
Video kể lại câu chuyện của ông Sobrinho:
Hồng Liên
Xem thêm: