Có một vị bác sĩ là tiến sĩ chuyên ngành y khoa nổi danh hàng đầu thế giới tình cờ đi tới một khu vực hẻo lánh nọ trên núi để khám chữa bệnh miễn phí cho những người dân nghèo trong vùng. Tại đây, anh ta gặp một người chăn trâu trông có vẻ khá vất vả.

Vị tiến sĩ nọ đột nhiên cảm thấy thương xót thay cho số phận kẻ sinh ra tại vùng quê nghèo nàn, lớn lên trong sự nghèo nàn và chết đi cũng trong sự nghèo nàn như vậy. Ông nghĩ, người chăn trâu này thật tội nghiệp, anh ta sẽ mãi mãi không bao giờ được đặt chân tới những chân trời mới, tiếp xúc với nhiều điều mới rồi trở thành một người thành đạt, giỏi giang của xã hội.

Một thoáng động lòng trắc ẩn, vị Tiến sĩ đến gần và cất giọng hỏi thăm :

“Sao anh lại đi chăn trâu?”

Người chăn trâu lúc đó đang nghỉ ngơi bèn trả lời:

“Tôi chăn trâu đương nhiên là để nuôi lớn, bán lấy tiền rồi.”

Tiến sĩ lại hỏi: “Vậy anh bán lấy tiền để làm cái gì?”

Người chăn trâu đáp: “Tôi lấy tiền xây nhà.”

Tiến sĩ hỏi: “Vậy anh xây nhà để làm gì?”

Người chăn trâu đáp: “Tôi xây nhà để cưới vợ.”

Tiến sĩ hỏi: “Vậy anh cưới vợ để làm cái gì?”

“Tôi cưới vợ để rồi sinh con đẻ cái.”

Tiến sĩ lại hỏi: “Vậy anh sinh con đẻ cái để làm cái gì?”

“Để con cháu sau này lớn lên đi chăn trâu kiếm tiền.”

Tiến sĩ nghẹn họng không biết nói gì. Anh ta ngậm ngùi cảm khái, than thở rằng:

“Thật là, tại sao quanh đi quẩn lại anh vẫn chỉ nghĩ đến chuyện chăn trâu thôi vậy? Cuộc đời như vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa chứ.”

Sau một hồi giảng giải, suy ngẫm chuyện nhân sinh cuộc đời, người chăn trâu bỗng hỏi lại vị Tiến sĩ:

“Ông được đi học đúng không, tôi thấy mọi người gọi ông là Tiến sĩ, vậy ông làm Tiến sĩ để làm gì?”

Vị Tiến sĩ trả lời:

“Học nhiều biết nhiều là để trở nên giỏi giang, thành tài.”

Người chăn trâu hỏi:

“Giỏi giang thành tài để ông nổi danh, để ông kiếm được nhiều tiền tiền đúng không? Vậy kiếm nhiều tiền rồi ông làm gì?”

Vị Tiến sĩ trả lời:

“Nổi tiếng, có tiền rồi thì sự nghiệp ổn định đi lên, có thể mua nhà, mua xe, lấy vợ, lập nghiệp.”

“Lấy vợ lập nghiệp rồi ngài cũng phải sinh con đẻ cái đúng không? Vậy sau đó ông làm gì?”

“Đương nhiên ta sẽ dạy dỗ con cái nên người, khôn lớn thành tài.”

Người chăn trâu lại hỏi tiếp:

“Vậy con cái ông khôn lớn thành tài để làm gì?”

Vị Tiến sĩ điềm nhiên nói:

“Thành tài rồi mới có thể kiếm tiền…” Đến đây thì anh ta im bặt.

“Thật là, tại sao quanh đi quẩn lại ông chỉ nghĩ đến kiếm tiền thôi nhỉ. Cuộc đời xoay vòng như vậy thì còn có ý nghĩa gì đây?”

Nhìn bóng lưng kẻ chăn trâu đi xa, vị Tiến sĩ nọ mới đột nhiên cảm thấy rằng, một người học thức đầy mình như anh ta thật ra cũng chẳng khác là bao so với kẻ chăn trâu nghèo khổ trong một vùng quê hẻo lánh. Cả cuộc đời, mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống của họ đều nằm trong một vòng tuần hoàn mà thôi.

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về lại cát bụi…”.

Có lẽ, đã là một kiếp người thì không thể nào tránh khỏi được cái vòng tuần hoàn ấy.

Còn bạn, đã bao giờ bạn tự hỏi ý nghĩa kiếp nhân sinh là gì?

Bài viết đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài viết gốc tại đây.

Video xem thêm: Tại sao Pháp Luân Công lại phổ biến nhanh chóng ở Việt Nam?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e2f1f1d4__