Nếu ai đã từng xem bộ phim hoạt hình “Mồ đom đóm” sẽ không thể nào quên được những hình ảnh đau thương trong câu chuyện và thông điệp mà bộ phim muốn nhắn nhủ.
Tác giả của cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim cùng tên là Akiyuki Nosaka. Sinh ra tại thành phố Kamakura (Nhật Bản) năm 1930, Akiyuki Nosaka trải qua một thời tuổi thơ cực nhọc và đau đớn. Mẹ ông qua đời hai tháng sau khi sinh con. Cha của ông cũng bị giết chết trong một cuộc không kích ở Kobe trong những tháng cuối của Thế chiến II. Một thời gian sau, Nosaka lại tiếp tục bị mất đi một người em gái do bệnh tật và một đứa em trai do đói ăn. Tất cả nỗi đau này được Nosaka dồn nén trong cuốn tiểu thuyết bán tự truyện “Mồ đom đóm”, được xuất bản khi tác giả 37 tuổi. Mồ đom đóm được xem như là một lời xin lỗi tới người em gái của chính tác giả. Tác phẩm được trao giải thưởng văn học Naoki, một giải thưởng văn học uy tín của Nhật Bản, vào năm 1967.
Chân dung nhà văn Akiyuki Nosaka
Với người Nhật thì “Mồ đom đóm” là một tác phẩm văn học đầy máu và nước mắt nhưng cảm động kể về tình anh em của hai đứa trẻ mồ côi Seita và em gái của cậu Setsuko trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới 2 ở Nhật. Không những thế, đây còn là một câu chuyện về lòng tự trọng hơn là về tinh thần phản chiến.
Bìa cuốn sách bằng tiếng Nhật
Hai anh em mất mẹ sau cuộc thả bom dữ dội của không quân Mỹ vào thành phố Kobe trong khi cha của hai đứa đang chiến đấu cho Hải quân hoàng gia Nhật. Vì vậy Seita và Setsuko phải vật lộn để tồn tại giữa một bên là nạn đói và một bên là sự thờ ơ đến nhẫn tâm của những người xung quanh (trong đó có cả những người họ hàng của hai đứa trẻ). Hai anh em phải lang thang tìm chỗ trú ẩn, góp nhặt từng mớ rau củ để ăn sống qua ngày.
Tuy cực khổ và không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng hai anh em vẫn giữ trong mình sự hồn nhiên của những đứa trẻ. Tinh nghịch nô đùa bên bờ sông và thiên nhiên, dường như chiến tranh chưa bao giờ xảy ra trong hai tâm hồn ngây thơ, trong sáng.
“Sao đom đóm lại chết nhanh thế hả anh? Mình đắp mộ cho chúng nhé?” – Setsuko ngây ngô hỏi Seita. Chỉ sau một đêm lũ đom đóm mà em cùng anh trai Seita bắt vào bỏ trong màn đã chết hết… Em đâu biết rằng, số phận mình là phải ra đi sớm như những con đom đóm kia. Đã nhiều lần thiếu thức ăn, Setsuko phải ăn cả đồ ôi thiu. Ngày tháng trôi qua, không thể chịu được cảnh đói khát, Setsuko đã chết đói trong một cái hầm bỏ hoang trước khi người anh trai Seita kịp mang thức ăn về. Không lâu sau khi Setsuko đi mất, Seita cũng qua đời để được đoàn tụ với Setsuko. Hai anh em tay nắm tay trên đỉnh đồi hát bài hát của đom đóm trước sự nghiệt ngã của thời gian…
Dù có đói khổ, hai anh em Seita và Setsuko vẫn ở bên nhau
Sau những ngày tháng sống trong vô vọng, đói rét và bệnh tật, cuối cùng thì chiến tranh cũng cướp nốt sinh mạng hai đứa trẻ. Khoảnh khắc ấy giống như ánh sáng của đom đóm lụi tàn khi ngày mới đến trên mảnh đất này…
Hình ảnh Seita địu em trước khi chết đã được miêu tả thật chân thực bởi người chứng kiến.
“Tôi thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi đi qua. Trên vai em là một đứa nhỏ khác. Giai đoạn đấy ở Nhật Bản, tôi hay bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đang chơi đùa với em mình trên vai. Nhưng với cậu bé này, câu chuyện hoàn toàn khác. Em không có giày với khuôn mặt đầy căng thẳng, còn đứa nhỏ trên vai em dường như đang ngủ rất sâu. Cậu bé cứ đứng đó chừng 5 hay 10 phút.
Một lúc sau, người đàn ông đeo khẩu trang trắng tiến về phía em, cởi dây và đỡ lấy đứa bé. Đó là lúc tôi nhận ra em đã chết. Người đàn ông giữ lấy đứa nhỏ và đặt trên giàn hỏa thiêu. Người anh cứ đứng đó, trân trân nhìn ngọn lửa đang cháy. Nó cắn môi dưới của mình chặt đến nỗi tôi thấy máu tóe ra ngoài.
Khi ngọn lửa cháy rụi, cậu bé quay đầu lại và bỏ đi trong im lặng”.
“Tại sao những con đom đóm lại chết sớm như vậy?”
“Mộ đom đóm” được dựng thành phim và mang tính nhân văn cao, lên án chiến tranh một cách mạnh mẽ vì ảnh hưởng mà nó đem lại, đọng lại trong người xem thật nhiều dư vị. Những khoảnh khắc đầy nước mắt và nỗi đau tột cùng mà cuộc chiến đấu với đạn bom, khói lửa mang lại khiến không ít người bị ám ảnh. Số phận của những đứa trẻ trong chiến tranh chỉ giống như những con đom đóm: bơ vơ và yếu ớt… Sự mất mát, giọt nước mắt đau thương vẫn lẩn khuất đâu đó trong tim những người ở lại, những người phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh – một nỗi đau chưa kết thúc…
Một lần nữa người ta lại nhắc đến giá trị hòa bình không chỉ bằng ước vọng mà còn bằng nước mắt. Loài người từ xưa đến nay vẫn thấm thía một chân lý: “Xung đột và chiến tranh, dù nổ ra ở đâu trên trái đất này, trong thời đại nào và tước đi sinh mệnh của bao nhiêu người đi chăng nữa, thì nỗi đau mà nó gây ra vẫn luôn nhiều hơn những gì ta có thể nói bằng lời.”
Chiến tranh sinh ra cũng bởi lòng người không thể được cảm hóa, và con người chỉ nghĩ đến bạo lực để giải quyết vấn đề. Nếu trong tâm hồn ai cũng đầy ắp sự từ bi và nhẫn nại, tự thay đổi bản thân mình và truyền năng lượng tích cực cho người khác, thì thế giới không cần đến súng đạn để thu phục lòng người, và hàng triệu những con người vô tội không mất đi sinh mệnh một cách vô ích.
Có người từng nói: Sự khoan dung chính là liều thuốc chữa lành mọi vết thương. Dù là vết thương trong tâm hồn, hay vết thương của cả một dân tộc, thì Tình người và lòng vị tha có thể cải biến tất cả. Cổ nhân có câu: “Hậu đức tải vật”, có nghĩa là nói con người nếu có đức hạnh, thì không có việc gì là không thể gánh vác, không thể xử lý được. Đức hạnh, nhân phẩm tốt đẹp là cốt lõi của mọi sự việc, chỉ cần tu dưỡng đạo đức bản thân mình trong cuộc sống hàng ngày, khó khăn nào, hoàn cảnh nào cũng có thể vượt qua và cải biến…
Phương Lâm tổng hợp
Xem thêm: